Nghệ thuật truyền thống trong thời đại mới: Khó và rất khó

Những buổi diễn dù ở nơi trung tâm đô thị hay các vùng quê đông kín khán giả, người ta nói với nhau tối nay có đoàn về diễn đấy, nhớ ăn cơm sớm để còn đi xem; người nghệ sĩ được người dân yêu mến nhớ mặt, biết tên... Ngày ấy, trong khó khăn chung của xã hội, người nghệ sĩ vẫn có thể vui vẻ sống trọn vẹn - sống khỏe với nghề. Còn các đoàn nghệ thuật, cũng không phải chật vật tìm kiếm nguồn thu... Và ngày ấy - thời kỳ được gọi là 'hoàng kim' của nghệ thuật truyền thống cách đây cũng không quá xa xôi, khi nó vẫn là ký ức đẹp của những nghệ sĩ đã có tuổi.

Nghệ thuật truyền thống những năm qua đang đối mặt với nhiều khó khăn.

Nghệ thuật truyền thống là cách gọi chỉ các loại hình sân khấu tuồng, chèo, cải lương... Việc thành lập Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa trên cơ sở sáp nhập 3 đoàn nghệ thuật: Tuồng, Chèo, Cải lương là bước ngoặt được kỳ vọng sẽ tạo ra thay đổi, giúp nghệ thuật truyền thống gỡ khó. Vậy nhưng cho đến nay, nói theo cách của người đứng đầu nhà hát thì “khó và rất khó”.

“Thầy già, con hát trẻ” vốn là đặc thù của nghệ thuật truyền thống nói chung. Còn với Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa hiện nay lại là câu chuyện “tre già” nhưng “măng chưa mọc” và nỗi lo chỉ mươi năm nữa sẽ “đứt” nguồn. Là bởi, từ năm 2015 trở về trước, cứ 3 năm các đoàn nghệ thuật lại có một khóa tuyển nguồn để đào tạo thế hệ kế cận hệ trung cấp tại Khoa Sân khấu, Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa. Nhưng từ năm 2016 đến nay, quy định thay đổi, việc đào tạo nghệ sĩ trẻ cho nghệ thuật truyền thống được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch “đặt hàng” phối hợp với các đơn vị nghệ thuật và cơ sở giáo dục. Điều này cũng được kỳ vọng tạo nền tảng về đào tạo chuyên nghiệp - chuyên sâu cho nghệ sĩ trẻ. “Trong chương trình đào tạo “đặt hàng”, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống có 15 em theo học. Tuy nhiên, sau khi ra trường, định biên của nhà hát không tăng, hợp đồng cũng không được ký; chưa kể, nếu có được ký hợp đồng thì nhà hát cũng không đủ “sức” để chi trả lương cho các em. Vì vậy, dù không muốn nhưng đến thời điểm hiện tại, chúng tôi buộc phải chấp nhận để các em rời nhà hát, đồng nghĩa với việc chấp nhận “mất” đi thế hệ kế cận đầy nhiệt huyết và tài năng. Nếu cứ tình hình này, chỉ chưa đầy mươi năm nữa là hoàn toàn không còn nguồn”, NSND Hàn Hải, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa lo lắng.

Là đơn vị sự nghiệp có thu, vậy nhưng khi được hỏi về việc biểu diễn bán vé liệu có thể thực hiện được không? Người đứng đầu Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa nhìn nhận: “Vấn đề biểu diễn bán vé trong thời gian này và cả sắp tới là không hề khả quan. Đừng nói là biểu diễn bán vé, dù là miễn phí nhưng chỉ cần “kéo” được khán giả đến xem cũng đã là thành công. Chưa kể, ngoài những thế hệ nghệ sĩ đã sống và đang gắn bó, dành tâm huyết cho nghệ thuật truyền thống hiện nay thì ở nhiều khía cạnh khác chúng tôi đều “thiếu và yếu”. Để tổ chức biểu diễn chuyên nghiệp, chí ít cần có một sân khấu đúng nghĩa; rồi thì trang phục, đạo cụ cũng phải có kinh phí để bổ sung; đến một chiếc xe chuyên chở nghệ sĩ đi biểu diễn lưu động cũng sắp đến hạn hết lưu hành... Nói ra lại bảo sao cứ kêu khó. Nhưng thực sự là rất khó. Người nghệ sĩ nghệ thuật truyền thống dù tâm huyết, yêu nghề đến đâu thì sau ánh đèn màu lấp lánh vẫn phải đối diện với cơm, áo, gạo tiền và cả gánh nặng mưu sinh”.

Đã qua rồi thời kỳ người dân “đói” các loại hình giải trí văn hóa tinh thần. Phải khẳng định, người dân hiện nay có quá nhiều sự lựa chọn giải trí nhanh và hấp dẫn. Trong đó, đặc biệt với các bạn trẻ, các loại hình sân khấu nghệ thuật truyền thống trở nên xa lạ. Tạm chưa nói đến vấn đề đúng - sai do đâu, nhưng nhìn nhận ở góc độ khán giả thì vẫn phải thành thật mà nói, đó là một sự “thất bại” của nghệ thuật truyền thống. Bởi lẽ, sẽ không thể có nghệ thuật tồn tại độc lập mà không có khán giả.

