Múa rối nước Việt Nam chinh phục khán giả quốc tế
Mang trong mình vẻ đẹp mộc mạc cùng giá trị nghệ thuật độc đáo, múa rối nước đã vượt qua ranh giới làng quê để chinh phục khán giả quốc tế, đưa tinh hoa văn hóa Việt Nam hòa nhịp vào dòng chảy văn hóa toàn cầu.
Biểu đạt triết lý sống của người Việt
Việt Nam là quốc gia có nền văn minh lúa nước lâu đời, nơi mà mỗi làng quê đều gắn bó chặt chẽ với ao hồ, sông ngòi và đồng ruộng. Từ mối quan hệ mật thiết với thiên nhiên, múa rối nước ra đời từ khoảng thế kỷ XI như một sản phẩm văn hóa tất yếu, xuất phát từ nhu cầu giải trí của người nông dân trong những ngày nông nhàn.
Nguyên Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long, NSƯT Chu Lượng chia sẻ: "Ban đầu, múa rối nước chỉ là một trò chơi đơn giản nhưng qua thời gian, người Việt đã đưa vào đó những câu chuyện, cảm xúc và ý tưởng để phát triển thành một môn nghệ thuật mang giá trị mỹ học hóa những hiện thực đời sống".
Điểm độc đáo của múa rối nước nằm ở sân khấu thủy đình – nơi mặt nước không chỉ là sân khấu biểu diễn mà còn tạo nên hiệu ứng huyền ảo, che giấu những chi tiết kỹ thuật tinh xảo và làm nổi bật sự sống động của những con rối gỗ.
Những trò diễn như cày cấy, chăn trâu, bắt cá hay hình ảnh rồng phun nước, phượng hoàng đẻ trứng... được tái hiện trên sân khấu không chỉ phản ánh đời sống nông thôn mà còn biểu đạt triết lý sống của người Việt: lạc quan, vui tươi và hòa hợp với thiên nhiên.
Không giống như nhiều loại hình nghệ thuật khác, múa rối nước hoàn toàn vắng bóng những yếu tố đau khổ, thù hận hay chết chóc, thay vào đó là nhấn mạnh niềm vui giản dị và khát vọng hòa bình, hạnh phúc, ấm no.
NSƯT Chu Lượng nhấn mạnh rằng, đời sống nông nghiệp đã cung cấp cả nội dung lẫn hình thức cho nghệ thuật múa rối nước. Từ các con rối đến đạo cụ, mỗi hình tượng đều lấy cảm hứng từ những vật dụng và hình ảnh quen thuộc như chum vại, thúng mủng, đàn trâu, cánh đồng hay các lễ hội dân gian như thi chọi trâu. Đây không chỉ là sự sáng tạo mà còn là sự lưu giữ tinh thần cộng đồng, tâm linh và những giá trị văn hóa qua hàng ngàn năm lịch sử.
Tiềm năng quốc tế hóa mạnh mẽ
Trong bối cảnh hội nhập và giao thoa văn hóa toàn cầu, múa rối nước Việt Nam đang ngày càng khẳng định tiềm năng để vươn tầm thế giới. Theo NSƯT Chu Lượng, trong số các loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian của Việt Nam, múa rối nước được xem là loại hình có khả năng lan tỏa mạnh mẽ nhất, nhờ hình thức biểu diễn độc đáo, nội dung giàu tính nhân văn và khả năng kết nối cảm xúc phổ quát.
Những câu chuyện gần gũi, chân thực về đời sống cùng các hình ảnh thân thuộc như trâu, cá, đồng quê không chỉ gợi nhớ ký ức tuổi thơ với người Việt mà còn dễ dàng tạo nên sự đồng cảm ở khán giả quốc tế.
Điều làm nên sức hút vượt thời gian của múa rối nước chính là khả năng truyền tải những giá trị chung của nhân loại. Mặc dù hiển lộ những hình thức riêng biệt của văn hóa Việt Nam như ngôn ngữ, trang phục, phong tục tập quán… nhưng nghệ thuật này lại chạm đến những khát vọng toàn cầu: sự hòa hợp với thiên nhiên, tình đoàn kết giữa con người và ước mơ về một thế giới bình yên, tự do. Chính những mối liên hệ phổ quát này khiến khán giả ở bất kỳ quốc gia nào cũng dễ dàng hòa mình vào không gian kỳ diệu của rối nước.
Không dừng lại ở giá trị nhân loại, múa rối nước còn gây ấn tượng bởi tính độc tôn. Khán giả trên thế giới có thể xem rối dây, rối bóng… ở nhiều quốc gia nhưng để trải nghiệm nghệ thuật rối nước, họ chỉ có thể tìm đến Việt Nam hoặc thưởng thức nó qua bàn tay tài hoa của nghệ sĩ Việt. Chính tính độc tôn này đã biến rối nước thành một di sản quý báu, không chỉ của Việt Nam mà còn của toàn nhân loại.
Đáng chú ý, Nhà hát Múa Rối Thăng Long là một trong những đơn vị tiên phong trong việc đưa múa rối nước đến gần hơn với khán giả quốc tế. Sáng kiến cung cấp bộ thông dịch với 8 ngôn ngữ tại các buổi biểu diễn đã giúp rút ngắn khoảng cách giữa nghệ sĩ và khán giả nước ngoài, mang đến trải nghiệm thưởng thức trọn vẹn và đầy cảm xúc.
Trong hơn ba thập kỷ qua, nhà hát đã phục vụ khoảng hơn 42 triệu khán giả, không chỉ tại Việt Nam mà còn ở các quốc gia châu Âu, châu Á và châu Úc, khẳng định sức hấp dẫn toàn cầu của nghệ thuật này.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm 55 thành lập Nhà hát Múa rối Thăng Long vừa qua, Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Đỗ Đình Hồng nhận định, Nhà hát Múa rối Thăng Long là một trong những đơn vị nghệ thuật truyền thống thành công nhất của Thủ đô Hà Nội, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả. Đồng thời góp phần đưa nghệ thuật rối nước truyền thống nói riêng, hình ảnh đất nước và con người Việt Nam nói chung, với nền văn hóa phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc được lan tỏa ra thế giới.
Nhà hát đã đạt nhiều kỷ lục ấn tượng như: biểu diễn tại hơn 50 quốc gia trên thế giới; thu hút lượng khán giả đông đảo nhất; tiếp đón nguyên thủ, chính khách quốc tế nhiều nhất và là nhà hát duy nhất ở châu Á biểu diễn kín 365 ngày trong năm…
Từ những sân khấu làng quê nhỏ bé đến các lễ hội nghệ thuật quốc tế, múa rối nước đã chứng minh sức sống bền bỉ và giá trị văn hóa vượt thời gian. Dưới bàn tay sáng tạo và tâm huyết của các nghệ sĩ, loại hình nghệ thuật này không chỉ được bảo tồn mà còn từng bước khẳng định vị trí vững chắc trên bản đồ nghệ thuật thế giới, trở thành biểu tượng tự hào của văn hóa Việt Nam trong dòng chảy hội nhập quốc tế.
Như NSƯT Chu Lượng nhận định: "Múa rối nước không chỉ là một loại hình nghệ thuật giải trí mà còn là một cầu nối văn hóa, mang theo khát vọng hòa hợp với thiên nhiên và cộng đồng".
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/mua-roi-nuoc-viet-nam-chinh-phuc-khan-gia-quoc-te.html