Nghệ thuật quân sự trong Chiến dịch Điện Biên Phủ-Bài học thực tiễn trong huấn luyện chiến đấu hiện nay

Đó là chủ đề tọa đàm do Báo Quân đội nhân dân (QĐND) phối hợp với Bộ tư lệnh Quân đoàn 12 tổ chức sáng 4-4. Thiếu tướng Nguyễn Đức Hưng, Chính ủy Quân đoàn 12; Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ, Tổng biên tập Báo QĐND và Đại tá Lê Văn Phan, Phó tư lệnh Quân đoàn 12 điều hành tọa đàm.

Tham dự tọa đàm có các tướng lĩnh; lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng; các nhà khoa học trong và ngoài Quân đội; một số nhân chứng lịch sử từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ…

 Tọa đàm: "Nghệ thuật quân sự trong Chiến dịch Điện Biên Phủ-Bài học thực tiễn trong huấn luyện chiến đấu hiện nay".

Tọa đàm: "Nghệ thuật quân sự trong Chiến dịch Điện Biên Phủ-Bài học thực tiễn trong huấn luyện chiến đấu hiện nay".

 Thiếu tướng Nguyễn Đức Hưng, Chính ủy Quân đoàn 12 phát biểu khai mạc tọa đàm.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Hưng, Chính ủy Quân đoàn 12 phát biểu khai mạc tọa đàm.

 Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân trình bày đề dẫn tọa đàm.

Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân trình bày đề dẫn tọa đàm.

Chiến thắng Điện Biên Phủ là đề tài thu hút sự quan tâm của nhiều học giả, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Có nhiều công trình nghiên cứu, nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm khoa học đã và đang được làm sáng tỏ ở những góc độ khác nhau. Tọa đàm với chủ đề: “Nghệ thuật quân sự trong Chiến dịch Điện Biên Phủ-Bài học thực tiễn trong huấn luyện chiến đấu hiện nay” nhằm làm sâu sắc thêm các khía cạnh của sự kiện.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Thiếu tướng Nguyễn Đức Hưng nhấn mạnh: Cuộc tọa đàm là một trong những hoạt động thiết thực hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, khẳng định tầm vóc, giá trị lịch sử, nguyên nhân thắng lợi của Chiến thắng Điện Biên Phủ; đi sâu làm rõ nghệ thuật quân sự của chiến dịch; khẳng định sự đúng đắn và tất thắng của đường lối chiến tranh nhân dân, thế trận quốc phòng toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; rút ra những bài học kinh nghiệm, vận dụng sáng tạo, hiệu quả vào công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu trong tình hình mới.

 Quang cảnh tọa đàm.

Quang cảnh tọa đàm.

Nhấn mạnh ý nghĩa của Chiến thắng Điện Biên Phủ, báo cáo đề dẫn tọa đàm do Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ trình bày đã nêu rõ: Thắng lợi của chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ đã giáng đòn quyết định, đập tan dã tâm xâm lược của các thế lực đế quốc, thực dân hiếu chiến, buộc Chính phủ Pháp phải ký Hiệp định Geneva (tháng 7-1954), chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương, mở ra trang sử mới cho cách mạng Việt Nam; đồng thời là một sự kiện quan trọng, báo hiệu sự sụp đổ hoàn toàn của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới. Thắng lợi đó được bắt nguồn từ truyền thống anh hùng bất khuất của dân tộc ta, từ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; từ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; ý chí quyết chiến, quyết thắng và biết đánh, biết thắng, khó khăn nào cũng vượt qua của QĐND Việt Nam anh hùng; từ tài thao lược của các tướng lĩnh trong thời đại Hồ Chí Minh, đứng đầu là Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp...

Chiến lược đúng đắn, nghệ thuật quân sự sáng tạo

Ban tổ chức đã nhận được hàng chục tham luận của lãnh đạo các cơ quan Bộ Quốc phòng, các quân chủng, binh chủng, quân khu, quân đoàn, các học viện, nhà trường trong và ngoài Quân đội; nhân chứng lịch sử; Tỉnh ủy, UBND tỉnh Điện Biên; các nhà khoa học thuộc các viện nghiên cứu, trường đại học. Các tham luận đã đề cập một cách toàn diện, phong phú, sâu sắc các vấn đề xoay quanh chủ đề tọa đàm. Đó là chỉ đạo chiến lược của Bộ Chính trị, Tổng Quân ủy rất nhạy bén, sớm phát hiện và đánh giá đúng âm mưu chiến lược của địch; chỉ đạo kiên quyết, linh hoạt, giữ vững và phát huy quyền chủ động chiến lược của ta.

 Các đại biểu và cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 12 dự tọa đàm.

Các đại biểu và cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 12 dự tọa đàm.

