Nghệ thuật dân gian Hát Xoan: Di sản trường tồn với thời gian
Hát Xoan Phú Thọ là nghệ thuật dân gian đặc sắc, kết hợp được yếu tố văn hóa, lịch sử và nghệ thuật, độc đáo ở lời ca, giai điệu và làn điệu, chứa đựng nhiều giá trị văn hóa và được cộng đồng gìn giữ qua nhiều thế kỷ.
Nghệ thuật dân gian đặc sắc
Nguồn gốc của Hát Xoan gắn với những câu chuyện truyền thuyết của thời Hùng Vương nên Hát Xoan còn bảo lưu được nhiều yếu tố cổ thuộc tầng sâu của văn hóa dân gian thời đại bình minh lịch sử dựng nước của dân tộc. Đó chính là một trong những giá trị to lớn của Hát Xoan.
Ông Nguyễn Đắc Thủy, Phó Giám đốc Thường trực sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tỉnh Phú Thọ cho biết, Hát Xoan là một loại hình nghệ thuật tổng hợp, có sự tích hợp giữa văn học, âm nhạc, múa và diễn xướng; lối hát dân gian đặc sắc của người dân vùng đất Tổ Phú Thọ có nguồn gốc từ hình thức hát thờ các vua Hùng, bắt nguồn từ việc thực hành thờ cúng tổ tiên của người Việt.
Khởi nguồn từ dân gian và lưu truyền theo hình thức truyền khẩu, trải qua hàng ngàn năm lịch sử được cộng đồng gìn giữ, trao truyền, Hát Xoan đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể độc đáo, nét sinh hoạt văn hóa mang đậm nét đặc trưng của người dân Phú Thọ nói riêng và của Việt Nam nói chung.
Ngày 8/12/2017, tại Phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 12 của UNESCO diễn ra tại Jeju, Hàn Quốc, di sản Hát Xoan của Việt Nam đã chính thức được UNESCO ghi nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Đây là lần đầu tiên Ủy ban Liên Chính phủ quyết định rút một di sản ra khỏi “Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp” để chuyển sang “Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”.
Nét đặc sắc của Hát Xoan thể hiện ở lối hát chuyển giọng đào/kép và đào, kép Xoan phải có giọng hát đẹp, hát đều nhau và biết kết hợp các động tác múa nhuần nhuyễn. Dẫn nhịp cho hát, múa Xoan, tạo sự ăn nhập, hài hòa giọng hát là các đạo cụ: Trống, phách đệm. Múa trong Hát Xoan theo tính chất từng chặng hát, có một số động tác múa mô phỏng lao động sản xuất nhằm minh họa cho lời ca, có các động tác múa cổ như mô phỏng hình sóng nước, múa không guộn/uốn ngón tay…
Đội hình múa xếp hình tượng cánh hoa, bông hoa, tiến lùi ngược chiều kim đồng hồ… Chính những đặc điểm cấu trúc, ngôn ngữ thơ, nhạc, múa nguyên sơ đã tạo cho Hát Xoan mang tính cổ sơ, một loại hình dân ca, dân vũ sơ khai.
Hiện tượng văn hóa độc đáo trong dòng chảy lịch sử dân gian
Theo ông Nguyễn Đắc Thủy, về nguồn gốc của Hát Xoan, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, âm nhạc đã căn cứ vào truyền thuyết, các truyện kể của các bậc cao niên, các tài liệu đã ghi chép lại các truyền thuyết (với một vài dị bản) của làng Phù Đức, An Thái, Cao Mại, Hương Nộn…
Theo truyền thuyết, các vua Hùng đã có công trong thời kỳ dựng nước, người dân Phú Thọ đã sáng tạo Hát Xoan và trình diễn tại các đình, đền, miếu thờ vua Hùng vào dịp đầu xuân. “Xoan” có nghĩa là “Xuân”. Hùng Vương - ông vua của thời đại dựng nước đã trở thành thánh nhân trong tâm thức của người dân đất Việt.
Họ không chỉ tôn vinh ông là Đại Vương mà họ còn tôn thờ ông như một vị thần nông nghiệp. Hát Xoan và tục Hát Xoan ra đời để tôn thờ ông vua dựng nước và cũng là ông vua nông nghiệp tức Vua Thần Nông đầu tiên trong tâm thức người Việt, cư dân sống trên vùng đất Văn lang. Hát Xoan xưa kia gọi là hát mùa xuân, về sau từ xuân đổi thành từ xoan vì thành hoàng làng có tên Xuân. Vì vậy có tên gọi hát Xoan và phường Xoan.
Các truyền thuyết về Hát Xoan mang đầy tính huyền thoại và hư cấu mang tính dân gian đã minh giải giá trị nguồn gốc, không gian ra đời và chủ nhân sáng tạo, trình diễn, lưu truyền hình thức nghệ thuật dân gian này trong đời sống cộng đồng bốn làng Xoan gốc.
Không chỉ có vậy, các truyền thuyết về Hát Xoan thể hiện một quá trình tồn tại của Hát Xoan với tục kết nước nghĩa, một hiện tượng văn hóa độc đáo trong dòng chảy lịch sử dân gian. Tục kết nước nghĩa giữa các họ Xoan với các làng trong vùng thể hiện mối quan hệ gắn kết bền chặt của cộng đồng. Và như vậy, Hát Xoan đã ra đời và đã tồn tại gắn với những truyền thuyết huyền thoại thời kỳ Hùng Vương dựng nước, với những những tập quán, những phong tục mang dấu ấn cổ xưa.
Suốt trường kỳ lịch sử ra đời và tồn tại, Hát Xoan đã được các thế hệ nghệ nhân nối tiếp nhau gìn giữ, hoàn thiện và truyền dạy, trở thành nghệ thuật dân gian hát múa phong phú với một trình thức biểu diễn nghệ thuật vừa chặt chẽ vừa cởi mở.
Chặt chẽ trong chặng hát nghi lễ, cởi mở trong chặng hát quả cách và hát trao duyên. Chính nhờ hình thức nghệ thuật độc đáo này mà Hát Xoan được cộng đồng đón nhận và biến thành định lệ trong nghi thức thờ thần trong khắp các không gian thờ cúng Vua Hùng ở Phú Thọ.
Để gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể đặc biệt này việc giữ gìn không gian văn hóa là một trong những giải pháp quan trọng. Đó là việc nhận diện những bài bản cốt lõi của Hát Xoan, hỗ trợ việc trao truyền từ các nghệ nhân tuổi đã cao cho học trò kế cận của họ một cách hiệu quả và từ đó những người này có thể dần thay thế được các nghệ nhân điều hành các phường Xoan và chủ động tổ chức các lớp truyền dạy cho con em của họ.