Nghệ thuật - một chốn an trú cho tâm hồn
Với 'Từ nhà ra công viên', Dương Thùy Dương đã sắp đặt một cuộc triển lãm đặc biệt, để công chúng thong thả thưởng thức chặng hành trình 15 năm mà cô miệt mài gắn bó với hội họa. Từ những phác thảo bằng chì, màu nước, đến các sáng tác sơn dầu, sự độc đáo trong lối vẽ của Dương đã không ngừng thôi thúc người xem giải mã tác phẩm.
Họa sĩ Dương Thùy Dương, sinh năm 1979 tại Hà Nội. Cô đang sống và làm việc tại Berlin, Đức. Kéo dài đến hết ngày 23/2, triển lãm cá nhân “Từ nhà ra công viên” của Dương Thùy Dương tại Mơ Art Space đã giới thiệu đến đông đảo người yêu nghệ thuật những tác phẩm đặc sắc được nữ họa sĩ sáng tác từ năm 2009-2024.
Thời gian đầu đến với hội họa, tác phẩm của Dương nghiêng về hướng hiện thực. Cô vẽ lại những khoảnh khắc mà mình trải qua khi còn sống ở quê hương Việt Nam dưới góc nhìn của người con xa xứ.
Không gắn bó với dòng tranh hiện thực quá lâu, suốt một thập kỷ trở lại đây, những sáng tạo của Dương chuyển sang hơi hướng siêu thực và trừu tượng. Tranh Dương vẽ đề cập đến sự giao chuyển văn hóa cũng như cuộc sống của nữ họa sĩ giữa hai phương trời khác biệt: Việt Nam - quê hương yêu dấu và Đức - nơi cô đang sinh sống.
“Tôi thường vẽ về những gì tôi quan tâm. Những điều ấy, một cách nào đó, có quan hệ mật thiết với cuộc sống của tôi. Tôi biết mình là ai, tôi biết mình muốn gì và đó là điều quan trọng nhất với tôi. Còn thế giới nghệ thuật thì vốn có quá nhiều tương quan, khăng khít với thời cuộc”, Dương Thùy Dương chia sẻ.
Trong tranh của Dương, nét và mảng được triển khai theo tầng bậc, lớp lang. Các khung tranh tựa như khung cửa sổ hé mở, mời gọi người xem bước vào thế giới tâm hồn của nghệ sĩ. Với nét cọ rối, Dương khắc họa một “Vũ trụ trong căn bếp”. Bút pháp này cũng xuất hiện ở “The Holly 2” và “Agnes trong thang máy”. Từng hình tượng bị giải kết cấu, tiêu biến thành những đường nét tựa hàng trăm sợi dây rối bời.
Quan sát kỹ lưỡng tranh của Dương Thùy Dương, nhà nghiên cứu nghệ thuật Phạm Minh Quân nhận xét, tranh của Dương không dùng hình ảnh hay ngôn ngữ quen thuộc để xác lập bản sắc. Thay vào đó, cô để nghệ thuật tự do, bay bổng như một thực thể siêu hình.
“Có rất nhiều thay đổi trong quá trình sáng tác và sự thay đổi ấy gắn liền với đời sống của họa sĩ. Tôi sợ sự quen thuộc trong sáng tạo. Triển lãm này cũng là cách mà tôi tâm sự với chính mình”, Dương Thùy Dương cho biết.
Nữ họa sĩ xem mỗi màu sắc như một phần tính cách riêng biệt, phản ánh trạng thái tinh thần và cảm xúc. Cô cho rằng, quá trình phối màu đòi hỏi sự cẩn trọng để tạo nên một tổng hòa phù hợp. Và màu sắc không đơn thuần chỉ là phương tiện truyền tải thông điệp, nội dung, mà còn mở ra là không gian nghệ thuật riêng của người nghệ sĩ.
“Sau cùng, ‘Từ nhà ra công viên’ chỉ là chỗ cư trú cho những suy nghĩ không đầu không cuối của tôi”, Dương bộc bạch.
“Đừng cố tìm trong tranh của Dương một câu trả lời thỏa đáng hay chiếc căn cước để định danh một chân dung nào đó. Bởi đến cùng, bạn cũng sẽ chỉ tìm thấy một công viên an trú cho tâm hồn, mang tên: nghệ thuật”, Nhà nghiên cứu nghệ thuật Phạm Minh Quân cho hay.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nghe-thuat-mot-chon-an-tru-cho-tam-hon-post856041.html