Nghệ sỹ piano Lisa Sung: Việt Nam mang lại cảm giác thân thương như ở quê nhà

Nghệ sỹ piano Lisa Sung đã có chuyến lưu diễn thành công tại Việt Nam. Văn hóa, âm nhạc và cuộc sống ở đất nước hình chữ S đã truyền cảm hứng mạnh mẽ đối với chị.

Nghệ sỹ jazz nổi tiếng thế giới Lisa Sung (người Mỹ gốc Hàn Quốc) vừa có chuyến lưu diễn thành công tại Nha Trang và Hà Nội. Khi cây đàn piano của chị ngân lên, khán giả bất ngờ thích thú nhận ra giai điệu trong những bài đồng dao quen thuộc với trẻ em Việt Nam. Bằng cách đó, chị đã khiến jazz – dòng nhạc kén người nghe trở nên đại chúng, “bắt tai” hơn bao giờ hết.

Nhân dịp này, chị đã dành cho phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus cuộc trò chuyện về những cảm hứng và sáng tạo thú vị khi chị tiếp cận âm nhạc Việt Nam.

Âm nhạc là ngôn ngữ toàn cầu

- Điều gì đã mang chị đến với Liên hoan quốc tế nhạc Jazz lần thứ Nhất tại Nha Trang?

Nghệ sỹ Lisa Sung: Tôi đã giành được giải thưởng John Stites Jazz Award năm 2022 và được tài trợ ba chuyến lưu diễn quốc tế cùng với ban nhạc của mình – Tứ tấu Lisa Sung.

Tôi đã chọn Hàn Quốc – nơi tôi sinh ra, Indonesia và Việt Nam. Đây là lần đầu tiên tôi đến Việt Nam và thật trùng hợp là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Liên hoan quốc tế nhạc Jazz lần đầu tiên. Tôi đã được kết nối để biểu diễn trong khuôn khổ chương trình này.

 Nghệ sỹ Lisa Sung biểu diễn trong khuôn khổ Liên hoan quốc tế nhạc Jazz lần thứ Nhất tại Nha Trang. (Ảnh: Báo Khánh Hòa)

Nghệ sỹ Lisa Sung biểu diễn trong khuôn khổ Liên hoan quốc tế nhạc Jazz lần thứ Nhất tại Nha Trang. (Ảnh: Báo Khánh Hòa)

Tôi đang theo đuổi một dự án cá nhân là hợp tác với các nhạc sỹ địa phương và nghiên cứu âm nhạc dân gian gồm các bài đồng dao, các bài hát ru. Tôi và ban nhạc của mình sẽ diễn giải các bản nhạc thiếu nhi từ các quốc gia khác nhau bằng ngôn ngữ của jazz.

Indonesia và Việt Nam đều từng là các quốc gia thuộc địa, cũng giống như Hàn Quốc. Do đó, chúng ta có nhiều điểm tương đồng về mặt lịch sử và văn hóa.

Luận án Tiến sỹ của tôi tập trung vào âm nhạc châu Á và sự giao thoa âm nhạc Đông-Tây. Do đó, chuyến đi này và những trải nghiệm tại Việt Nam sẽ là tư liệu cho nghiên cứu của tôi.

- Chị đã có trải nghiệm như thế nào khi biểu diễn tại Việt Nam?

Nghệ sỹ Lisa Sung: Mọi thứ đối với tôi thật hoàn hảo. Ngoài việc trình diễn tại một liên hoan nhạc jazz lớn nhất cả nước, tôi còn được đứng trên sân khấu giao lưu với khán giả. Tôi chia sẻ với họ rằng tôi có 6 đứa con và điều đó ảnh hưởng rất lớn đến âm nhạc của tôi. Nhạc thiếu nhi, đồng dao, hát ru đối với tôi thật gần gũi, thân thương và tôi chắc rằng với mọi người cũng vậy.