Nói như NSND Trương Hải Thọ, nguyên Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát Nghệ thuật truyền thống: “Ngoài bài toán tìm nguồn nghệ sĩ trẻ kế cận thì nghệ thuật truyền thống còn phải làm thế nào để “đào tạo” được thế hệ khán giả kế cận. Nói “đào tạo khán giả” nghe có vẻ vô lý nhưng thực sự cần thiết. Vì sao sân khấu nghệ thuật truyền thống thời kỳ trước phát triển rực rỡ như thế? Là vì chúng ta có khán giả yêu mến, ủng hộ. Nhưng đến nay, thế hệ khán giả ấy cũng đã “già” theo thời gian. Bạn trẻ hôm nay sở dĩ không thích nghệ thuật truyền thống, ngoài nguyên do từ việc du nhập của các loại hình văn hóa hiện đại trên thế giới thì căn cơ chính là việc bạn trẻ xa lạ với nghệ thuật truyền thống. Xa lạ từ trong gia đình đến trường học và ra cả ngoài xã hội. Khi người ta xa lạ thì làm sao có thể hiểu, có thể yêu. Vậy nên, việc đưa nghệ thuật truyền thống vào học đường là điều cần thiết”.

Về vấn đề đưa nghệ thuật truyền thống vào học đường, NSND Hàn Hải nói rõ hơn: “Nhà hát sẽ phối hợp với các trường phổ thông (THCS và THPT) giảng dạy cho các em về nghệ thuật truyền thống, giúp các em tập hát, tập diễn, dàn dựng những tiết mục sân khấu hóa... từ đó khơi dậy trong bạn trẻ niềm yêu thích với giá trị văn hóa cha ông. Thông qua việc đưa nghệ thuật truyền thống vào trong học đường không chỉ khơi dậy tình yêu với nghệ thuật truyền thống - đào tạo nguồn khán giả trẻ, mà còn có thể kịp thời phát hiện những “hạt nhân” tài năng. Không phải đến nay việc đưa nghệ thuật truyền thống vào học đường mới được nhắc đến, thực tế những năm trước đã được thực hiện khá hiệu quả. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí hỗ trợ cho chúng tôi không thường xuyên, cộng với đó còn cần cả sự hưởng ứng, phối hợp của các nhà trường”.

Câu chuyện không để bạn trẻ xa lạ với nghệ thuật truyền thống không chỉ đúng với các loại hình sân khấu chuyên nghiệp. Nó có lẽ đúng với cả nghệ thuật truyền thống dân gian. Tôi lại nhớ đến câu chuyện một gia đình nghệ nhân dân ca dân vũ Đông Anh, nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Cốc ở xã Đông Khê (Đông Sơn) là một trong những người có công lớn trong khôi phục Ngũ trò Viên Khê. Từ tình yêu và sự say mê của mẹ, cả 7 người con của cụ đều biết hát, diễn trò. Rồi đến các con dâu, rể và các cháu trong gia đình cũng tự tin biểu diễn Ngũ trò Viên Khê. Chị Lê Thị Cảnh - một trong những gương mặt điển hình của dân ca dân vũ Đông Anh, cũng là con dâu nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Cốc, từng chia sẻ: Do bố mẹ chồng trước đây từng làm “con trò” nên trong những sinh hoạt gia đình lúc nông nhàn, tôi được bố mẹ chồng trực tiếp truyền dạy từng làn điệu, câu hát, điệu bộ, điệu múa. Còn chồng thì được dạy kéo nhị, đánh trống, gõ phách, rồi chúng tôi lại dạy cho các con, các cháu... Bởi đam mê nên càng học càng say, càng hát càng hay.

Những khó khăn đang phải đối mặt của nghệ thuật truyền thống chuyên nghiệp và nghiệp dư không phải câu chuyện ngày một, ngày hai. Cũng không phải chỉ riêng ở Thanh Hóa, đó là thực trạng chung trong cả nước. Vì thế, gỡ khó cho nghệ thuật truyền thống cũng sẽ cần đến thời gian, cần đến những sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của Nhà nước và ngành chuyên môn. Bởi đến khi, người nghệ sĩ - nghệ nhân không còn đủ sức “đắm đuối” với nghề, với giá trị văn hóa truyền thống của cha ông và thực sự xảy ra câu chuyện “đứt gãy” những thế hệ kế cận... mọi chuyện sẽ đáng buồn hơn.

Bài và ảnh: Thu Trang

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/van-hoa/nghe-thuat-truyen-thong-trong-thoi-dai-moi-kho-va-rat-kho/24560.htm