Nghệ thuật Đờn ca Tài tử Nam Bộ được trang chủ Google tôn vinh
Sáng 5/12, biểu tượng của Google Tiếng Việt được đổi thành hình ảnh cách điệu của môn nghệ thuật Đờn ca tài tử.
Hình ảnh Google Doodle tôn vinh Nghệ thuật Đờn ca Tài tử Nam Bộ nhân dịp 10 năm được công nhận Di sản Văn hóa Thế giới do nghệ sỹ Camelia Pham minh họa, thể hiện các nghệ sỹ biểu diễn đờn ca tài tử, với gam màu sáng. Trong tranh có 6 nghệ nhân gồm 3 nam, 3 nữ đều mặc áo dài truyền thống, cầm các loại nhạc cụ khác nhau.
Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ của Việt Nam đã được UNESCO chính thức ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại tại Phiên họp Ủy ban liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 8 diễn ra tại thành phố Baku, nước Cộng hòa Azerbaijan ngày 5/12/2013. Năm 2023 là tròn 10 năm UNESCO vinh danh nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Đờn ca tài tử là loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng của vùng Nam Bộ, là nghệ thuật của đàn và ca, do thanh niên nam nữ nông thôn Nam Bộ hát ca sau những giờ lao động. Đờn ca tài tử xuất hiện hơn 100 năm trước, là loại hình diễn tấu có ban nhạc gồm các loại là đàn kìm, đàn cò, đàn tranh và đàn bầu (gọi là tứ tuyệt), sau này, có cách tân bằng cách thay thế độc huyền cầm bằng cây guitar phím lõm. Những người tham gia đờn ca tài tử phần nhiều là bạn bè, chòm xóm, cùng nhau chia sẻ thú vui tao nhã.
Trong lời giới thiệu về nghệ thuật đơn ca tài tử, Google cho biết loại hình này xuất hiện từ cuối thế kỷ XIX, bắt nguồn từ nghi lễ và âm nhạc cung đình Huế. Đờn ca tài tử là sự hòa hợp giữa các loại nhạc cụ để tạo nên giai điệu và thường phổ biến ở miền Nam. Dàn nhạc đờn ca tài tử có thể bao gồm sáo, đàn tỳ bà, đàn tam thập lục...
Đờn ca tài tử được biểu diễn theo nhóm, xuất hiện trong nhiều dịp quan trọng trong đời sống của người dân, trở thành món quà tinh thần không thể thiếu, kết nối cộng đồng nhiều thế hệ. Những người nghệ sĩ không ngừng sáng tác ra những bài hát mới khi tìm thấy nguồn cảm hứng, tạo nên kho tàng gần 100 bài hát truyền thống, trong đó có cả những bài hát cổ.
Theo Google, đây là thời điểm thích hợp để thưởng thức Đờn ca tài tử tại Việt Nam. Loại hình nghệ thuật này đóng góp một phần quan trọng trong các dịp kỷ niệm, đám cưới, Tết Nguyên đán, sinh nhật và bất kỳ cuộc tụ họp nào. Đờn ca tài tử giúp kết nối cộng đồng thông qua việc chia sẻ văn hóa, nghệ thuật, âm nhạc và sẽ tiếp nối cho các thế hệ mai sau.
Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ không chỉ có vai trò đặc biệt trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Nam Bộ mà còn góp phần quan trọng làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc Việt Nam. Nghệ thuật Đờn ca tài từ Nam Bộ là một gạch nối giữa nghệ thuật truyền thống với nghệ thuật hiện đại, góp phần tạo nên sự giao lưu đa dạng cần thiết của văn hóa dân tộc và văn hóa nhân loại.