Nghề thủ công chế tác đồng hồ lại cuốn hút

Chế tác đồng hồ dường như không phải nghề của thế kỷ 21. Công việc đòi hỏi tính kiên nhẫn và sự tinh tế, người thợ mất nhiều tháng, thậm chí nhiều năm chỉ để làm ra một chiếc đồng hồ. Trong khi đó ngày nay hầu hết mọi người đều xem giờ bằng điện thoại.

Ngành này đối mặt với nguy cơ thiếu hụt lao động khi số thợ lớn tuổi nghỉ hưu. Thế nhưng một nghề tưởng như lỗi thời lại đang hồi sinh, một phần nhờ Gen Z hứng thú với những thứ xưa cũ và mong muốn tìm công việc tránh xa màn hình máy tính.

Giám đốc Chương trình Đào tạo thợ chế tác đồng hồ Thụy Sĩ (WOSTEP) Johann Kunz-Fernandez cho biết nhiều cộng đồng trực tuyến đã giúp nuôi dưỡng thế hệ đam mê đồng hồ mới. Người sành sỏi cả già lẫn trẻ chia sẻ bộ sưu tập của mình, thợ chế tác đẳng cấp giới thiệu đồng hồ cổ trên nhiều nền tảng như TikTok. Tất cả góp phần xây dựng nên thị trường bán lại phát triển mạnh mẽ, đòi hòi phải có thợ chế tác lẫn chuyên gia sửa chữa đủ khả năng khiến những “bảo vật của quá khứ” hoạt động trở lại. Ông tin tưởng lớp trẻ là cứu tinh giúp ngành công nghiệp đồng hồ hồi sinh.

Tại Phần Lan, Trường Đào tạo chế tác đồng hồ (Kelloseppakoulu) tự hào cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành kể từ năm 1944. Hiện tại nhu cầu theo học lớn đến mức họ quyết định mở chương trình học bằng tiếng Anh lần đầu tiên trong lịch sử 80 năm của mình. Hiệu trưởng Hanna Harilainen chia sẻ số học viên tương lai đến từ Mỹ, Canada, Anh, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc, Iran cùng nhiều quốc gia khác.

Theo bà Harilainen: “Một phần nhu cầu là do sự quan tâm ngày càng tăng với “thương hiệu nhỏ” sáng lập bởi thợ chế tác độc lập. Người trẻ tuổi muốn tạo ra thứ gì đó của riêng mình. Thứ gì đó bền bỉ chứ không phải để sử dụng rồi vứt đi”.

Trường Đào tạo chế tác đồng hồ tại Phần Lan (Kelloseppakoulu) - Ảnh: Petra Moisio/The Finnish School of Watchmaking

Trường Đào tạo chế tác đồng hồ tại Phần Lan (Kelloseppakoulu) - Ảnh: Petra Moisio/The Finnish School of Watchmaking

Thế hệ trẻ cũng mang lại làn gió mới cho nghề. Một học viên tốt nghiệp Kelloseppakoulu sáng lập một thương hiệu đồng hồ độc lập nổi tiếng và thường xuyên phát trực tiếp buổi học chế tác trên nền tảng Twitch.

“Tôi cảm thấy các hế hệ mới đang tìm kiếm thứ gì đó có ý nghĩa đối với họ. Bản chất công việc chế tác rất hấp dẫn. Bạn nhìn thấy tác phẩm, dễ dàng hiểu những gì đang làm lẫn tác động của nó”, theo phó chủ tịch tổ chức phi lợi nhuận Fondation Haute Horlogerie (FHH) Aurélie Streit. FHH hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn và phổ biến kiến thức về chế tác đồng hồ.

Khi Bernhard Lederer quyết định trở thành thợ chế tác đồng hồ vào những năm 1970, chẳng ai hiểu nổi vì sao ông muốn làm công việc này. Thời điểm đó “khủng hoảng đồng hồ máy thạch anh” - do đồng hồ chạy pin phổ biến rộng rãi - tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế Thụy Sĩ. Đồng hồ cơ trước nguy cơ biến mất.

Thợ chế tác Lederer nhớ lại: “Tôi bị đối xử như người ngoài hành tinh, người không theo khuôn mẫu. Nhưng đây là nghề đẹp đẽ nhất mà tôi có thể tưởng tượng”.

Thời gian dần trôi qua và giờ đây ông lại tỏa sáng. Chiếc đồng hồ của ông (phải mất từ vài tháng đến vài năm để chế tác) hiện có giá bán lẻ đến hơn 150.000 USD. Đại dịch COVID-19 giúp thợ chế tác độc lập được quan tâm trở lại, vì giới sưu tập có thời gian tìm hiểu thêm đồng thời khao khát sản phẩm cá nhân hóa chứ không phải hàng xa xỉ sản xuất công nghiệp.

