Nghệ thuật - cánh cửa mở ra thế giới của trẻ khuyết tật

Không cần lời nói, không cần kỹ thuật, những đứa trẻ khuyết tật đã kể câu chuyện của mình bằng những nét vẽ đầy cảm xúc trong triển lãm Children Art Exhibition 2025 đang diễn ra tại TP Hồ CHí Minh. Ở đó, nghệ thuật không còn là đích đến thẩm mỹ, mà là cánh cửa đầu tiên, cũng có khi là duy nhất để các em bước ra thế giới, để xã hội nhìn vào và thấu hiểu. Từ một triển lãm nhỏ, một câu hỏi lớn dần hiện ra: Chúng ta đã thực sự lắng nghe bằng trái tim những điều chưa thành lời từ những đứa trẻ đặc biệt ấy?

Nghệ thuật giúp khơi mở năng lực

Nhìn lại hành trình ba năm của Children Art Exhibition có thể thấy bước đi âm thầm nhưng vững chắc trong nỗ lực sử dụng nghệ thuật như một phương tiện tiếp cận và đồng hành cùng trẻ khuyết tật. Không phải ngẫu nhiên mà hơn 70 bức tranh đến từ 12 trung tâm giáo dục đặc biệt trên cả nước được trưng bày tại triển lãm năm nay đều mang một điểm chung: mỗi bức tranh là một câu chuyện, một thế giới, một sự giải thoát khỏi im lặng.

Không gian trưng bày các tác phẩm của trẻ khuyết tật.

Không gian trưng bày các tác phẩm của trẻ khuyết tật.

Theo nghệ sĩ thị giác Ngô Đình Bảo Châu, người phụ trách giám tuyển triển lãm từ những ngày đầu, điều quan trọng không nằm ở hình thức hay kỹ thuật, mà ở sự chân thành: “Không có khuôn mẫu, không có giới hạn, chỉ có cảm xúc. Có em vẽ bằng nét nguệch ngoạc nhớ cha mẹ, có em tô kín bằng một màu xanh - màu của bình yên theo cách riêng. Đó là điều không thể dạy, nhưng có thể cảm nhận”.

Nhiều em nhỏ được cha mẹ đưa đến triển lãm như một cách hiểu và đồng cảm cùng các bạn kém may mắn.

Nhiều em nhỏ được cha mẹ đưa đến triển lãm như một cách hiểu và đồng cảm cùng các bạn kém may mắn.

Ở đây, nghệ thuật không nhằm mục tiêu “đào tạo họa sĩ” mà là mở ra một cánh cửa: để các em nói, cảm và được người khác cảm nhận. Đó là khía cạnh quan trọng của giáo dục nhân văn, nơi học sinh không chỉ tiếp thu kiến thức mà còn được sống trọn vẹn với chính mình.

Thế giới nghệ thuật rực rỡ sắc màu của các em nhỏ khuyết tật.

Thế giới nghệ thuật rực rỡ sắc màu của các em nhỏ khuyết tật.

Thầy Nomer Adona, giáo viên Mỹ thuật Trường Quốc tế SSIS, người trực tiếp huấn luyện các giáo viên dạy trẻ đặc biệt, khẳng định: “Khi tôi dạy giáo viên hướng dẫn học sinh khuyết tật vẽ, tôi nhận ra điều các em cần không phải kỹ thuật mà là sự lắng nghe kiên nhẫn. Trẻ khuyết tật thường không nói được điều chúng nghĩ, nhưng chúng có thể vẽ, có thể biểu lộ bằng cảm giác”.

Những nét vẽ mang đến điểm chạm trong cảm nhận của trẻ thơ.

Những nét vẽ mang đến điểm chạm trong cảm nhận của trẻ thơ.

Giá trị sâu xa ấy của nghệ thuật đã được nhiều quốc gia tiên tiến công nhận như một phần của chương trình can thiệp sớm, trị liệu cảm xúc và giáo dục tích hợp cho trẻ đặc biệt. Tại Việt Nam, dù chậm hơn, nhưng những triển lãm như Children Art Exhibition đang từng bước chứng minh: nghệ thuật không chữa lành khuyết tật, nhưng có thể giúp trẻ khuyết tật “tự do” hơn trong chính thế giới của mình, điều tưởng nhỏ nhưng vô cùng lớn.

Khu vực trưng bày sách của các bạn khuyết tật và viết về trẻ em kém may mắn từ các tác giả trên cả nước gửi về.

Khu vực trưng bày sách của các bạn khuyết tật và viết về trẻ em kém may mắn từ các tác giả trên cả nước gửi về.

Khi xã hội học cách cảm nhận sự khác biệt

Một điểm mới đáng kể của triển lãm năm nay là không gian trải nghiệm đa giác quan - nơi nghệ thuật không chỉ “nhìn thấy” mà còn “chạm, nghe và thấu hiểu”. Trong khu vực “Mô phỏng quá tải giác quan”, người xem bị đặt vào trạng thái mất kiểm soát bởi âm thanh, ánh sáng và hình ảnh rối loạn, mô phỏng cảm giác thường trực của trẻ rối loạn phổ tự kỷ hay ADHD.

Bà Tạ Thị Thanh Thủy, Phó Giám đốc Quỹ Hỗ trợ cộng đồng Đinh Thiện Lý chia sẻ thông tin về triển lãm lần này và các dự án sắp tới.

Bà Tạ Thị Thanh Thủy, Phó Giám đốc Quỹ Hỗ trợ cộng đồng Đinh Thiện Lý chia sẻ thông tin về triển lãm lần này và các dự án sắp tới.

