Nghề thừa phát lại tại Việt Nam - một số vấn đề pháp lý và thực tiễn
Nhằm cung cấp thêm kiến thức và những góc nhìn mới cho các nhà nghiên cứu, người làm thực tiễn, Nhà xuất bản Tư pháp xuất bản cuốn 'Nghề Thừa phát lại tại Việt Nam - Một số vấn đề pháp lý và thực tiễn' của NCS Hoàng Thị Thanh Hoa.
Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã xác định: “Từng bước thực hiện việc xã hội hóa và quy định những hình thức, thủ tục để giao cho tổ chức không phải là cơ quan nhà nước thực hiện một số công việc thi hành án”.
Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới cũng đề ra nhiệm vụ: “... thực hiện xã hội hóa một số hoạt động thi hành án dân sự với cơ chế bảo đảm và lộ trình phù hợp”.
Chế định Thừa phát lại ra đời nhằm hiện thực hóa chủ trương xã hội hóa một số hoạt động tư pháp. Việc thực hiện chế định Thừa phát lại tạo ra một nghề mới trong thị trường dịch vụ pháp lý, phục vụ tốt hơn nhu cầu của xã hội. Trải qua quá trình thành lập và phát triển, hệ thống văn phòng và đội ngũ Thừa phát lại ngày càng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, nghề Thừa phát lại từng bước khẳng định vị trí, vai trò của mình trong đời sống xã hội và trong hoạt động bổ trợ tư pháp.
Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, việc áp dụng các quy định pháp luật về Thừa phát lại trong thực tiễn còn một số khó khăn, hoạt động của Thừa phát lại vẫn còn hạn chế và chưa đạt hiệu quả cao. Điều này đòi hỏi công tác nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về Thừa phát lại là rất quan trọng và cần thiết.
Cuốn sách “Nghề Thừa phát lại tại Việt Nam - Một số vấn đề pháp lý và thực tiễn” làm rõ một số vấn đề pháp lý liên quan đến nghề Thừa phát lại và thực tiễn hành nghề Thừa phát lại tại Việt Nam. Cuốn sách tập trung vào các mảng hoạt động chính trong các công việc Thừa phát lại được làm, gợi mở những kỹ năng cần thiết cho các Thừa phát lại trong quá trình làm việc, đồng thời nêu lên một số vấn đề tồn tại trong thực tiễn hành nghề Thừa phát lại tại Việt Nam.
Cuốn sách gồm 3 chương:
- Chương 1: Một số vấn đề chung về nghề thừa phát lại tại Việt Nam;
- Chương 2: Thực trạng pháp luật và thực tiễn hoạt động của nghề thừa phát lại tại Việt Nam;
- Chương 3: Hoàn thiện pháp luật về nghề thừa phát lại tại Việt Nam.
Cuốn sách được phát hành tại Nhà xuất bản Tư pháp: Số 35 Trần Quốc Toản, Hoàn Kiếm, TP Hà Nội; hoặc số 200C, đường Võ Văn Tần, phường 5, quận 3 TP Hồ Chí Minh. Hotline: 0989819688.