Là chuyên gia trong lĩnh vực lịch sử quân sự, Thiếu tướng, TS Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự luận giải: Với đường lối kháng chiến “toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh”, Đảng đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam từng bước vượt qua khó khăn, thử thách, làm nên nhiều thắng lợi ở Hòa Bình (1951-1952), Tây Bắc (1952), Thượng Lào (1953)… góp phần tạo chuyển biến có lợi cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Cùng với quá trình xây dựng và chiến đấu, lực lượng vũ trang nhân dân của ta ngày càng trưởng thành, lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Ta từng bước giành lại quyền chủ động chiến lược trên chiến trường và đẩy thực dân Pháp ngày càng lún sâu vào thế phòng ngự, bị động đối phó. Và rồi, Điện Biên Phủ vốn không có tên trong kế hoạch Navarre, cũng chưa có trong kế hoạch tác chiến của ta đã từng bước trở thành nơi diễn ra trận quyết chiến chiến lược giữa ta và địch, là nơi thể hiện nỗ lực chiến tranh cao nhất của cả hai bên xâm lược và chống xâm lược.

Đề cập đến chiến lược đúng đắn trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ, tham luận của các đồng chí: Thiếu tướng, GS, TS Nguyễn Hồng Quân, nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược quốc phòng; PGS, TS Nguyễn Danh Tiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh); Đại tá, PGS, TS Trần Ngọc Long, nguyên Phó viện trưởng Viện Lịch sử quân sự… đều nhận định: Với nguyên tắc chỉ đạo là tiêu diệt sinh lực địch, bồi dưỡng lực lượng ta, đánh ăn chắc, đánh tiêu diệt; chọn nơi địch sơ hở, ít đề phòng; giữ vững quyền chủ động, buộc địch phải phân tán lực lượng. Đây là chủ trương chiến lược đúng đắn, linh hoạt, sáng tạo của Bộ Chính trị và Tổng Quân ủy nhằm phát huy thế chủ động, tiến hành các đòn tiến công chiến lược buộc địch phải phá vỡ khối cơ động tập trung, phân tán từng bộ phận chủ lực địch ra các hướng khác nhau, rồi chọn hướng thuận lợi để tiến hành đánh trận tiêu diệt lớn.

Các tham luận tại tọa đàm đã đề cập một cách toàn diện, phong phú, sâu sắc các vấn đề xoay quanh chủ đề tọa đàm.

Các tham luận tại tọa đàm đã đề cập một cách toàn diện, phong phú, sâu sắc các vấn đề xoay quanh chủ đề tọa đàm.

Một trong những yếu tố rất quan trọng góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ là ta chuyển từ “đánh nhanh, thắng nhanh" sang “đánh chắc, tiến chắc”. Thiếu tướng, TS Trần Minh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Chiến lược quốc phòng và Đại tá, TS Vũ Ngọc Thủy, Viện trưởng Viện Khoa học nghệ thuật quân sự (Học viện Quốc phòng) phân tích: Trước những thay đổi nhanh chóng của tình hình địch, trải qua nhiều ngày đêm bám sát chiến trường, cân nhắc mọi mặt, trên cơ sở phân tích so sánh tương quan lực lượng, đánh giá khả năng của ta và địch tại Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp với tầm nhìn chiến lược và tư duy quân sự sắc sảo, đã sớm nhận ra một số khó khăn của bộ đội ta và thay đổi phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” và được Bộ Chính trị nhất trí. Với phương châm này, ta đã điều chỉnh lực lượng và thế trận, cô lập địch ở Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, cắt chi viện bằng đường không, vây hãm toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và từng trung tâm đề kháng của Pháp, tiêu diệt từng bộ phận tiến tới đánh bại toàn bộ địch; thể hiện nổi bật về nghệ thuật chiến tranh nhân dân, nghệ thuật sử dụng lực lượng, nghệ thuật tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu; đánh chắc, tiến chắc, không chắc thắng, không đánh.

Tại tọa đàm, nhiều đại biểu cũng đã luận giải, làm rõ bước nhảy vọt phát triển về nghệ thuật chiến dịch trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, ta đã giải quyết thành công nhiều vấn đề mới. Nhất là xác định đúng phương châm chiến dịch, tập trung ưu thế binh hỏa lực, đánh chắc thắng, tiêu diệt từng bộ phận sinh lực địch, từng bước uy hiếp, tiến tới tiêu diệt khu vực trọng yếu của địch; sớm hình thành thế bao vây, xây dựng trận địa tiến công và bao vây ngày càng siết chặt từng cụm cứ điểm và cả tập đoàn cứ điểm, chia cắt thế trận liên hoàn của địch. Chọn cách đánh hiểm, phát huy uy lực mọi loại vũ khí của ta, hạn chế chỗ mạnh, khoét sâu chỗ yếu của địch. Về chiến thuật đã có bước phát triển nhảy vọt với các trận đánh quy mô đại đoàn, hiệp đồng binh chủng; với các hình thức chiến thuật đa dạng nên đạt hiệu quả chiến đấu cao, giữ vững trận địa tạo thế vây ép địch. Thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ đã đưa nền nghệ thuật quân sự Việt Nam bước lên tầm cao mới, thể hiện trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam, là vốn quý cho công cuộc đấu tranh giữ nước của dân tộc.

Các đại biểu trình bày tham luận tại tọa đàm.

Các đại biểu trình bày tham luận tại tọa đàm.

