Nghề thuyền thúng ở Phước Hải giúp ngư dân kiếm tiền triệu mỗi ngày
Thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu những năm gần đây, tàu xa bờ đánh bắt thua lỗ, nhiều chủ bán phương tiện khiến lực lượng đi biển thất nghiệp, phải tìm công việc mới. Trong đó nhiều ngư dân đã đầu tư làm nghề thuyền thúng, vừa tiếp tục gắn bó với biển khơi, vừa có thu nhập ổn định cho gia đình.
Thu nhập ổn định
Anh Nguyễn Hữu Đức, khu phố 2, ấp Hải An, thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chia sẻ, anh làm lao động (bạn thuyền) trên tàu đánh bắt xa bờ hơn 20 năm, nhưng gần 10 năm nay do thu nhập bấp bênh nên anh quyết định chuyển hướng. Cách đây 7 năm, anh Đức đầu tư gần 80 triệu đồng mua thuyền thúng máy và tay lưới để đánh bắt gần bờ.
Cứ mỗi buổi sớm, khoảng 1-2 giờ sáng anh Đức đưa thúng ra khơi, đến tầm 8-9 giờ là vào bờ, mang theo nhiều loại hải sản đánh bắt được như: cá, tôm thẻ, mực…
Theo anh Đức, nghề thuyền thúng cho thu nhập khá ổn định, hôm nào trúng thì kiếm được từ 1 - 1,2 triệu đồng, còn ngày biển động, còn những khi có gió mạnh thì thấp hơn, chỉ từ 400.000 - 500.000 đồng. Bình quân mỗi tháng, anh Đức kiếm được hơn 10 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
“Đi biển trên tàu xa bờ 20 năm, làm mướn, ăn chia với chủ nhưng khổ cực lắm nên chuyển qua thuyền thúng. Đánh bắt gần bờ, ngày nào cũng đi. Nghề thuyền thúng mới đầu chưa quen, được những người lớn tuổi, có kinh nghiệm hướng dẫn. Ngày nào có thu nhập cao thì mình tích lũy cho những ngày không đánh bắt được nhiều, cũng kiếm sống được, khá ổn định” - anh Đức nói.
Ở khu phố Hải Trung, thị trấn Phước Hải trước đây có 80% ngư dân sống bằng nghề đánh bắt xa bờ, khi đó du lịch và dịch vụ chưa phát triển. Những năm gần đây, ngư trường cạn kiệt, giá xăng, dầu tăng, chi phí cho chuyến biển cũng "đội" lên theo, nhiều chủ tàu không cầm cự được đã bán phương tiện, những lao động đi biển cũng lên bờ làm nghề khác.
Bà Nguyễn Thị Kim Lê, Trưởng khu phố Hải Trung, thị trấn Phước Hải cho biết, cả khu phố có 749 hộ thì đa phần thu nhập chủ yếu từ đi biển, hiện nay nhiều hộ đã chuyển sang làm dịch vụ, buôn bán hải sản và quán ăn.
“Hiện nay khu phố chỉ còn 60% hộ dân làm nghề đi biển, cũng có một số ngư dân chuyển đổi nghề. Nhiều ngư dân có nhà mặt đường thì mở quán ăn, buôn bán nhỏ, kinh doanh hải sản” - bà Lê chia sẻ.
Đổi nghề để không lệ thuộc
Lãnh đạo UBND thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ cho biết, 3 năm trước, địa phương có chưa đến 40 chiếc thúng máy, đò nan đánh bắt gần bờ, nhưng vài năm trở lại đây số lượng phương tiện này đã tăng lên gần 480 chiếc.
Theo ông Mai Châu Khánh, Bí thư Đảng ủy thị trấn Phước Hải, hiện số phương tiện hành nghề đánh bắt xa bờ ở đây có trên 460 chiếc, giảm còn 30 chiếc so với cách đây 2 năm. Nguyên nhân khiến nhiều ngư dân phải bán tàu, giải nghệ là do đánh bắt không hiệu quả, giá cả đầu vào tăng cao trong khi giá sản phẩm không tăng. Những người bỏ nghề đi biển phần lớn đã chuyển sang kinh doanh dịch vụ, buôn bán hải sản.
Đối với lao động đi biển bị mất việc, Đảng ủy thị trấn chỉ đạo chính quyền địa phương, các Hội, Tổ chức chính trị, xã hội hỗ trợ cho vay vốn giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo… để tiếp tục bám trụ với nghề đánh bắt gần bờ, tự chủ trong cuộc sống.
Ông Khánh cho biết thêm: “Ngày xưa thúng máy, đò nan ở địa phương rất ít, chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Nay thì thúng máy tăng lên, giảm số tàu đánh bắt xa bờ do không hiệu quả nên chuyển ngành nghề khác. Trong số này có một số bạn ghe (lao động đi biển) được vay vốn đầu tư mua thúng đánh bắt gần bờ. Nghề thúng máy không lệ thuộc vào chủ tàu mà tự làm chủ”.
Theo chính quyền địa phương, số lượng thuyền thúng, đò nan ở thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ đang vẫn gia tăng từng ngày, các loại hải sản thu hoạch được cũng phong phú hơn. Nhiều dịch vụ, quán ăn hải sản tại khu vực bờ kè Phước Hải đã hình thành, thu hút lượng lớn khách du lịch trong và ngoài tỉnh đến thưởng thức, mang lại thu nhập ngày càng ổn định cho người dân.