Nghề thủ công truyền thống của người Mạ ở Cát Tiên: Thách thức và cơ hội

Trải qua những bước thăng trầm của lịch sử, sự xâm nhập của văn hóa tiêu dùng mới, nghề thủ công truyền thống của người Mạ (Đồng Nai Thượng, Cát Tiên) đang đứng trước nguy cơ mai một. Thách thức về bảo tồn nghề thủ công truyền thống của người Mạ là không hề nhỏ nhưng cũng không có nghĩa không có cơ hội để phát triển.

Nghề dệt thổ cẩm là nghề truyền thống của người Mạ ở Cát Tiên

Nghề dệt thổ cẩm là nghề truyền thống của người Mạ ở Cát Tiên

Nói đến nghề thủ công truyền thống của người Mạ là nói đến bề dày lịch sử và văn hóa của một cộng đồng dân cư bản địa cư trú lâu đời trên mảnh đất cực Nam Tây Nguyên. Cộng đồng ấy, không chỉ có nền văn hóa đặc sắc, còn là cộng đồng có đặc tính nhân học tỉ mỉ, tháo vát đã sáng tạo ra các công cụ lao động, các loại phục trang, vật dụng thủ công hết sức khéo léo. Nghề thủ công truyền thống của người Mạ bao gồm nghề rèn, nghề dệt thổ cẩm, nghề đan lát... “Ngày trước, ở Đồng Nai Thượng, nghề rèn khá phát triển. Các gia đình người Mạ nơi đây đều có thể tự tay rèn lấy xà gạc, xà bách, dao, búa, rìu, rựa... phục vụ đời sống sản xuất, rất ít khi phải mua công cụ lao động từ nơi khác. Quá trình rèn, thợ rèn thực hiện các công đoạn theo một quy trình khép kín, từ khâu xử lý quặng sắt để loại bỏ tạp chất đến khâu hoàn chỉnh sản phẩm sao cho vừa bén vừa sắc, lại có độ bền cao và mang tính thẩm mỹ. Qua quá trình dài tích lũy kinh nghiệm của nhiều thế hệ đi trước, nhiều bí quyết về kỹ thuật rèn dần được đúc kết, trở thành những giá trị văn hóa phi vật thể quý báu trao truyền lại cho các thế hệ đi sau”, già làng Điểu K’Lộc chia sẻ.

Cùng với nghề rèn, người Mạ có nghề dệt thổ cẩm cũng rất phổ biến, lưu truyền cho đến ngày nay. Với đôi tay khéo léo, óc thẩm mỹ phong phú, những phụ nữ Mạ dệt nên những tấm thổ cẩm đa dạng về mẫu mã và màu sắc, những họa tiết hoa văn rất sinh động. Từ những tấm thổ cẩm này, người Mạ có thể làm ra những chiếc váy, áo, khố, khăn, chăn... mang đậm dấu ấn tộc người.

Nhận thức rõ về điều đó, Tổ hợp tác Dệt thổ cẩm Đồng Nai Thượng ra đời, với trên 20 tổ viên, nhằm làm sống lại vị thế trước đây của nghề dệt, giúp nghệ nhân có thể làm giàu từ dệt thổ cẩm; đồng thời, tạo điều kiện cho nghệ nhân già lấy lại lửa nghề, thôi thúc họ truyền dạy kỹ thuật dệt cho những người trẻ, những người nếu được chỉ dạy cặn kẽ thì rất dễ trở thành nhân tố mới trong việc giữ gìn, phát huy truyền thống nghề dệt, nhân lên tình yêu sẵn có trong những người trẻ để họ có thể khởi nghiệp bằng vốn văn hóa của dân tộc mình, vừa tạo ra sản phẩm tại địa phương, vừa trở thành sứ giả của văn hóa thổ cẩm.

Cũng như nghề rèn và nghề dệt thổ cẩm, người Mạ vẫn duy trì hoạt động đan lát, để một mặt phục vụ những nhu cầu cuộc sống hàng ngày, mặt khác để thu hút khách du lịch đến địa phương tham quan, trải nghiệm, khám phá. Các sản phẩm đan lát của người Mạ rất đẹp, cực kỳ tinh xảo, sắc nét. Ngắm nhìn các sản phẩm đan lát của người Mạ, chị Lê Thị Khánh Liên, một khách du lịch đến từ TP Hồ Chí Minh, phải thốt lên rằng, “người Mạ có kỹ nghệ đan đạt đến mức nghệ thuật. Kỹ nghệ này thể hiện ở hình dáng các sản phẩm đa dạng, hoa văn đan cài tinh tế và kỹ thuật đan cực khó”.

Tuy vậy, tìm kiếm đầu ra ổn định cho các sản phẩm thủ công, tạo cơ hội để các sản phẩm thủ công trở thành sản phẩm du lịch văn hóa, tăng thu nhập cho nghệ nhân vẫn là một thách thức lớn, vượt tầm địa phương. Ở góc độ kinh doanh, chị Vũ Thị Nguyệt Ánh, chủ một cửa hàng thủ công mỹ nghệ tại Bảo Lộc, nhìn nhận: “Sở dĩ các sản phẩm thủ công truyền thống gặp khó trong việc tìm đầu ra là vì thiếu sự gắn kết với các điểm du lịch và du khách, chưa có kế hoạch tạo dựng một kênh phân phối mang tính tập trung và lâu dài. Nghệ nhân làm ra sản phẩm nhưng chưa quan tâm nhiều đến tiếp thị, cách tiếp cận khách hàng. Một hạn chế nữa, các sản phẩm bày bán tại các điểm du lịch còn đơn điệu, chưa mang tính chất cạnh tranh, chưa có nhiều mặt hàng lưu niệm mang nét đặc trưng văn hóa địa phương”. Từ những nhận định trên, chị Ánh cho rằng, nghệ nhân cần phải tự đổi mới tư duy, làm ra những thứ du khách cần, thay vì chỉ chăm chăm vào những thứ mình có sẵn như trước đây; đồng thời, phát triển thêm các sản phẩm mới đáp ứng thị hiếu du lịch hiện đại. Bên cạnh đó, nghệ nhân cần phối hợp với địa phương đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, đăng ký bản quyền cho sản phẩm. “Trước mắt, nghệ nhân nên tìm thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm thủ công tại Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Di tích khảo cổ Cát Tiên, Vườn Quốc gia Cát Tiên, Khu Du lịch rừng Madagui, Khu Du lịch thác Đam B’ri và một số nơi ở Đà Lạt. Sau nữa, nghệ nhân nên kết hợp với các nhà thiết kế thời trang để tạo ra những sản phẩm có tính ứng dụng cao trong đời sống đương đại. Như vậy, các sản phẩm thủ công, nhất là thổ cẩm, sẽ ngày càng có sức hút và dấu ấn trong đời sống”, chị Ánh nói.

TRỊNH CHU

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202102/nghe-thu-cong-truyen-thong-cua-nguoi-ma-o-cat-tien-thach-thuc-va-co-hoi-3045008/