Nghệ thuật 'dụ địch, điều địch' trong Chiến dịch Sa Thầy

Từ đầu mùa khô 1966, nhận thấy quân Mỹ có thói quen 'nhảy cóc' bằng trực thăng nên Bộ tư lệnh Mặt trận B3 quyết định mở Chiến dịch Sa Thầy (đoạn giáp tỉnh Kon Tum và tỉnh Gia Lai) nhằm tiêu diệt một bộ phận sư đoàn bộ binh 4 quân Mỹ, hỗ trợ phong trào phá ấp giành dân, thu hút giam chân quân Mỹ ở rừng núi, phối hợp cùng toàn miền đánh bại cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ hai (1966-1967) của địch.

Cách đánh chủ yếu trong chiến dịch được xác định là “dụ địch, điều địch” ra khỏi căn cứ để tiêu diệt. Sau khi xây dựng kế hoạch chu đáo, chi tiết, ngày 18-10, ta bắt đầu mở màn chiến dịch bằng việc bố trí một phân đội thuộc Trung đoàn 320 bao vây nhằm mục đích khiêu khích đám lính đồn trú ở Plây Gi-răng, là hậu cứ của hai sư đoàn bộ binh số 4 và 25 của Mỹ. Ngay lập tức, Mỹ dùng trực thăng đổ bộ một lực lượng thuộc sư đoàn bộ binh 4 xuống phía sau quân ta, phía đông sông Sa Thầy, nhằm đánh vào sau lưng đội hình ta. Đoán biết trước phản ứng của địch, khi quân địch vừa đổ xuống, trong đêm đó ta đã điều một đại đội phục phía sau vận động tập kích. Phát hiện ra tình thế đó, hôm sau Mỹ lại đổ thêm quân để bọc hậu đơn vị chúng vừa phát hiện... Bị rơi vào thế trận đã dọn sẵn, Trung đoàn 320 và một bộ phận Trung đoàn 66 của ta tổ chức chiến đấu hàng chục trận nhằm kéo địch vào địa bàn quyết chiến mà ta đã chọn trước.

 Quân đội Mỹ dùng trực thăng đổ bộ quân trong Chiến dịch Sa Thầy. Ảnh tư liệu.

Quân đội Mỹ dùng trực thăng đổ bộ quân trong Chiến dịch Sa Thầy. Ảnh tư liệu.

Để đối phó với tình thế chiến trường, quân Mỹ tiếp tục dùng trực thăng đổ thêm một tiểu đoàn xuống sát biên giới Campuchia. Trước đó, chúng cho máy bay B-52 rải bom để phát quang một khu vực rộng. Đây cũng chính là địa điểm mà quân ta đã chọn sẵn để phục kích, đánh trận then chốt, được gọi với mật danh C1. Chỉ trong 3 ngày (từ 26 đến 28-10), bằng các chiến thuật tập kích, phục kích, truy kích, bộ đội ta đã diệt hai đại đội Mỹ, tiêu hao nặng một đại đội khác. Ngày 11-11, Mỹ tiếp tục đưa tiểu đoàn 2, thuộc sư đoàn 4 cùng hai đại đội biệt kích ngụy đi hỗ trợ, đổ bộ xuống bãi C1 trên bờ tây sông Sa Thầy. Vừa xuống, chúng đã bị bộ đội Trung đoàn Bộ binh 88 vừa hành quân đến, cùng sự chi viện của Tiểu đoàn Pháo binh 32 (cối 120mm) từ các hướng tập kích mãnh liệt, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 100 tên, buộc số còn lại phải chạy về co cụm ở phía đông sông Sa Thầy. Sau đó, bộ chỉ huy Mỹ buộc phải điều thêm lữ đoàn 2 (sư đoàn kỵ binh không vận số 1 Mỹ) từ Bình Định, An Khê (Gia Lai) lên để ứng cứu. Nhưng từ ngày 20 đến 22-11, số quân này tiếp tục bị các trung đoàn của ta tiến công làm thương vong. Ngày 28-11-1966, quân Mỹ rút khỏi khu vực phía đông và tây sông Sa Thầy.

