Nghệ thuật cười mình trước khi người cười
Tự trào là kỹ năng lấy khuyết điểm của chính mình ra làm trò cười một cách khéo léo và thông minh để giảm căng thẳng, tạo kết nối và xử lý khủng hoảng hiệu quả.
Buổi giao lưu về cuốn sách Tự trào - Đỉnh cao của hài hước sáng 13/4 tại Đường sách TP.HCM mang đến cho độc giả góc nhìn mới mẻ, dí dỏm và sâu sắc về nghệ thuật tự cười chính mình.
Tự trào là đỉnh cao của hài hước
Xuất phát từ trải nghiệm cá nhân, tác giả Nguyễn Thiện từng là người ưa châm biếm người khác trong thời trẻ. Nhưng càng va chạm, ông càng hiểu rằng việc lấy những người xung quanh mình ra làm trò cười nếu thiếu kiểm soát rất dễ tạo ra sự tổn thương. Ngược lại, nếu tự trào, tự cười mình đúng cách thì sẽ an toàn, tạo cảm giác gần gũi, thân thiện, cởi mở.

Sách Tự trào - Đỉnh cao của hài hước. Ảnh: Thái Hà.
Với ông, tự trào không đơn thuần là “tự cười mình”, mà là hành vi đầy chủ đích, đòi hỏi sự thông minh, chín chắn, và nhất là khả năng tự soi rọi bản thân một cách hài hước mà không tổn thương. “Tự trào là đỉnh cao của hài hước, nhưng hơn hết, đó còn là đỉnh cao của quản trị cảm xúc và kỹ năng xử lý tình huống. Một câu chuyện tự trào đúng lúc, đúng chỗ sẽ làm người nghe bật cười sảng khoái, tạo ra bầu không khí vui vẻ, giúp ta hoặc người khác thoát khỏi tình thế khó xử”, ông nói.
Tác giả Nguyễn Thiện khẳng định tự trào không phải là năng khiếu bẩm sinh mà là kỹ năng hoàn toàn có thể học được. Cuốn sách được trình bày dưới dạng từng mô-đun nhỏ, hướng dẫn người đọc luyện tập tự trào: bắt đầu từ nhận diện các khiếm khuyết của bản thân, tiếp cận bằng góc nhìn hài hước và cuối cùng là vận dụng sao cho đúng lúc, đúng chỗ.
Qua 6 chương sách, tác giả không chỉ dẫn dắt độc giả khám phá tự trào từ góc nhìn cá nhân mà còn mở rộng tầm nhìn sang lĩnh vực doanh nghiệp, và xa hơn nữa là tầm vóc dân tộc - nơi tự trào được nhìn như một biểu hiện của bản lĩnh, của nội lực văn hóa.

Tác giả Nguyễn Thiện (trái) và nhà báo Dương Thành Truyền tại buổi giao lưu. Ảnh: Hoàng Yến.
Một kỹ năng sống, một biểu hiện văn hóa
Theo kết quả khảo sát năm 2011 của Viện nghiên cứu khoa học lãnh đạo TP.HCM (Viện Leadman), 61,5% người tham gia khẳng định tự trào là công cụ "không thể thiếu" và 38,5% người cho rằng "rất cần thiết" đối với các cấp lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp.
Đặc biệt, 100% doanh nhân đồng tình rằng trong bối cảnh kinh tế khó khăn, kỹ năng tự trào là "cần thiết" để lan tỏa tinh thần lạc quan và giảm áp lực nội bộ. Không ít doanh nghiệp đã đưa nội dung này vào các chương trình huấn luyện lãnh đạo.
Nhà báo Dương Thành Truyền nhận định tự trào là công cụ hữu hiệu để xây dựng thương hiệu cá nhân vì tiếng cười tự trào thể hiện sự tự tin, bản lĩnh và chiều sâu văn hóa của người nói. Ông cũng kể lại một câu chuyện dí dỏm về tự trào mà ông từng gặp trong đời. Đó là lần ông gặp một cha xứ có chiều cao khiêm tốn, ông hỏi han thì tưởng là cha xứ sẽ có phần mặc cảm với chiều cao của mình. Nhưng không, vị cha xứ đáp một cách duyên dáng: "Do tôi bị thấp khớp chứ không phải tôi không cao đâu". Một mẩu chuyện nhỏ, nhưng cũng là minh chứng rõ ràng cho tinh thần tự trào: nhẹ nhàng, không tổn thương, nhưng đầy thuyết phục.
Còn với Tổng biên tập Diễn đàn Toàn cầu Boston Nguyễn Anh Tuấn, tự trào là biểu hiện của bản lĩnh, của một tinh thần dân tộc dám đối diện với chính mình. “Một dân tộc biết tự trào là một dân tộc có nội lực mạnh mẽ, không tự tôn cũng không tự ti, sẵn sàng vững vàng bước về phía trước”, ông khẳng định.
Tự trào: Đỉnh cao của hài hước không hướng đến việc biến người đọc thành danh hài, mà là hành trang để mỗi người sống nhẹ nhàng hơn với chính mình và bao dung hơn với người khác.
Nguồn Znews: https://znews.vn/nghe-thuat-cuoi-minh-truoc-khi-nguoi-cuoi-post1545569.html