Nghệ thuật đương đại Việt Nam - Bền bỉ sáng tạo và cùng ra biển lớn
Trong vòng năm, bảy năm trở lại đây, sự hiện diện nhiều hơn của các gương mặt nghệ sĩ/giám tuyển từ trong nước tại những định chế nghệ thuật lớn trên thế giới đã tạo hiệu ứng quảng bá tích cực hơn bao giờ hết về một giai đoạn phát triển mới đầy hứa hẹn của nghệ thuật đương đại Việt Nam.
Tin vui dồn dập
Đầu tháng 4 vừa qua, Ban tổ chức Liên hoan nhiếp ảnh quốc tế Higashikawa lần thứ 38, Nhật Bản, đã công bố Giải thưởng dành cho nghệ sĩ nước ngoài và lần đầu, một nghệ sĩ đến từ Việt Nam được xướng tên: Hà Đào, nữ nghệ sĩ trẻ (sinh năm 1995) sống và làm việc ở Hà Nội. Giải thưởng có trị giá 1 triệu yên (tương đương 200 triệu đồng) kèm theo việc hỗ trợ trưng bày một triển lãm cá nhân tại Liên hoan, dự kiến mở từ ngày 30/7 đến 30/8/2022, tại Higashikawa, thành phố trung tâm của đảo Hokkaido.
"Vui mừng xen lẫn hoang mang" là cảm xúc của Hà khi nhận được thông tin về giải thưởng: "Những người được giải trước đây đều là nghệ sĩ đã có tên tuổi tầm cỡ thế giới, còn tôi thì mới bắt đầu sáng tác chưa lâu"-Hà bày tỏ.
Khác với Hà Đào, Đỗ Tường Linh (sinh năm 1987) đến giờ cũng vẫn "không biết" mô tả thế nào cái cảm giác của bản thân khi nhận thông tin chính thức được chọn tham gia nhóm hỗ trợ nghệ thuật (tạm dịch từ "Artistic Team"), gồm năm thành viên quốc tế, làm việc cho giám tuyển và nhà tổ chức Berlin Biennale (Liên hoan nghệ thuật đương đại định kỳ hai năm Berlin, CHLB Đức) lần thứ 12-2022. Đây cũng là lần đầu, một thành viên người Việt Nam đến từ trong nước, được chọn tham gia một nhóm làm việc, hỗ trợ trực tiếp công việc chuyên môn nghệ thuật cho giám tuyển (curator) của một sự kiện nghệ thuật đương đại quốc tế lớn như vậy.
Berlin Biennale 12 diễn ra tại sáu địa điểm cùng lúc, từ ngày 11/6 đến 18/9/2022. Đây là một định chế nghệ thuật uy tín của Đức hiện nay, bên cạnh Documenta, có lịch sử từ năm 1955 và được xem là một trong bốn sự kiện nghệ thuật định kỳ lớn nhất thế giới (ba sự kiện còn lại là Venice Biennale, Italy; Art Basel, Thụy Sĩ và Skulptur Projekte/Dự án điêu khắc Münster, CHLB Đức). Điều đặc biệt thú vị là năm nay, lần đầu, Việt Nam có hai đại diện đến từ trong nước tham gia Documenta lần thứ 15, diễn ra tại Kassel trong ba tháng, từ tháng 6 đến tháng 9/2022, và một đại diện khác có tác phẩm được chọn tham gia Venice Biennale, diễn ra từ ngày 23/4 đến 27/11/2022.
Phải khẳng định, đây không phải là lần đầu Việt Nam có các nghệ sĩ/giám tuyển từ trong nước được chọn mời tham gia những sự kiện nghệ thuật đương đại có tầm mức toàn cầu, được tổ chức bởi những định chế nghệ thuật uy tín trên thế giới. Theo TS Iola Lenzi, giảng viên về Lịch sử nghệ thuật đương đại Đông Nam Á của Trường đại học Công nghệ Nanyang (Nanyang Technological University, Singapore), từ cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, nhiều nghệ sĩ đương đại Việt Nam đã được mời tham gia những chương trình tương tự, được sưu tập tác phẩm bởi một số bảo tàng, quỹ nghệ thuật đương đại lớn ở Mỹ và châu Âu, trở thành đối tượng nghiên cứu của không ít học viên thạc sĩ, tiến sĩ về nghệ thuật đương đại Đông Nam Á và Việt Nam ở những học viện, trường đại học uy tín trong khu vực và thế giới.
