Nghệ thuật múa lân sư rồng

Múa lân sư rồng không chỉ là môn nghệ thuật dân gian mà còn là nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân Việt Nam. Gắn bó và phát triển môn nghệ thuật truyền thống này, nhiều người trẻ Thanh Hóa đã dành tâm huyết, công sức đưa môn nghệ thuật này đến gần hơn với cộng đồng.

CLB Lân Sư Rồng 36.

CLB Lân Sư Rồng 36.

Anh Nguyễn Thanh Tùng là người đã có hơn 15 năm kinh nghiệm trong nghề múa lân sư rồng (LSR). Hiện tại, anh là Phó chủ nhiệm CLB Lân Sư Rồng 36, một trong những đoàn LSR lâu năm và nổi tiếng nhất ở Thanh Hóa.

CLB LSR 36 được thành lập và hoạt động từ năm 2008, là nơi anh Tùng tập hợp đông đảo các thanh, thiếu niên có chung niềm đam mê, yêu thích môn nghệ thuật múa LSR. Đến nay, CLB có khoảng 20 thành viên, thường xuyên tham gia biểu diễn tại các sự kiện của cơ quan, đơn vị, tỉnh tổ chức, đặc biệt là vào dịp Tết Trung thu.

Theo anh Tùng, năm 2008 tại Thanh Hóa chưa có đội múa LSR nào. Nghệ thuật múa LSR được các bạn trẻ biết đến qua những video, clip được đăng tải trên truyền hình. Bị thu hút bởi những điệu múa uyển chuyển, đẹp mắt nhưng uy dũng, nhiều bạn trẻ tại Thanh Hóa đã tụ hợp lại thành đội, tự học, tự nghiên cứu dựa trên hình ảnh trực quan. “Các thành viên trong đội chủ yếu là thanh thiếu niên mới tốt nghiệp THPT, vì yêu thích mà tìm hiểu. Tuy nhiên, càng tiếp xúc với môn nghệ thuật này thì chúng tôi càng bị nó thu hút. Mong muốn được hiểu về nó nhiều hơn, học được nhiều kỹ thuật mới, khó hơn nữa, vì vậy, người đứng đầu đội lúc đó là anh Lê Tiến Hiệp đã quyết định vào TP Hồ Chí Minh “tầm sư học đạo”. Sau thời gian dài học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật và tham gia biểu diễn cùng những CLB chuyên nghiệp tại đó, anh Hiệp trở lại truyền dạy những gì học được, cùng các anh em trong CLB giữ gìn và phát huy môn nghệ thuật truyền thống này cho đến hôm nay”, anh Tùng cho biết.

Được sự chỉ dạy của người đứng đầu, cùng với lòng đam mê, tinh thần tự học, các thành viên trong đội dần thuần thục các kỹ thuật từ cơ bản đến nâng cao. Bên cạnh nắm vững kỹ thuật, các thành viên trong đội còn hiểu rõ vai trò của mình trong mỗi vị trí, từ đó phối hợp nhuần nhuyễn, ăn ý tạo nên những bài biểu diễn hoàn hảo. Thời điểm mới thành lập, những bài múa của đội gây ấn tượng bởi kỹ thuật điêu luyện, thường xuyên nhận được những lời mời biểu diễn tại tỉnh ngoài.

Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ đam mê theo nghề LSR, gọi là nghề nhưng với anh Tùng và các thành viên của CLB thì đây là nghề của những đam mê và khát vọng cống hiến, bởi số tiền mà múa LSR mang lại không thể chi trả hết cho những khoản phí và lo toan cuộc sống. Bởi vậy, mỗi người trong CLB đều có nghề nghiệp khác nhau, như kinh doanh tự do, shipper, vận tải... chính công việc này sẽ giúp họ duy trì, theo đuổi đam mê với LSR. Cũng chính bởi lẽ đó, nên dù đã hơn 15 năm theo nghề nhưng anh Tùng chưa bao giờ nhận mình là nghệ sỹ chuyên nghiệp mà luôn nói rằng đây nghề yêu thích và theo đuổi nó vì đam mê. Với anh Tùng “múa LSR đòi hỏi sự gan dạ, hành động quyết đoán và độ chính xác cao. Để có màn trình diễn ấn tượng, người múa lân không chỉ có kỹ thuật tốt mà còn phải thả hồn vào những "chú’’ lân. Nhiều lúc anh Dũng phải thực hiện động tác con lân té để khán giả hào hứng hơn”.