Việt Nam khiến tôi thấy thân thương như đang được trở về Hàn Quốc, quê hương của mình, dù trước đó, tôi không quen biết ai ở đây. Mọi người chào đón tôi nồng hậu. Tôi đã được ngắm vẻ đẹp của biển Nha Trang, Vịnh Hạ Long, Hồ Hoàn Kiếm, đã được nếm món phở, xôi cốm, càphê trứng Hà Nội. Tôi chắc chắn sẽ quay trở lại Việt Nam và đi du lịch ở Ninh Bình.

 Nghệ sỹ Lisa Sung đã biểu diễn và thu âm tại Long Waits Jazz Club, Hà Nội. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Nghệ sỹ Lisa Sung đã biểu diễn và thu âm tại Long Waits Jazz Club, Hà Nội. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

- Chị có ấn tượng như thế nào về các nghệ sỹ jazz Việt Nam?

Nghệ sỹ Lisa Sung: Tôi ngưỡng mộ nghệ sỹ Quyền Văn Minh từ rất lâu, từ trước khi tôi đến Việt Nam. Nhiều nghệ sỹ jazz tại Mỹ cũng biết đến ông ấy. Tôi đã từng đọc cuốn “Chơi jazz ở Việt Nam” của hai tác giả Quyền Văn Minh và Stan BH Tan-TangBau, bản tiếng Anh phát hành tại Mỹ.

Nhờ đó, tôi hiểu hành trình jazz ra đời ở Việt Nam, hiểu được thêm về Quyền Văn Minh, nghệ sỹ đáng kính đã góp công phát triển jazz ở Việt Nam. Tôi vô cùng vinh dự khi có cơ hội biểu diễn tại câu lạc bộ jazz của ông ấy.

Tôi đã có cơ hội biểu diễn cùng nghệ sỹ saxophone Bảo Long. Anh ấy giúp tôi tiếp cận một số bài hát ru và đồng dao Việt Nam như “Chiều nay em đi câu cá,” “Trông kìa con voi.” Chúng tôi đã thử diễn giải giai điệu của các bài hát này bằng jazz. Đó là trải nghiệm thú vị.

“Chiều nay em đi câu cá” có phần lời rất giống với một bài hát thiếu nhi ở Hàn Quốc, nói về một em bé mong ngóng mẹ về nhà. Mẹ của em ra biển bắt hàu rồi mang đi chợ bán. Em bé đã chờ mẹ rất lâu nhưng rồi cũng đến lúc mẹ về, nấu cơm và hai mẹ cong cùng ăn cơm trong niềm hạnh phúc.

- Jazz được xem là dòng nhạc khá kén người nghe. Chị có cảm nhận như thế nào về khán giả của jazz tại Việt Nam, sự hưởng ứng của họ có khác biệt so với khán giả tại những đất nước chị từng lưu diễn?

Nghệ sỹ Lisa Sung: Ngoài chương trình tại Nha Trang, tôi có thêm hai đêm diễn ở Bình Minh Jazz Club và Long Waits Jazz Club tại Hà Nội. Đó là những câu lạc bộ jazz có quy mô tương tự như những nơi tôi từng biểu diễn ở Jakarta và Bali trước đây.

Tôi không thấy có sự khác biệt giữa khán giả Việt Nam với các nơi khác. Họ đều hưởng ứng chương trình của chúng tôi, đặc biệt là khi giai điệu các bài hát thiếu nhi vang lên, họ đã hào hứng hát theo.

Tôi nghĩ rằng jazz nói riêng và âm nhạc nói chung là thứ ngôn ngữ toàn cầu, gắn kết cộng đồng lại với nhau như những người bạn.

Mặc dù chúng ta có bất đồng ngôn ngữ nhưng thông qua nhạc jazz, chúng ta vẫn có thể hiểu nhau. Chúng tôi và các nghệ sỹ Việt Nam vẫn có thể giao tiếp và cùng chơi nhạc với nhau. Tôi cũng đã thu âm hai ca khúc ở Việt Nam và sẽ sớm phát hành trên nền tảng nhạc số của mình.

Nguồn cảm hứng vô tận

- Xuất phát điểm của chị là piano cổ điển, vì sao chị lại rẽ lối sang piano jazz?

