Sinh viên thời kháng chiến: Khi đất nước lâm nguy, không ai muốn ngồi nhà
Trong khuôn khổ chương trình Nói chuyện truyền thống 'Ngòi pháo Chín tháng Giêng', diễn ra ngày 6/1 tại Hà Nội, hàng trăm bạn trẻ đã được 'sống' với những cảm xúc hào hùng của thế hệ sinh viên các thời kỳ 'xếp bút nghiên' lên đường đánh đuổi quân xâm lược, không quản ngại hy sinh, gian khổ để bảo vệ Tổ quốc.
Chương trình do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam, Thành đoàn Hà Nội, Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam phối hợp tổ chức.
Những ký ức không thể nào quên
Buổi nói chuyện truyền thống có sự góp mặt của nhiều cựu chiến binh từng là những sinh viên lên đường nhập ngũ năm xưa như: Nhà báo Phùng Huy Thịnh, nguyên trinh sát pháo binh thuộc Sư đoàn 325 bảo vệ Thành cổ Quảng Trị; Đại tá, Tiến sĩ Đặng Đức Quy, Bí thư Chi bộ tổ dân phố 17 (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội), chiến sĩ tham gia phong trào "3 sẵn sàng", xung phong lên đường nhập ngũ tham gia chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị năm 1972; nhạc sĩ Trương Quý Hải, chiến sĩ Sư đoàn 356 tại mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang giai đoạn 1979-1989.
Chia sẻ tại chương trình, nhạc sĩ Trương Quý Hải nhớ lại: "Vào năm 1979, tôi viết đơn tình nguyện đi bộ đội nhưng không được nhận vì mới có khoảng 15 tuổi. Sau đó vài năm, khi đang là sinh viên Đại học Mỏ, tôi lại xung phong đi bộ đội. Lúc đó tôi chỉ thích đi bộ đội thôi, không muốn làm gì khác".
Theo cựu chiến binh Sư đoàn 356, các bạn trẻ ngày nay thuộc thế hệ đặc biệt mà ông được gặp trong đời trong sau 5 thế hệ học sinh, sinh viên: lên đường kháng chiến chống thực dân Pháp giành độc lập - đánh đuổi đế quốc Mỹ thống nhất non sông - bảo vệ chủ quyền đất nước - thời kỳ từ bao cấp sang đổi mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Trong khi đó, lý giải về khát vọng bản thân cũng như những thanh niên, sinh viên thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Đại tá Đặng Đức Quy khẳng định: "Ngày đó, thế hệ trẻ không có tính toán riêng tư, mà chỉ nghĩ đơn giản một điều: ở lại trường học mà không ra trận là có lỗi với Tổ quốc và nhân dân".
Xúc động nhớ lại ký ức về sự hy sinh của 300 đồng đội trong một tiểu đoàn những ngày cùng chiến đấu chống kẻ thù xâm lược, cựu chiến binh thành cổ Quảng Trị nhấn mạnh: mỗi người ngã xuống khi đó đều nhằm một mục đích cao cả là hòa bình, thống nhất đất nước.
"Vì vậy, trong những lúc khó khăn nhất, đối diện với cái chết, chúng tôi vẫn luôn có một niềm tin sẽ sống và sẽ chiến thắng. Khi ở chiến trường, có lần phải vượt sông nhưng tôi không biết bơi. Trong giây phút cận kề cái chết, tôi lại nhớ tới mục đích cao cả khi lên đường nhập ngũ và cuối cùng đã tới được bờ sông bên kia. Tôi lấy đó làm bài học của đời mình, đó là phải luôn có niềm tin, luôn nỗ lực thì mới vượt qua được khó khăn", Đại tá Đặng Đức Quy nói.
Từng công tác tại Thông tấn xã Việt Nam, đồng thời là một trinh sát lão luyện của Sư đoàn 325, nhà báo Phùng Huy Thịnh cũng nhiều lần tưởng phải nằm lại trên chiến trường sau những loạt đạn của quân địch. Ông kể lại: "Chúng tôi, những sinh viên khoa văn của Trường Đại học Tổng hợp cùng hàng trăm thầy, cô giáo, bạn đồng trang lứa từ 33 trường đại học, cao đẳng đã tình nguyện viết thư bằng máu để xin lên đường đánh giặc".
"Khi ấy, chúng tôi coi Tổ quốc là cha mẹ, anh em, bạn bè, đồng đội, người che chở cho mình. Vậy nên từng chết hụt tới hàng chục lần nhưng tôi vẫn không sợ. Đã là thanh niên thì phải "máu", phải "chiến", nhà báo Phùng Huy Thịnh nêu rõ.
Thế hệ trẻ hãy luôn sẵn sàng
Những chia sẻ quý báu của các nhân chứng lịch sử, đại diện thế hệ sinh viên năm xưa đã khiến các bạn trẻ có mặt tại chương trình vô cùng cảm phục. Ngay sau buổi nói chuyện truyền thống, nhiều học sinh đã vây lấy 3 cựu chiến binh để làm quen, thăm hỏi và xin chụp ảnh lưu niệm.
Phát biểu ý kiến tại chương trình, đồng chí Nguyễn Đức Nguyên, Phó Trưởng Ban Thanh niên Trường học Trung ương Đoàn, Ủy viên Ban Thư ký Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam cho biết: ngày 9/1/1950, Đoàn Thanh niên cứu quốc và Đoàn Học sinh Sài Gòn-Chợ Lớn đã vận động, tổ chức cho hơn 2 nghìn học sinh, sinh viên, giáo viên cùng 7 nghìn người dân Sài Gòn-Chợ Lớn biểu tình đòi bảo đảm an ninh cho học sinh, sinh viên học tập và trả tự do cho những học sinh, sinh viên bị bắt và mở lại trường học.
Đoàn biểu tình sau đó đã bị đàn áp dã man, nhưng tinh thần chiến đấu hy sinh oanh liệt của anh Trần Văn Ơn làm dấy lên trong học sinh, sinh viên, nhân dân lòng căm thù giặc, ý chí đấu tranh kiên quyết chống thực dân Pháp xâm lược và bè lũ tay sai.
Noi gương anh Trần Văn Ơn và học sinh, sinh viên những ngày đầu kháng chiến, Đại hội đại biểu toàn quốc Liên đoàn Thanh niên Việt Nam lần thứ nhất, diễn ra tháng 2/1950 tại Việt Bắc đã quyết định lấy ngày 9/1 hằng năm làm Ngày truyền thống học sinh-sinh viên.
Hướng đến các bạn trẻ có mặt tại chương trình, đồng chí Nguyễn Đức Nguyên gợi mở: trong thời bình, lực lượng học sinh, sinh viên vẫn có thể nêu cao tinh thần sẵn sàng của cha anh năm xưa. Đó là sẵn sàng cho những mục tiêu lớn lao của cuộc sống, sẵn sàng tiếp bước các thế hệ đi trước trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cống hiến hết mình trong học tập, rèn luyện và đặc biệt là trong những hành động, phần việc đổi mới sáng tạo.