Dù khó khăn, vất vả nhưng anh Phạm Hồng Thắng (phải) và anh Nguyễn Thanh Tùng vẫn quyết tâm giữ nghề múa LSR.

Dù khó khăn, vất vả nhưng anh Phạm Hồng Thắng (phải) và anh Nguyễn Thanh Tùng vẫn quyết tâm giữ nghề múa LSR.

Theo đuổi nghề vì “trót yêu” môn nghệ thuật truyền thống này từ lâu, anh Phạm Hồng Thắng (thành viên CLB LSR 36) cũng đã gắn bó với nghề hơn 15 năm. Theo anh Thắng múa LSR là sự kết hợp hoàn hảo giữa nghệ thuật và thể thao, môn nghệ thuật này không chỉ mang ý nghĩa về mặt văn hóa mà còn là sự kết hợp hoàn hảo giữa kỹ thuật điêu luyện và sức mạnh thể chất. Để biểu diễn một màn múa LSR thành công, người biểu diễn cần nắm vững nhiều kỹ thuật từ cơ bản đến nâng cao. “Ví như, việc cầm đầu lân tưởng chừng dễ, nhưng thực ra không đơn giản. Đầu lân không nặng song để điều khiển các chuyển động của đầu sao cho tự nhiên và sống động nhất là cả một quá trình luyện tập dài lâu, gian nan. Các bước di chuyển trong múa lân bao gồm bước đi, chạy, nhảy và lướt. Những bước này cần được thực hiện một cách nhịp nhàng và đồng bộ giữa các thành viên trong đội. Trong các bài múa lân, người đi đầu phải phối hợp nhịp nhàng với đồng đội phía sau, đồng thời thực hiện những động tác nhảy và xoay chuyển linh hoạt để tạo nên hình ảnh lân sinh động. Khác với múa lân, múa rồng thường yêu cầu sự phối hợp của nhiều người hơn và kỹ thuật điều khiển rồng cũng phức tạp hơn”.

Chinh phục khán giả, khám phá những cái mới, thành viên của CLB thường cập nhật động tác mới qua những bài diễn thi đấu của các CLB chuyên nghiệp trên toàn quốc, hoặc tự mình nghĩ ra. Bởi “Những động tác mới, màn biểu diễn độc đáo luôn có sức hút với khán giả. Sự sáng tạo này không chỉ làm tăng thêm niềm vui cho chính chúng tôi mà còn giúp nghệ thuật múa LSR ngày càng phát triển và phong phú hơn”, anh Thắng cho biết thêm.

Hoạt động múa LSR tại Thanh Hóa hiện nay đã trở nên sôi động, với sự góp mặt của nhiều CLB, đội nhóm chuyên nghiệp và không chuyên, trong đó chủ yếu vẫn là những người trẻ. Với niềm đam mê, sự kiên trì và tinh thần sáng tạo, họ chính là những người giữ lửa và phát triển một loại hình nghệ thuật đặc sắc của dân tộc. Không những thế, nhiều CLB tìm cách kết hợp những yếu tố hiện đại, như âm nhạc điện tử, ánh sáng laser, các kỹ thuật biểu diễn mới, nhằm tạo nên những màn trình diễn độc đáo và hấp dẫn hơn. Điều này không chỉ thu hút sự quan tâm của nhiều người mà còn giúp nghệ thuật múa LSR phát triển mạnh mẽ và phù hợp với xu thế thời đại.

Bài và ảnh: Phan Thị

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/nghe-thuat-nbsp-mua-lan-su-rong-31708.htm