Nghệ sỹ Lisa Sung: Tôi được học piano cổ điển từ nhỏ nhưng tôi luôn thích jazz. Càng chơi nhạc, tôi càng nhận ra rằng đam mê thực sự của mình là jazz chứ không phải nhạc cổ điển. Sau này tôi đã chuyển sang piano jazz và lấy bằng thạc sỹ chuyên ngành này.

Nhạc cổ điển và jazz có cách tiếp cận khác nhau. Với jazz, tôi sẽ tưởng tượng nhiều hơn, không quá phụ thuộc vào bài bản mà được chơi ngẫu hứng hơn.

Tôi sớm nhận ra tình yêu thực sự của mình là jazz nhưng phải mất đến 20 năm nghiên cứu, học hỏi để thực sự hiểu rằng jazz là như thế nào.

 Nghệ sỹ Lisa Sung (phải) giao lưu với khán giả tại Nha Trang. (Ảnh: NVCC)

Nghệ sỹ Lisa Sung (phải) giao lưu với khán giả tại Nha Trang. (Ảnh: NVCC)

- Chị có bao giờ cảm thấy mỏi mệt hay bế tắc trong âm nhạc của mình không?

Nghệ sỹ Lisa Sung: Là nghệ sỹ thì thường hay cảm thấy cô đơn. Nếu có một lúc nào đó, tôi cần một chút hứng khởi thì tôi sẽ đọc sách, những cuốn sách như “Chơi jazz ở Việt Nam” rất có ý nghĩa đối với tôi.

Tôi luôn cảm thấy biết ơn vì được chơi jazz vì vậy, tôi không có cảm giác chán nản hay bế tắc bao giờ. Tuy nhiên vì trải qua 6 lần sinh nở nên tôi đã mất đến 12 năm hoàn toàn tập trung vào việc làm mẹ. Thời điểm đó đã rất khó khăn với tôi vì tôi không thể dành thời gian cho âm nhạc. Khi có thể trở lại với jazz, tôi thấy hạnh phúc và biết ơn tất cả. Đó là điều mà tôi luôn muốn làm và có thể làm tốt.

Ngoài biểu diễn, tôi còn giảng dạy ở trường đại học. Chính các em sinh viên cũng là một nguồn cảm hứng cho tôi. Tôi không bao giờ nói “hôm nay tôi sẽ dạy các em…” mà nói “nào, hôm nay hãy cùng chia sẻ với nhau về điều này nhé.” Đôi khi, tôi hỏi họ đang nghe nhạc gì, nghệ sỹ nào đang thịnh hành và chúng tôi cùng trò chuyện, cùng thưởng thức K-Pop, BlackPink… Tôi thấy rất hào hứng và có động lực khi dạy học.

Ở Mỹ, mọi người gọi tôi là Mama Lisa, không chỉ vì tôi có tới 6 đứa con mà còn vì tôi thường tham gia nấu ăn cho sinh viên. Tôi rất thích nấu nướng. Tôi học công thức trên mạng hoặc học từ chính học trò của mình. Các sinh viên người Việt đã dạy tôi cách làm món nem rán truyền thống.

Tôi nghĩ trong cuộc sống, ai cũng phải tìm cách tự cân bằng. Cuộc sống của tôi không chỉ hoàn toàn xoay quanh âm nhạc. Tôi còn có gia đình, sinh viên và khán giả của mình. Đó là nguồn cảm hứng không bao giờ vơi cạn đối với tôi.

- Xin cảm ơn chị đã chia sẻ./.

 Nhóm Tứ tấu Lisa Sung: (Theo chiều kim đồng hồ) Nghệ sỹ Lisa Sung (piano), Jordan VanHemert (saxophone), Tom Knific (bass) và David Alvarez III (trống).

Nhóm Tứ tấu Lisa Sung: (Theo chiều kim đồng hồ) Nghệ sỹ Lisa Sung (piano), Jordan VanHemert (saxophone), Tom Knific (bass) và David Alvarez III (trống).

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/nghe-sy-piano-lisa-sung-viet-nam-mang-lai-cam-giac-than-thuong-nhu-o-que-nha-post950762.vnp