Nghệ thuật hát bội 'hòa quyện' vào chữ cái tiếng Việt
Mới đây, Nguyễn Phương Vy (năm thứ tư, chuyên ngành Thiết kế đồ họa, ĐH Mỹ thuật TP. HCM) đã 'thổi' một luồng 'sinh khí' mới vào việc quảng bá văn hóa dân tộc khi đăng tải lên Facebook sản phẩm phỏng dựng nghệ thuật hát bội dựa trên hệ thống bảng chữ cái tiếng Việt.
"Đứa con tinh thần” độc đáo của Vy được đắp lên “da thịt” với tên gọi “Bội Tự project” (tức nghệ thuật hát bội thể hiện thông qua con chữ). Vy cho biết, ban đầu, dự án đơn thuần là bài đồ án trên trường, gồm 11 chữ cái. Về sau, nhân lúc nghỉ dịch rảnh rỗi, Vy tiếp tục thực hiện, chỉnh sửa lại và phát triển thành dự án cá nhân gồm một typeface (một bộ các chữ cái có cùng điểm chung trong thiết kế) với hai định dạng và 22 chữ cái được vẽ cách điệu.
Vy bộc bạch: “Mình đã biết đến hát bội từ lâu và rất ấn tượng với những hình thù đầy màu sắc được các nghệ sĩ vẽ lên mặt nhưng chưa có nhiều cơ hội tiếp cận. Nhân dịp làm đồ án trên trường, mình đã nắm bắt thời cơ chọn lấy đề tài này. Qua việc tìm hiểu, mình nhận thấy hát bội là loại hình nghệ thuật sân khấu tổng hợp đặc sắc, bao gồm đa dạng các lĩnh vực nghệ thuật gây ấn tượng mạnh về mặt thị giác nên càng hứng thú hơn nữa”.
Vy hứng thú với nghệ thuật hát bội. (Ảnh: NVCC)
Chủ nhân của dự án “Bội Tự project” bắt tay vào thực hiện từ khâu tìm kiếm các cụm chữ liên quan đến hát bội có bắt đầu bằng các ký tự cơ bản trong bảng chữ cái tiếng Việt, cho đến phác họa hình ảnh thể hiện. “Sau khi phác họa, mình dùng máy để vector hóa, chỉnh sửa rồi lên màu, dàn layout và chắt lọc nội dung. Phông chữ cũng được mình phác họa tay, sau đó căn chỉnh khoảng cách và xuất font trên máy”, Vy nói.
Vy cho biết, chất liệu truyền thống luôn là nguồn cảm hứng vô tận có thể được khai thác ở nhiều khía cạnh, cũng như thể hiện với nhiều cách khác nhau.
Các chữ cái cách điệu được Vy “khoác” lên mình bảng màu Retro nhằm tạo nên hơi hướng truyền thống. Mỗi chữ cái cách điệu đều mang ý nghĩa riêng, còn phần hình ảnh lồng ghép cũng được tính toán kỹ để vừa giữ được mẫu chữ, vừa thể hiện trọn vẹn thông điệp. Thấy nghệ sĩ hát bội biểu diễn linh hoạt và mềm mại, Vy cố gắng đưa những chuyển động mượt mà đó vào dự án để giúp các chữ cái trở nên sống động hơn. Vy ví von mỗi chữ cái là một cái cây với thời gian ra hoa khác nhau nhưng về tổng quan lại tạo nên một khu vườn đẹp.
Vy quyết định lồng ghép hát bội vào bảng chữ cái vì muốn giới thiệu vừa nhanh, vừa mới lạ và đa dạng, lại phù hợp với sở thích của bản thân là Typography.
Nhớ lại quá trình “thai nghén” dự án, Vy cho biết mình gặp khó khăn khi tìm kiếm nguồn tư liệu hình ảnh về hát bội và lo sản phẩm sẽ không truyền tải được đầy đủ giá trị của loại hình sân khấu này. Tuy vậy, sau khi “trình làng”, lời khen ngợi mức độ công phu của dự án đến từ giới thiết kế nói riêng và cộng đồng mạng nói chung đã xua tan nỗi lo trước đó, đồng thời góp phần “thổi lửa” cho nhiệt huyết của Vy với cái đẹp của nghệ thuật hát bội. “Mình rất vui vì công sức bỏ ra đã nhận được sự ủng hộ to lớn như vậy”, Vy bày tỏ.
Tình yêu với văn hóa nghệ thuật dân tộc đã chắp cánh cho Vy động lực thực hiện dự án chỉn chu, tỉ mỉ chỉ trong vòng một tháng.
Càng đào sâu tìm hiểu, Vy khẳng định “viên ngọc quý” của kho tàng nghệ thuật nước ta vẫn còn “sáng” và đang đến gần hơn với các bạn trẻ thông qua các chương trình biểu diễn tại trường học và Thảo Cầm Viên Sài Gòn. Sau thành công của “Bội Tự project”, Phương Vy sẽ cố gắng cho ra đời thêm nhiều dự án độc lạ, mang “hơi thở” của nghệ thuật truyền thống Việt Nam để gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa nước nhà và đem đến sự tiếp cận gần gũi hơn cho đại chúng.