Bài học trong xây dựng Quân đội tinh, gọn mạnh, tiến lên hiện đại

Tham luận của các đại biểu gửi Ban tổ chức và phát biểu tại tọa đàm hôm nay đều khẳng định: Chiến thắng Điện Biên Phủ đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của Quân đội ta về bản lĩnh chính trị, trình độ tác chiến, tổ chức lực lượng, trang bị vũ khí và cách đánh. Đó là kết quả của một quá trình khổ luyện, tích lũy kinh nghiệm từ thực tiễn chiến đấu, công tác của lực lượng vũ trang ta. Trải qua 9 năm vừa xây dựng vừa chiến đấu, vừa tác chiến vừa huấn luyện, qua các đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, các cuộc vận động “luyện quân lập công”, “rèn cán chỉnh quân”, chấn chỉnh tổ chức, biên chế... đã giúp bộ đội ta nâng cao bản lĩnh chính trị, nắm vững và sử dụng thành thạo các loại vũ khí trang bị, nâng cao kỹ thuật, chiến thuật trong các loại hình tác chiến. Trình độ chỉ huy của đội ngũ cán bộ, kỹ thuật chiến đấu cơ bản của bộ đội được nâng cao. Sự trưởng thành nhanh chóng về cả số lượng và chất lượng của bộ đội chủ lực là một trong những nhân tố hết sức quan trọng làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Vận dụng những bài học trong Chiến thắng Điện Biên Phủ để xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, Trung tướng, PGS, TS Đỗ Viết Toản; Đại tá Lê Hưởng, cán bộ Viện Chiến lược quốc phòng; Đại tá Trần Đức Sinh, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Điện Biên; Đại tá Đỗ Trung Dũng, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 312, Quân đoàn 12; Đại tá Trịnh Ca, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 304, Quân khu 2… đều cho rằng: Vận dụng linh hoạt những bài học kinh nghiệm, hình thức chiến thuật trong tác chiến vào điều kiện mới, bảo đảm đánh thắng địch trong mọi tình huống, trong điều kiện chiến tranh công nghệ cao, bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Trước hết phải tập trung xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, bảo đảm cho quân đội thực sự là lực lượng chính trị trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân; cán bộ, chiến sĩ có ý chí quyết tâm cao, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì Tổ quốc.

Tập trung nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, nhất là nâng cao khả năng cơ động, sự phối hợp hiệp đồng tác chiến quân, binh chủng; nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của từng đơn vị; trong đó có Quân đoàn 12-Quân đoàn chủ lực đầu tiên được tổ chức lại theo hướng “tinh, gọn, mạnh”, tiến lên hiện đại. Quy mô tổ chức lực lượng quân đoàn lớn hơn, chức năng, nhiệm vụ bổ sung nhiều hơn, được trang bị nhiều loại vũ khí, phương tiện hiện đại. Với thế bố trí mới, Quân đoàn 12 đảm nhận nhiệm vụ mở các chiến dịch có quy mô vừa và đánh bại mọi hình thái đặc trưng mới của địch trong tương lai, đồng thời thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ theo yêu cầu của Bộ Quốc phòng.

 Các đại biểu tại tọa đàm.

Các đại biểu tại tọa đàm.

Bên cạnh đó, các tham luận tại tọa đàm cũng đã tập trung làm rõ những bài học kinh nghiệm trên các mặt công tác Đảng, công tác chính trị, công tác bảo đảm hậu cần, kỹ thuật, kinh nghiệm của các đại đoàn chủ lực, tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng, phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương, kinh nghiệm phát huy sức mạnh của thế trận chiến tranh nhân dân, của hậu phương với tiền tuyến và tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế… Đó là những nhân tố tổng hợp tạo nên sức mạnh của toàn dân tộc bảo đảm cho thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nói chung; để lại những bài học sâu sắc cho các đơn vị vận dụng, phát huy để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong tình hình mới.

Phát biểu kết luận tọa đàm, Thiếu tướng Nguyễn Đức Hưng khẳng định: Tất cả các bài tham luận gửi đến tọa đàm và phát biểu trực tiếp đều được chuẩn bị kỹ lưỡng, nội dung sâu sắc, đi sâu nghiên cứu, phân tích làm rõ từng vấn đề cụ thể trong hệ đề tài của cuộc tọa đàm đã xác định. Thông qua tọa đàm nhằm tiếp tục khẳng định sự đúng đắn và tất thắng của đường lối chiến tranh nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Là dịp ôn lại truyền thống và xây dựng niềm tin, ý chí quyết tâm, nêu cao trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Đồng thời, tọa đàm cũng cung cấp những luận cứ khoa học phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng trong xây dựng, nâng cao sức mạnh chiến đấu của Quân đội, xây dựng Quân đội theo hướng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới.

Tin, ảnh: SƠN BÌNH - DUY ĐÔNG - TRỌNG HẢI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/nghe-thuat-quan-su-trong-chien-dich-dien-bien-phu-bai-hoc-thuc-tien-trong-huan-luyen-chien-dau-hien-nay-771291