Không chịu bỏ cuộc, sau hơn một tuần củng cố lực lượng, ngày 6-12, Mỹ lại cho hơn 100 lần chiếc máy bay lên thẳng đổ gần hai tiểu đoàn kỵ binh không vận Mỹ xuống Cà Đin, tạo bất ngờ đánh vào phía sau và sườn trái đội hình chiến dịch, nhằm phá vỡ thế trận của ta. Chúng không biết rằng, điều này đã được ta đoán trước và chuẩn bị sẵn trận địa. Sau gần một ngày cận chiến ác liệt, một tiểu đoàn quân Mỹ bị đánh thiệt hại nặng, số còn lại hoảng sợ tháo chạy. Ngay lập tức, quân Mỹ buộc phải chấm dứt cuộc hành quân “tìm diệt”.

Như vậy, từ ngày 18-10 đến 6-12-1966, ngoài trận then chốt tại C1, sau 34 trận đánh lớn nhỏ, quân ta đã tiêu diệt tổng số hơn 2.000 quân Mỹ, 360 tên ngụy, diệt gọn 1 tiểu đoàn, 8 đại đội lính Mỹ và một số trung đội, bắn rơi 21 máy bay, phá hủy 21 pháo, 5 cối 106mm, 16 xe chiến đấu. Mặc dù không phải chiến dịch lớn, song, đây là chiến dịch đạt hiệu suất chiến đấu cao với nhiều nét nghệ thuật quân sự đặc sắc, nhất là nghệ thuật dụ địch, điều địch vào vị trí đã chọn sẵn để tiêu diệt. Để thực hiện được điều đó, Bộ tư lệnh chiến dịch đã nghiên cứu, nắm chắc thủ đoạn tác chiến của quân địch, đó là tự tin vào khả năng cơ động nhanh bằng trực thăng, có hỏa lực mạnh yểm trợ. Đặc biệt, khi phát hiện chủ lực ta, quân Mỹ thường “nhảy cóc” sâu vào phía sau, để thực hiện chiến thuật bao vây, chia cắt, chặn đường tiếp tế, sau đó hợp điểm để tiêu diệt. Dựa trên những cơ sở đó, Bộ tư lệnh chiến dịch đã đề ra các chiến thuật tác chiến hết sức linh hoạt để dụ địch, sau đó tập trung lực lượng đánh trận then chốt.

Trong chiến dịch này, ngay khi tập kích hỏa lực và bao vây đồn Plây Gi-răng, chúng ta đã bắc hai cầu treo qua sông Pô Cô, phía tây Plây Gi-răng và tổ chức hệ thống thông tin chạy dọc sông để nghi trang, khiến địch lầm tưởng ta chuẩn bị đánh vào phía sau lưng chúng. Nghệ thuật này đã đánh lừa được sư đoàn 4 của Mỹ, khiến chúng vội vã đánh vào khu A và B. Vì đây chưa phải địa bàn chủ chốt xác định trước nên lúc này ta chỉ tổ chức lực lượng tiêu diệt một số trung đội, đại đội địch ở đó. Sau đó, tiếp tục bắc cầu giả qua sông Sa Thầy, nổ mìn, đốt khói… để nghi binh, khiến địch tiếp tục đổ bộ xuống khu C và D. Để buộc quân Mỹ phải đưa lực lượng quan trọng vào nơi ta dự kiến tại khu C, ta đã sử dụng lực lượng đánh tập kích các đơn vị quân Mỹ để nhử chúng tiến vào điểm quyết chiến. Đến ngày 11-11, theo đúng dự kiến của ta, quân Mỹ đã đổ bộ tiểu đoàn 2 (sư đoàn 4), cùng hai đại đội biệt kích ngụy và hai đại đội pháo xuống C1, điểm cao 289. Khi điều được một lực lượng lớn quân Mỹ vào đúng khu vực ta đã chuẩn bị trước, chúng ta đã tổ chức đội hình đánh trận then chốt, tiêu diệt phần lớn quân địch.

Chiến dịch Sa Thầy diễn ra cách đây đã 53 năm, song, đến nay, những bài học kinh nghiệm, nhất là nghệ thuật “dụ địch, điều địch” vào vị trí bố trí sẵn để tiêu diệt vẫn còn nguyên giá trị, cần được nghiên cứu, vận dụng sáng tạo vào thực tiễn huấn luyện, chiến đấu.

Tiến sĩ VŨ HỒNG HÀ (Học viện Hậu cần)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/nghe-thuat-du-dich-dieu-dich-trong-chien-dich-sa-thay-602573