Nghệ thuật đỉnh cao ở Nhà hát Lớn: Đầu voi, đuôi chuột
Bộ VHTTDL chủ trương đưa nghệ thuật đỉnh cao vào Nhà hát Lớn, thậm chí thúc đẩy đưa nhà hát thành điểm tham quan du lịch. Thực hiện chưa đến đâu, nay chương trình tạm dừng vô thời hạn.
CHƯA ĐỈNH ĐÃ ĐUỐI
Nhà hát Lớn từng được coi là thánh đường nghệ thuật, nơi khán giả xem những chương trình sang trọng. Nhưng thời gian qua địa điểm này bị cuốn vào vòng xoáy lẩu thập cẩm, cho thuê từ hội họp đến biểu diễn bình dân. Ít nhất có hai chương trình ca nhạc bolero do ca sĩ thị trường thực hiện, dự kiến diễn ra tại Nhà hát Lớn trong tháng 10 tới. Ý tưởng đưa Nhà hát Lớn trở lại là nơi biểu diễn nghệ thuật chất lượng cao vì thế nhận được sự đồng tình của đông đảo nghệ sĩ, nhà làm du lịch và khán giả.
Hai năm 2016-2017, hừng hực khí thế từ lãnh đạo Bộ cho tới nghệ sĩ các nhà hát, nhưng chỉ vài chương trình ra mắt rồi xịt dần. Bộ cũng yêu cầu các cơ quan chuyên môn phối hợp thúc đẩy mở tour tham quan Nhà hát Lớn, bán vé chương trình nghệ thuật hướng tới khách quốc tế. Họp tới họp lui, khảo sát xong lại vẫn dừng ở ý tưởng. Chương trình phục vụ khách quốc tế vẫn ở mức chắp ghép tiết mục, thiếu kịch bản xuyên suốt như nhiều show diễn du lịch mà Thái Lan, Trung Quốc làm được.
Tháng 9 năm ngoái vở múa Mỵ được giới thiệu là show mở màn Nam An show giới thiệu văn hóa truyền thống đặc sắc tới khách quốc tế. Tour tham quan Nhà hát Lớn dự kiến khởi động trở lại năm 2019, có sự song hành của Nam An show. Thế mà hết tháng 9/2019 vẫn chưa động tĩnh gì. Hết tháng 8 Bộ mới nhúc nhắc làm được một chương trình dịp 2/9.
Người phát ngôn Bộ VHTTDL giải thích rằng, chương trình đỉnh cao tạm dừng “do Nhà hát Lớn trong quá trình sửa chữa, tu bổ định kỳ”. Tuy nhiên thực chất các chương trình biểu diễn, vở kịch nằm trong danh mục chất lượng cao tại Nhà hát Lớn là bình mới rượu cũ. Thiếu đầu tư, tuyển lựa không khắt khe, không tạo khác biệt nên khán giả thờ ơ.
BAO GIỜ GỘT NÊN HỒ
Sự thất bại của chủ trương nghệ thuật đỉnh cao không lấy gì làm khó hiểu. Một nghệ sĩ thốt “chả thấy đỉnh cao đâu cả”. Người phát ngôn của Bộ khẳng định chủ trương này tạo động lực cho các đơn vị nghệ thuật tiếp cận công chúng nhiều hơn. Nghệ sĩ đứng trên sàn diễn Nhà hát Lớn thấy tự hào, xúc động hơn, tuy nhiên chương trình đỉnh cao không tự nhiên xuất hiện, không phụ thuộc ý chí của lãnh đạo Bộ hay giới nghệ sĩ.
Nhà hát thuộc Bộ hằng năm vẫn nhận kinh phí chừng hai tỷ đồng cho chương trình chất lượng cao. Một vị giám đốc nhà hát công lập phân trần, số tiền này phải “chia đều cho các chương trình trong năm, các chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị không bán vé”. Không dễ đủ lực để đầu tư một vở diễn đỉnh cao.
Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam sắp tới cũng có ba đêm diễn ballet kinh điển Hồ Thiên Nga. NSƯT Trần Ly Ly, Giảm đốc Nhà hát cho hay, nghệ sĩ miệt mài ba tháng liền trên sàn tập. “Không dễ có đỉnh cao ngay đâu, phải đẩy lên từ từ”, Ly Ly khẳng định. Không tính đêm chiêu đãi kỷ niệm 60 năm thành lập Nhà hát vào 7/10, hai đêm 12, 13/10 vé bán có tín hiệu đáng mừng. Trước đó, Nhà hát thử nghiệm bán vé Kẹp hạt dẻ, Dạ tiệc âm nhạc-Around the world ở Nhà hát Lớn.
Sân khấu khủng hoảng khán giả từ lâu. Khán giả miền Bắc lại không có thói quen mua vé. Trở ngại này nhà hát nào cũng nhận thức được, nhưng không thể thay đổi một sớm một chiều. “Chúng tôi có chiến lược đào tạo khán giả để họ quen với việc bỏ tiền mua vé xem nghệ thuật, thế nhưng việc mua vé phải tỉ lệ thuận với chất lượng. Nhà hát trước hết phải “chào hàng”, đầu tư xây dựng thương hiệu bằng tác phẩm chất lượng”, Trần Ly Ly nói.
__________
Xiếc Làng tôi tháng 9 này vẫn có bốn suất diễn tại Nhà hát Lớn. Đây cũng là minh chứng sinh động về việc tạo nên tác phẩm chất lượng cao, hút khách sau nhiều năm biểu diễn. Xiếc Làng tôi lưu diễn quốc tế 2009-2012, đạt tới hơn 300 suất diễn tại Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha, Bỉ, Hy Lạp, Đức.
__________
Người phát ngôn Bộ VHTTDL giải thích rằng, chương trình đỉnh cao tạm dừng “do Nhà hát Lớn trong quá trình sửa chữa, tu bổ định kỳ”. Tuy nhiên thực chất các chương trình biểu diễn, vở kịch nằm trong danh mục chất lượng cao tại Nhà hát Lớn là bình mới rượu cũ. Thiếu đầu tư, tuyển lựa không khắt khe, không tạo khác biệt nên khán giả thờ ơ.