Nghệ sỹ và áp lực mùa giãn cách

Có một nhà báo phía Nam nói vui: 'Sản phẩm bán chạy nhất trong mùa dịch có thể kể đến là… bàn phím máy tính. Vì dịch ở nhà rảnh nên xuất hiện nhiều 'nhà đạo đức', 'nhà phê bình'… Lực lượng hứng chịu khá nhiều chỉ trích tại thời điểm này lại chính là những nghệ sỹ nổi tiếng. Nhưng trên hết, vẫn là tấm lòng của họ dành cho người dân nghèo giữa mùa dịch.

Họa sỹ Đặng Tiến nhiều lần tặng tranh đấu giá trong mùa dịch

Thời cấm khoe

“Ở nhà là yêu nước”, khẩu hiệu ấy đúng nhưng hình như chưa đủ với “sao” Việt. “Công chúa bong bóng” vừa “mời cả nhà ăn bún bò, chuẩn vị Huế thương” trong một ngày giãn cách, liền có “gáo nước lạnh” dội xuống: “Sung sướng gì mà ăn sang còn đăng lên mạng nữa chứ. Nhìn ở ngoài đường kia mọi người đang bon chen từng hộp cơm”. Bình luận tiêu cực tác động đến “công chúa bong bóng”, Bảo Thy hồi âm: “Trong lúc này chỉ được ở yên trong nhà thì việc mình đăng học nấu ăn hay đăng thành quả nấu ăn của mình lên FB cá nhân là để truyền sự tích cực, vui vẻ…”. Khoe món ăn ngon bị “lãnh đá”, khoe được tiếp tế đồ ăn chắc cũng nên… cẩn thận.

Bức tranh của họa sỹ vừa được đấu giá thành công để ủng hộ người nghèo ở Sài Gòn

Bức tranh của họa sỹ vừa được đấu giá thành công để ủng hộ người nghèo ở Sài Gòn

Nhận khá nhiều “gạch đá” trong mùa cách ly chính là “nữ hoàng phòng trà” Lệ Quyên. Ở tuổi 40, Lệ Quyên mới trải qua biến cố trong đời sống riêng và cũng vừa đón nhận một tình yêu mới. Tất cả những thay đổi trong đời sống riêng hình như tác động ít nhiều đến tâm lý nữ ca sỹ. Cô rất chịu khó khoe thân hình gọn gàng, săn chắc qua những pha tạo dáng gợi cảm hoặc “khó đỡ”. Với những người yêu mến giọng ca “Giấc mơ có thật”, những bức hình trên trang cá nhân của Lệ Quyên có tác dụng giải trí vô hại mùa COVID.

Ngược lại người không ưa “nữ hoàng phòng trà” được dịp tấn công : “Dịch bệnh chẳng thấy làm từ thiện chỉ thấy khoe”. Đã thế Lệ Quyên còn bị “mắng”: chỉ giỏi “nuôi giai trẻ”. Điều này không chỉ gây tổn thương cho giọng ca “Tình lỡ” mà còn tổn thương cả “đối tác” kém tuổi của cô hiện giờ. Nếu quan sát hoạt động xã hội của Lệ Quyên suốt nhiều năm qua, có thể thấy cô không “lãnh cảm” với thời cuộc. Giọng ca “Tình lỡ” là một trong những ngôi sao thường xuyên tham gia những đêm nhạc gây quĩ vì miền Trung, vì trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo, từng đấu giá dây chuyền mặt Phật để làm từ thiện... Cho nên, “ném đá” Lệ Quyên không làm từ thiện trong thời điểm khó khăn này chắc gì đã đúng?

Trong khi đó, những “ngôi sao” hải ngoại cũng chịu áp lực chỉ trích của một bộ phận khán giả không ưa mình. Kể cả dịch bệnh không căng, nữ MC nổi tiếng Nguyễn Cao Kỳ Duyên vẫn phải trở về Mỹ vì cô đã nhận “sô” của Thúy Nga mang tên “Gọi tên ngày mới”, sắp diễn ra. Khi trở về Mỹ, Kỳ Duyên khoe những hình ảnh tràn đầy sức sống với sẻ chia: “Được chạy bộ bên bờ biển dưới nắng chiều tà của Cali là một niềm vui mà tám tháng rồi hôm nay mới gặp lại”. “Mỹ nhân không tuổi” liền hứng chỉ trích “chạy trốn”: “Dịch tới Mỹ chạy về Việt Nam. Dịch tới Việt Nam chạy về Mỹ”. Thậm chí, Kỳ Duyên còn bị đánh giá về vấn đề nhân cách: “Người không có tâm”; “Người ta thấy hoạn nạn thì chung tay, Kỳ Duyên và một số nghệ sỹ khác thì né tránh”. Một số tài khoản đặt câu hỏi muôn thuở với nữ MC: “Tại sao không làm từ thiện?”.

