Sự liên kết đặc biệt của quan hệ Việt-Mỹ

Thăm Montecello, tư gia của Tổng thống Thomas Jefferson tôi lại nhớ đến Bác Hồ kính yêu với Bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tham quan khu di tích nhà sàn Bác Hồ trong chuyến thăm Việt Nam, ngày 23/5/2016.

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tham quan khu di tích nhà sàn Bác Hồ trong chuyến thăm Việt Nam, ngày 23/5/2016.

Tại quảng trường quốc gia Washington, D.C của nước Mỹ có bốn vị được dựng tượng đài tưởng niệm. Một trong bốn vị ấy là Thomas Jefferson. Năm 1800, Thomas Jefferson nhậm chức Tổng thống khi 57 tuổi. Lúc 46 tuổi, ông là Ngoại trưởng dưới thời vị Tổng thống đầu tiên khai sinh ra Hợp chúng quốc Hoa Kỳ - George Washington.

Cũng thời điểm này, ông đệ trình thành lập Đảng Dân chủ. Điều đặc biệt là khi 33 tuổi, ông được giao trọng trách chủ bút trong Ủy ban soạn thảo Bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ - một tác phẩm bất hủ của xứ cờ hoa. Ủy ban gồm 5 thành viên hoạt động từ ngày 11/6/1776 đến ngày 5/7/1776. Tức là ông đã viết một tác phẩm nổi tiếng thế giới trong chưa đầy 1 tháng, và kể từ đó tên tuổi của ông gắn liền với Bản Tuyên ngôn Độc lập này của nước Mỹ.

Tôi đã được đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập, được xem nhà tưởng niệm ông ở Washington, D.C. Còn lần này tôi và Tom đến thăm tư gia Thomas Jefferson đúng dịp sinh nhật ông (Thomas Jefferson sinh ngày 13/4/1743).

Thật là may mắn, đến từ xứ sở xa xôi, một người dân bình thường như tôi, lần đầu tiên được thăm ngôi nhà của ông - một con người vĩ đại. Không những là nhà chính trị và văn hóa lỗi lạc, ông còn là luật sư, nhà triết học. Ông còn là nhà canh nông, nhà phát minh ra máy cày, máy gặt cho người nông dân Mỹ sử dụng. Ông là nhà kiến trúc, thiết kế nhiều trụ sở và dinh thự; trong đó ông dành thời gian 15 năm cuối đời thiết kế và cải tạo nhiều dinh thự cho một số thành phố của nước Mỹ.

Nhân dịp 30 năm kỷ niệm ngày hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao (12/7/1995 - 12/7/2025) và tôi đã có dịp thăm Montecello, tôi viết đôi dòng tưởng nhớ đến hai con người, hai danh nhân văn hóa thế giới lỗi lạc là Tổng thống Thomas Jefferson và Chủ tịch Hồ Chí Minh khi sen đã nở rộ trong ao làng Kim Liên và những đàn cá hồng đang tung tăng bơi lội trong ao cá Bác Hồ trong khu vườn ở Ba Đình - Hà Nội.

Ông đã thiết kế và xây dựng ngôi nhà ông ở thành quần thể kiến trúc tư gia Montecello. Đây là công trình tư gia duy nhất trên thế giới được tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 1987. Dinh thự Montecello có mái vòm cong y như nhà tưởng niệm Thomas Jefferson ở Washington, D.C. Khi đứng trước ngôi nhà của ông ở, Tom hỏi tôi nghĩ gì về kiến trúc ngôi nhà mà ông tự thiết kế. Tom bảo Thomas Jefferson là người đa tài. Ông là vị Tổng thống đầu tiên được lưỡng đảng bầu. Là vị Tổng thống đầu tiên tuyên thệ nhậm chức tại Washington, D.C và làm việc tại tòa Bạch Ốc.