Tương tự, khu vực “Khám phá thị giác qua màu sắc” với bài kiểm tra Ishihara giúp người tham quan nhận ra sự khác biệt trong cách cảm nhận màu của người bị rối loạn thị giác, một vấn đề thường bị bỏ qua trong thiết kế môi trường học tập và sinh hoạt.

Nhưng điểm nhấn sâu sắc nhất là HoloBox 3D, nơi mỗi người xem phải “đọc” tác phẩm bằng trực giác và cảm xúc, không có tên, không có mô tả. Chính trong sự mơ hồ ấy, nghệ thuật buộc người ta phải nhìn bằng trái tim.

Mỗi tác phẩm là cả một thế giới ước mơ hoài bão và sự chia sẻ cùng các em nhỏ kém may mắn.

Mỗi tác phẩm là cả một thế giới ước mơ hoài bão và sự chia sẻ cùng các em nhỏ kém may mắn.

"Em thấy trải nghiệm này rất hữu ích bởi vì em vừa được đọc nội dung, nhìn ngắm tranh minh họa, lại vừa được nghe những âm thanh sống động. Em nghĩ nó còn hữu ích hơn nữa với các bạn thiệt thòi, bằng cách nào đó các bạn cũng có thể cảm nhận được nội dung và ý nghĩa của tác phẩm”, bạn Phan Trang (phường Tân Thuận, TP Hồ Chí Minh) chia sẻ những cảm nhận sau khi được trải nghiệm đọc sách đa giác quan.

Lê Khanh, học sinh trường THCS Nam Sài Gòn, chia sẻ triển lãm này cho em quá nhiều cảm xúc và suy nghĩ.

Lê Khanh, học sinh trường THCS Nam Sài Gòn, chia sẻ triển lãm này cho em quá nhiều cảm xúc và suy nghĩ.

Điều đáng nói là trải nghiệm ấy không chỉ dành cho người lớn. Nhiều bạn học sinh khi đến triển lãm đã rút ra bài học về sự đồng cảm, điều mà sách giáo khoa không dạy. Lê Khanh, học sinh Trường THCS Nam Sài Gòn, bày tỏ: “Có những điều mình coi là bình thường, như thấy được mọi màu sắc, nghe được mọi âm thanh thì với các bạn khuyết tật lại không có cơ hội trải nghiệm. Xem tranh, đọc những dòng tâm sự của các bạn, em thấy mình cần sống chậm lại và biết trân trọng mọi thứ trong cuộc sống này hơn”.

Một em nhỏ trải nghiệm tương tác để hiểu hơn về sự tiếp cận nghệ thuật của các bạn khuyết tật.

Một em nhỏ trải nghiệm tương tác để hiểu hơn về sự tiếp cận nghệ thuật của các bạn khuyết tật.

Từ triển lãm, có thể thấy một khía cạnh mới trong cách xã hội tiếp cận vấn đề khuyết tật: thay vì tập trung vào chữa lành hay phân loại, chúng ta đang dần học cách tạo ra môi trường để những khác biệt được tồn tại, được nói lên tiếng nói riêng.

Theo bà Tạ Thị Thanh Thủy, Phó Giám đốc Quỹ Hỗ trợ cộng đồng Đinh Thiện Lý, đơn vị tổ chức triển lãm, thì “nếu không được hỗ trợ đúng cách, trẻ khuyết tật dễ trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Nhưng nếu được tiếp cận bằng nghệ thuật, bằng sự tôn trọng, các em không chỉ bộc lộ bản thân mà còn mang lại giá trị cho cộng đồng”.

Triển lãm chia sẻ nhiều thông tin bổ ích để hiểu hơn về các bạn nhỏ kém may mắn.

Triển lãm chia sẻ nhiều thông tin bổ ích để hiểu hơn về các bạn nhỏ kém may mắn.

Từ triển lãm, Quỹ cũng đang phát triển một bộ sách số chuyên biệt lần đầu tiên dành riêng cho trẻ khuyết tật, được thiết kế dưới góc độ trực quan, dễ tiếp cận. Đây có thể là bước đi đầu tiên để giáo dục hòa nhập thực sự gắn liền với giáo dục cảm xúc - điều rất thiếu trong chương trình học hiện hành.

Khu vực trưng bày tại triển lãm.

Khu vực trưng bày tại triển lãm.

Children Art Exhibition 2025 mang những câu chuyện, những nét vẽ và cả những xúc cảm mà người xem biến thành động lực tạo sự tác động. Từ triển lãm ấy, một bài học lớn được đặt ra: để hướng tới một xã hội bao dung hơn, giáo dục - nghệ thuật - cộng đồng không thể đi những con đường riêng rẽ.

Thế giới nội tâm của trẻ khuyết tật được thể hiện bằng đường nét và màu sắc.

Thế giới nội tâm của trẻ khuyết tật được thể hiện bằng đường nét và màu sắc.

Chúng ta không thể thay đổi khuyết tật bẩm sinh, nhưng có thể thay đổi cách nhìn. Và đôi khi, chỉ cần bắt đầu từ những điều đơn giản nhất: một bức tranh, một cái chạm, một cái nhìn chậm lại là đã đủ để mở ra một thế giới chung, nơi khác biệt được lắng nghe bằng sự tôn trọng sâu xa.

Bài và ảnh: Hương Trần/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/doi-song-van-hoa/nghe-thuat-canh-cua-mo-ra-the-gioi-cua-tre-khuyet-tat-20250710134036839.htm