Còn có thể đi dạo - hãy mừng cho họ!

Đang trong những ngày căng thẳng, nghệ sỹ cũng chẳng vui gì. Họ bị giảm “sô”, cũng phải chịu cảnh lo âu, thấp thỏm với những con số của diễn biến dịch bệnh trong ngày như bao người bình thường khác. Nhưng mỗi “sao” có cách ứng xử khác nhau trong thời giãn cách. Khoe thân hình gợi cảm, khoe món ăn ngon... thực ra cũng chỉ là một trong những giải pháp tự tìm vui cho mình, tránh nguy cơ stress… Đánh đồng chuyện “khoe” với lãnh cảm thời cuộc là một sự quy chụp hẹp hòi. Hiếm có nghệ sỹ nào bàng quan trước dịch bệnh. Nguyễn Cao Kỳ Duyên viết: “Tất cả nghệ sỹ hải ngoại trong đó có tôi vẫn và đang đóng góp gởi tiền về để có những phần ăn cho những người bị cách ly và những ai cần một bữa cơm… Tất cả tin tức và hình ảnh tôi có đăng trên FB”.

Ca sỹ Phương Thanh cắt tóc tình nguyện tại một bệnh viện dã chiến

Ca sỹ Phương Thanh cắt tóc tình nguyện tại một bệnh viện dã chiến

Ca sỹ hải ngoại Minh Tuyết, từ nước Mỹ xa xôi chia sẻ, chị vẫn đóng góp cho những hoạt động thiện nguyện trong nước vào mùa cách li này. Như Quỳnh sau khi hoàn thành một loạt minishow tại các phòng trà phía Nam thì Sài Gòn bùng phát dịch bệnh. Chị chưa về Mỹ ngay mà tích cực tham gia các hoạt động từ thiện cùng các nghệ sỹ khác. Hình ảnh giọng ca “Duyên phận” ngồi nhặt rau muống, vào bếp nấu nướng để gởi những bữa ăn tới những cảnh đời khó khăn, khiến người hâm mộ cảm động.

Giữa đại dịch, các nghệ sỹ ở trong nước có nhiều hoạt động thiện nguyện gây tiếng vang. Ca sỹ Tùng Dương kêu gọi được hơn 3 tỷ đồng ủng hộ Sài Gòn chống dịch. Vợ chồng ca sỹ Thủy Tiên tất bật với công việc thiện nguyện, dù trước đó họ hứng không ít tai tiếng. Giọng ca “Trống vắng” trở thành tình nguyện viên, không nề hà khó khăn, nguy hiểm…

Không chỉ những ngôi sao trong lĩnh vực giải trí tích cực với hoạt động thiện nguyện. Những nghệ sỹ thuộc lĩnh vực hội họa, văn chương… cũng không thờ ơ trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Mới đây, danh họa đất Cảng - Đặng Tiến, đã đấu giá công khai trên trang cá nhân một bức tranh tĩnh vật để ủng hộ người nghèo ở Sài Gòn.. Anh nhiều lần tặng tranh để góp quỹ chống dịch. Ngoài Đặng Tiến, các danh họa Việt như Phạm Luận, Phạm An Hải, Đào Hải Phong…đều mở lòng tương trợ trong thời dịch bệnh qua hình thức tặng tranh đấu giá.

Thiện nguyện vốn là hoạt động tự tâm, không phải một hoạt động có tính chất bắt buộc. Nếu câu hỏi: “Sao không làm từ thiện?” liên tục được đặt ra thì đừng trách “ngôi sao” cứ hay khoe lòng tốt. Khi Nguyễn Cao Kỳ Duyên bị một bộ phận cư dân mạng chỉ trích gay gắt, bỗng một tài khoản lên tiếng: “Lẽ nào mình khổ thì muốn mọi người cũng khổ như mình? Nhà tôi đang bị phong tỏa nhưng tôi thấy nhà ai không bị phong tỏa, họ có thể đi dạo được thì tôi mừng cho họ”.

Rồi dịch bệnh cũng sẽ qua. Nhạc sỹ Bảo Thu, cha đẻ “Giọng ca dĩ vãng” vừa khoe với tôi bài hát “Sài Gòn thành phố buồn mà không buồn”, chế lời nhạc phẩm nổi tiếng của cố nhạc sỹ Lam Phương. Ông bảo, ca khúc chế lời này do con trai trưởng của ông viết, trong đó có đoạn: “Rồi có ngày, sẽ qua đi/Khi hết dịch cuộc sống yên bình/Ngày đó rồi đời thôi vất vả/Người bên nhau đầm ấm gia đình/Dịch tan qua ta biết thương người/Sống chan hòa hận thù cho qua/Bớt tranh giành, biết yêu mình, trân quí tình thân”.

Nông Hồng Diệu

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nghe-sy-va-ap-luc-mua-gian-cach-post1361549.tpo