Nghệ thuật truyền thống thăng hoa trong không gian phố cổ
Hiện thực hóa ý tưởng xây dựng 'Chương trình nghệ thuật biểu diễn gắn với phố cổ Hà Nội phục vụ khách du lịch' của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các nhà hát nghệ thuật truyền thống đóng trên địa bàn Thủ đô đã tích cực sáng tạo và ra mắt một số tác phẩm đặc sắc để đưa đến với công chúng từ năm 2025.
Trong các buổi biểu diễn thử nghiệm mới đây, nhiều đối tượng khán giả, trong đó có du khách quốc tế và các bạn trẻ, tỏ ra thích thú với những chương trình này.
Trải nghiệm cải lương, tuồng theo cách mới
Vở diễn “Cành khế ngọt” của Nhà hát Cải lương Việt Nam vừa ra mắt đem đến những trải nghiệm mới lạ, độc đáo. Tác phẩm dẫn dắt người xem trở lại những năm đầu thế kỷ XX, khi nhân dân Việt Nam sống trong cảnh “một cổ hai tròng”, dưới hai tầng áp bức. Chỉ đến khi cách mạng nổ ra, người dân mới được giải phóng, tự làm chủ cuộc sống… Vở diễn nhắc lại những ký ức đau buồn của quá khứ để thấy được giá trị đích thực của độc lập, tự chủ, hòa bình và ổn định xã hội hôm nay, từ đó phát huy tinh thần đại đoàn kết, hướng tới kỷ nguyên mới.
Nghệ sĩ nhân dân Triệu Trung Kiên, tác giả và đạo diễn “Cành khế ngọt” cho biết, tác phẩm được dàn dựng với định dạng mới, về mặt nghệ thuật gần với nhạc kịch cải lương đương đại, để khán giả và du khách dễ tiếp cận. Trong vở diễn, cùng với câu chuyện kịch, khán giả được thưởng thức những làn điệu cải lương đặc trưng như vọng cổ, nam ai, nhạc lễ, các bài lý... Bên cạnh đó, còn có những bài dân ca các vùng miền, hò vè truyền thống và một số sáng tác mới của Nghệ sĩ nhân dân Trọng Đài trên chất liệu dân gian…
Khác với những vở diễn thông thường trên sân khấu hộp, điểm đặc biệt của “Cành khế ngọt” là được trình diễn tại Trung tâm Văn hóa nghệ thuật số 22 phố Hàng Buồm (quận Hoàn Kiếm) - một không gian cổ kính giữa lòng phố cổ Hà Nội, nên có nhiều phá cách trong thể hiện. Các hành động kịch triển khai theo hình chữ thập, gắn với không gian kiến trúc của địa chỉ đặc biệt này. Nghệ sĩ trình diễn ở cả 4 phía của khán giả, đưa khán giả trở thành một phần vở diễn, cùng tương tác, làm cho tác phẩm sinh động, lôi cuốn hơn.
Không chỉ khán giả Việt Nam, nhiều khách quốc tế đã tỏ ra vô cùng thích thú khi được thưởng thức nghệ thuật cải lương theo cách đặc biệt này. Anh Lee Sang-rae (người Hàn Quốc) hào hứng theo dõi từng diễn biến của vở diễn chia sẻ: “Dù biết đây là nghệ thuật truyền thống của Việt Nam nhưng khi xem, tôi thấy rất hấp dẫn, hiện đại. Vở diễn có nhiều điều bất ngờ, phần âm nhạc rất hay”.
Cùng dịp này, chương trình “Biểu diễn nghệ thuật gắn với không gian phố cổ” của Nhà hát Tuồng Việt Nam diễn ở Rạp Hồng Hà số 51 phố Đường Thành (quận Hoàn Kiếm) đã thu hút hàng nghìn lượt khán giả đăng ký, trong đó, khoảng 700 khán giả trực tiếp tham gia. Điều bất ngờ là nhiều bạn trẻ đã tìm đến, xếp hàng từ sớm, háo hức trải nghiệm. Chương trình được thiết kế gồm 2 phần. Đầu tiên là hoạt động tương tác tại sảnh, đưa khán giả khám phá, tìm hiểu về lịch sử, giá trị của nghệ thuật tuồng, trang phục, mặt nạ, đạo cụ tuồng… Tiếp đó, khán giả được đắm mình trong những nét độc đáo, tinh hoa của bộ môn nghệ thuật này với các trích đoạn kinh điển “Kim Lân qua đèo”, “Ôn Đình chém Tá”, các bản hòa tấu “Nhạc chiêu ban”, “Chiến ban tẩu mã”…
Bảo tồn truyền thống, thu hút du khách
“Chương trình nghệ thuật biểu diễn gắn với phố cổ Hà Nội phục vụ khách du lịch” là đề án được Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông trực tiếp chỉ đạo các đơn vị nghệ thuật biểu diễn triển khai, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống thông qua các tiết mục nghệ thuật đặc sắc được trình diễn tại các không gian cổ kính. Đây cũng là hoạt động thúc đẩy phát triển công nghiệp biểu diễn, công nghiệp du lịch Thủ đô và đất nước.
Dành tâm huyết để xây dựng và hiện thực hóa ý tưởng này, Nghệ sĩ nhân dân Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, chia sẻ, đây là cơ hội để nhà hát quảng bá những nét hay, nét đẹp của nghệ thuật cải lương Việt Nam - một loại hình nghệ thuật truyền thống mang những đặc trưng của phương pháp tự sự phương Đông, nhưng lại kết hợp tài tình với những giá trị của nghệ thuật sân khấu phương Tây. “Nghệ thuật truyền thống cũng vì thế mà ngày càng gần gũi với khán giả trong nước và quốc tế, đặc biệt là khán giả trẻ, khơi dậy sự yêu thích và hứng thú của công chúng, góp phần bảo tồn, phát huy các bộ môn này trong đời sống hôm nay”, Nghệ sĩ nhân dân Triệu Trung Kiên bày tỏ.
Tham gia biểu diễn trong chương trình “Biểu diễn nghệ thuật gắn với không gian phố cổ” của Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nghệ sĩ ưu tú Hà Thanh nhận định, khán giả, nhất là các bạn trẻ đến với nghệ thuật truyền thống nói chung và nghệ thuật tuồng nói riêng ngày càng đông đảo. Nhiều chương trình của nhà hát như Giới thiệu nghệ thuật tuồng với khán giả trẻ hay Biểu diễn nghệ thuật tuồng tại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận đã giúp khán giả trong nước và quốc tế biết về nghệ thuật tuồng và tỏ ra thích thú. Vì thế, chương trình lần này của nhà hát đưa khán giả trải nghiệm sâu hơn, tương tác nhiều hơn, gắn kết nghệ thuật biểu diễn với du lịch.
Bên cạnh hai đơn vị nghệ thuật này, nhiều nhà hát cũng đang tích cực xây dựng các tác phẩm phù hợp tại không gian phố cổ Hà Nội. Sự hòa quyện, thăng hoa giữa nghệ thuật truyền thống và những công trình kiến trúc đặc sắc của Thủ đô sẽ ngày càng hấp dẫn khán giả và du khách.