Quy tụ mọi nguồn lực
Mặc dù những thành quả sáng tạo đặc biệt đó, phần nhiều đến từ nỗ lực của mỗi cá nhân nghệ sĩ. Tuy nhiên, nhìn trên bình diện chung, nhất là kể từ sau khi Nghị định Về hoạt động mỹ thuật chính thức được áp dụng (ngày 2/10/2013), cùng với sự phát triển của đời sống văn hóa xã hội, các hoạt động nghệ thuật đương đại trong nước ngày càng có cơ hội phát triển. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã nỗ lực thực hiện và duy trì Festival Mỹ thuật trẻ định kỳ ba năm (kể từ năm 2011), Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc định kỳ 5 năm (nay là Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam), nơi thu nạp mọi hình thức mỹ thuật, trong đó có nghệ thuật đương đại. Những dấu hiệu tích cực từ phía công chúng cũng được giới chuyên môn và truyền thông ghi nhận, đó là sự xuất hiện ngày càng nhiều người quan tâm đến nghệ thuật, từ người xem đơn thuần đến giới nghiên cứu phê bình, nhà đầu tư, sưu tập. Tuy nhiên, là một người trong nghề, giám tuyển Đỗ Tường Linh chia sẻ cảm nhận về tình trạng phân tán nguồn lực trong nước cho chính sự phát triển bền vững của nghệ thuật đương đại: "Nghệ thuật đương đại Việt Nam tuy là còn trẻ so với nhiều nước khác trong khu vực; nguồn lực chuyên môn còn mỏng nhưng lại có sự phân chia quá lớn giữa các hội, nhóm hoặc cá nhân. Để có thể làm được việc lớn, tôi tin phải có sự cộng tác, hợp nhất các nguồn lực phát triển".
Ở một góc nhìn khác, nghệ sĩ Hà Đào cũng cho biết, thực tế, chị và các bạn trẻ đam mê nhiếp ảnh đương đại lâu nay đều tự tìm mọi cách, tùy vào khả năng và điều kiện cá nhân, để học hỏi và trau dồi kiến thức, phát triển nghề nghiệp: "Những nghệ sĩ sử dụng nhiếp ảnh bắt buộc phải tìm kiếm cơ hội giáo dục và nghề nghiệp ở ngoài Việt Nam. Dù có nhân tài, nhưng ít ai có đủ nguồn lực tài chính, thời gian, vốn ngôn ngữ, hay sự bền bỉ để theo đuổi công việc sáng tác như một sự nghiệp".
Trong Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 (số 1755/QĐ-TTg, do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 8/9/2016) ghi rõ: "Mục tiêu đến năm 2030, ngành mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm thu về khoảng 125 triệu USD". Đây là những con số đáng để suy nghĩ bởi nếu căn cứ vào nguồn nhân lực hiện có riêng trong lĩnh vực mỹ thuật và nghệ thuật đương đại, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào tiềm năng phát triển và khả năng doanh thu của nó. Không chỉ có vậy, sức hấp dẫn của các sự kiện nghệ thuật đương đại mang quy mô quốc tế và khu vực còn góp phần không nhỏ vào việc thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, là động lực làm gia tăng thu nhập cho ngành du lịch. Một thí dụ, để được tham quan Documenta năm nay, khách phải mua vé ở mức 27 EUR/lượt và 125 EUR cho cả mùa trưng bày. Nhưng rõ ràng, để làm được điều này, cần sớm có một tầm nhìn chiến lược từ các nhà hoạch định và quản lý chính sách liên quan, để quy tụ được mọi nguồn lực, thúc đẩy mỹ thuật nói chung, trong đó có nghệ thuật đương đại, thật sự phát triển.
Nhất Chi Mai (theo nhandan.vn)