Trong số tài năng trẻ tiếp bước thợ chế tác Lederer có Johannes Kallinich cùng Thibault Claeys. Họ gặp nhau khi làm tại hãng đồng hồ xa xỉ A.Lange & Sohne, sau đó cùng sáng lập thương hiệu riêng Kallinich Claeys vào năm 2022. Công ty có trụ sở tại thị trấn Glashutte (Đức) nổi tiếng với truyền thống chế tác đồng hồ từ năm 1845.

Cặp đôi nhà sáng lập nhìn thấy cơ hội “thổi luồng sinh khí mới” cho nghề. Đồng hồ Kallinich Claeys kết hợp vật liệu cổ điển với vật liệu hiện đại, chẳng hạn bạc Đức (hợp kim đồng - nickel - kẽm) cùng thép không gỉ. Họ còn thực hiện nhiều cải tiến khác như đặt chỉ báo dự trữ năng lượng ở mặt bên thay vì mặt số, khiến mặt số “trông sạch sẽ hơn) đồng thời cho phép người đeo nhìn rõ chuyển động cơ học hơn.

Clayeys chia sẻ: “Áp dụng phương pháp chế tác mới là quá trình căng thẳng. Mọi người chỉ mua khi thấy đồng hồ đẹp”. Nhưng rủi ro đã được đền đáp, sản phẩm của công ty được đánh giá cao.

Hiện tại nguồn cung đồng hồ Kallinich Claeys còn hạn chế. Do công việc đòi hỏi tỉ mỉ từng chi tiết nên mỗi năm chỉ có 10 - 12 sản phẩm xuất xưởng.

Máy móc có thể hoàn thành một số nhiệm vụ, tuy nhiên khác biệt khi làm thủ công vô cùng rõ ràng. Clayeys xem đồng hồ là tác phẩm nghệ thuật nhỏ với “trái tim lẫn tâm hồn” được đặt vào đó.

Một sản phẩm của Kallinich Claeys - Ảnh: Kallinich Claeys

Một sản phẩm của Kallinich Claeys - Ảnh: Kallinich Claeys

Không chỉ người trẻ tuổi dấn thân vào nghề, nhiều người cũng chọn trở thành thợ chế tác sau nhiều năm để niềm đam mê “ngủ quên” và chịu sự gò bó của công việc bàn giấy. Giám đốc Kunz-Fernandez nhớ rõ một trường hợp làm nhân viên ngân hàng 40 năm đăng ký khóa học WOSTEP.

Tiina Virtanen (46 tuổi) dành 18 năm làm kỹ sư xây dựng, vậy mà giờ đây bà chuẩn bị tốt nghiệp Kelloseppakoulu. Cựu kỹ sư cho biết: “Thay vì ngồi trước máy tính cả ngày, tôi khao khát được làm điều gì đó liên quan đến thủ công”. Virtanen dự định chuyển đến Na Uy làm việc cho một cửa hàng sửa chữa và bảo dưỡng đồng hồ.

Bạn học của Virtanen là Jatta Berggren cũng từ bỏ công việc doanh nhân ngành sợi. Cựu nữ doanh nhân 39 tuổi chia sẻ: “Khi công việc thay đổi theo năm tháng, từ làm thủ công sang làm việc với máy tính, tôi quyết định theo đuổi ước mơ trở thành thợ chế tác đồng hồ. Tôi cảm thấy rất vui lúc được làm việc bằng chính đôi tay của mình rồi tận mắt nhìn thành quả. Đây là ngành kết hợp cái mới với cái cũ một cách tuyệt vời, có thể tiếp tục phát triển do tiếp nhận người thuộc nhiều độ tuổi lẫn xuất thân khác nhau”.

Ngày càng nhiều phụ nữ quan tâm đến nghề chế tác đồng hồ - Ảnh: Maxime Dubois/CNN

Ngày càng nhiều phụ nữ quan tâm đến nghề chế tác đồng hồ - Ảnh: Maxime Dubois/CNN

Virtanen và Berggren không chỉ đại diện cho xu hướng đổi nghề, mà còn báo hiệu sự gia tăng thợ chế tác nữ trong ngành. Hơn 1/3 số hồ sơ đăng ký học Kelloseppakoulu năm nay là phụ nữ.

Cẩm Bình

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/nghe-thu-cong-che-tac-dong-ho-lai-cuon-hut-232137.html