Trong bài diễn văn nhậm chức Tổng thống Thomas Jefferson tuyên bố: "Mọi khác biệt về ý kiến không phải là sự khác biệt về nguyên tắc". Đọc câu này tôi lại nhớ tới lời Bác Hồ khi nói về dân chủ. Tôi đã từng đi dạo quanh hồ Tidal Basin ở Washington, D.C và ngắm hoa anh đào nở mỗi dịp xuân về. Tôi đã đứng trước nhà tưởng niệm ông soi bóng trầm mặc, uy nghi như một lâu đài cổ kính màu trắng - gam màu đặc trưng ở quần thể kiến trúc trung tâm ở Quảng trường Washington, D.C. Nhà tưởng niệm ấy của ông được người dân đóng góp xây dựng. Và tôi chợt nghĩ rằng, có lẽ chỉ khi người dân tôn kính và lập nên đài tưởng niệm thì biểu tượng văn hóa phi vật thể ấy mới bền vững và trường tồn với thời gian và lịch sử.

Montecello - tư gia của Tổng thống Mỹ Thomas Jefferson. (Nguồn: wikipedia)

Montecello - tư gia của Tổng thống Mỹ Thomas Jefferson. (Nguồn: wikipedia)

Thăm Montecello - tư gia của Thomas Jefferson - tôi lại nhớ đến Bác Hồ kính yêu của chúng ta với Bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2 tháng 9 năm 1945 khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hai trái tim và hai khối óc của hai con người vĩ đại. Hai con người sinh ra khác nhau về không gian, thời gian, văn hóa, màu da và lịch sử... Nhưng có điểm trùng hợp thú vị là: Thomas Jefferson mất đúng ngày quốc khánh Mỹ là ngày 4/7, còn Bác Hồ mất đúng ngày Quốc khánh Việt Nam 2/9.

Và hai con người ấy cũng có lý tưởng chung là đấu tranh suốt cả cuộc đời mình cho mục đích cao cả là xây dựng một xã hội dân chủ, mong muốn duy nhất của hai vĩ nhân không có gì ngoài mục đích đã là con người ai cũng được hưởng tự do, ấm no và hạnh phúc. Những câu chữ ấy, tiếng nói ấy và bản tuyên ngôn ấy không chỉ cho Mỹ hay Việt Nam, mà là tiếng nói chung cho nhân loại - đó là tiếng nói quyền Độc lập - Tự do của mỗi quốc gia, nhân quyền và dân chủ của mỗi con người. Và có lẽ chính hai con người vĩ đại này đã là sợi dây văn hóa mềm kết nối hai đất nước Việt- Mỹ cách xa nhau nửa vòng trái đất để mở ra một tương lai hợp tác sáng lạn.

Sự thực trong những năm gần đây, quan hệ giữa hai nước phát triển rất tốt đẹp trên nhiều mặt. Hai Quốc gia đã trở thành Đối tác chiến lược và toàn diện. Đặc biệt trong đàm phán thương mại và thuế quan hiện nay Tổng thống Donald Trump và Tổng Bí thư Tô Lâm đã cùng nhau đưa hai nước vào kỷ nguyên mới hợp tác bình đẳng và đôi bên cùng có lợi. Và ít nhất mỗi con người bình thường cũng có sự gắn kết tình cảm bạn bè nồng ấm như tôi và Tom để sẻ chia về văn hóa và lịch sử của hai nước Việt Nam và Mỹ trong những ngày chuẩn bị kỷ niệm 30 năm thiết lập bình thường hóa quan hệ hai nước.

Nhân dịp 30 năm kỷ niệm ngày hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao (12/7/1995 - 12/7/2025) và tôi đã có dịp thăm Montecello, tôi viết đôi dòng tưởng nhớ đến hai con người, hai danh nhân văn hóa thế giới lỗi lạc là Tổng thống Thomas Jefferson và Chủ tịch Hồ Chí Minh khi sen đã nở rộ trong ao làng Kim Liên và những đàn cá hồng đang tung tăng bơi lội trong ao cá Bác Hồ trong khu vườn ở Ba Đình - Hà Nội.

Hải An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/su-lien-ket-dac-biet-cua-quan-he-viet-my-320657.html