Nghệ thuật trình diễn dân gian 'Múa đèn chạy chữ' ở Thanh Hóa được công nhận di sản quốc gia

Nghệ thuật trình diễn 'Múa đèn chạy chữ' có sự kết hợp giữa hát chèo chải cổ cùng các động tác múa, để tạo nên tổ khúc múa đèn độc đáo.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có Quyết định số 482/QĐ-BVHTTDL, công nhận Nghệ thuật trình diễn dân gian Múa đèn chạy chữ, hát chèo chải cổ ở xã Thiệu Quang, Thanh Hóa là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Trò Múa đèn chạy chữ gắn liền với lễ hội Ngư võng phường của làng Nhân Cao (còn gọi là làng Ngói) ở xã Thiệu Quang, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Lễ hội được tổ chức từ ngày mùng 8 đến 12 tháng Giêng hằng năm.

 Đội văn nghệ làng Nhân Cao biểu diễn trò Múa đèn chạy chữ. Ảnh: Cổng TTĐT huyện Thiệu Hóa

Đội văn nghệ làng Nhân Cao biểu diễn trò Múa đèn chạy chữ. Ảnh: Cổng TTĐT huyện Thiệu Hóa

 Nét độc đáo, đặc sắc trong điệu múa đèn, chạy chữ chính là sự kết hợp hát chèo chải cùng các động tác múa

Nét độc đáo, đặc sắc trong điệu múa đèn, chạy chữ chính là sự kết hợp hát chèo chải cùng các động tác múa

 Trong trò "Múa đèn chạy chữ" có dàn nhạc đệm với những nhạc cụ như trống, đàn bầu, nhị…

Trong trò "Múa đèn chạy chữ" có dàn nhạc đệm với những nhạc cụ như trống, đàn bầu, nhị…

Vào ngày hội, làng Nhân Cao tổ chức nhiều trò chơi truyền thống, trò diễn dân gian như: Rước thuyền, đánh đu, chọi gà, đánh cờ người, múa lân, hát chèo chải cổ và múa đèn chạy chữ.

Nét độc đáo, đặc sắc trong điệu Múa đèn chạy chữ chính là sự kết hợp của hai hình thức hát chèo chải cổ và múa đèn, trong đó hát chèo chải cổ gồm 4 bài là: Hát giảo chải, hát múa quạt, hát chèo thuyền, hát giáo chân sào.

Khi nhạc bắt đầu nổi lên, 12 cô gái trong đội múa đèn sẽ đội lên đầu một đĩa đèn vừa hát, vừa múa và cuối cùng là xếp các chữ nhất, nhị, tam, tứ, ngũ.

Sau khi biểu diễn các chữ theo hình đã xếp, đến “hát mừng” thì cả đội múa lượn vòng tròn, nằm xuống đất lật người xếp thành bông hoa năm cánh.

Bằng những động tác khéo léo, uyển chuyển, các thiếu nữ di chuyển thành một hàng ngang nhìn lên ban thờ, hai tay nâng đĩa đèn trên đầu xuống lạy tạ rồi rời sân khấu.

Điệu Múa đèn chạy chữ mang ý nghĩa ca ngợi công ơn Đức thánh Cả và Thành hoàng làng cũng như thể hiện ước vọng của nhân dân về một cuộc sống ấm no, bình an, hạnh phúc.

Việc nghệ thuật trình diễn dân gian Múa đèn chạy chữ, hát chèo chải cổ được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia sẽ là động lực để người dân làng Nhân Cao có thêm động lực để gìn giữ, bảo tồn di sản này không bị mai một.

T.Toàn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nghe-thuat-trinh-dien-dan-gian-mua-den-chay-chu-o-thanh-hoa-duoc-cong-nhan-di-san-quoc-gia-post238405.html