Nghề tô điểm cho heo đất tại Lái Thiêu

A.I

(SGTT) – Làng nghề heo đất tại phường Lái Thiêu, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương ra đời cách đây hơn 50 năm. Mặc dù hiện nay, nhiều sản phẩm sử dụng nguyên liệu mới ra đời, nhưng heo đất Lái Thiêu vẫn được nhiều người ưa chuộng.

Người dân Lái Thiêu nhập heo đã được nung sẵn từ Tân Uyên và trang trí theo phong cách riêng của mình. Ảnh: Gia Nghi

Người dân Lái Thiêu nhập heo đã được nung sẵn từ Tân Uyên và trang trí theo phong cách riêng của mình. Ảnh: Gia Nghi

Thời gian trước, các hộ làm heo đất tại đây sẽ thực hiện công đoạn từ làm heo đất thô, đến tô màu, trang trí. Trong thời gian gần đây, vì vấn đề môi trường nên những lò làm heo đất ở Lái Thiêu được di chuyển tới khu vực xa dân cư.

Để có được một con heo đất thành phẩm người thợ phải trải qua nhiều công đoạn từ đánh đất, đổ khuôn đến nung trong lò nhiều giờ. Ảnh: Gia Nghi

Để có được một con heo đất thành phẩm người thợ phải trải qua nhiều công đoạn từ đánh đất, đổ khuôn đến nung trong lò nhiều giờ. Ảnh: Gia Nghi

Từ đó, một số hộ đã nhập heo đất thô từ các xưởng ở thành phố Tân Uyên, tỉnh Bình Dương để về gia công, sơn, trang trí và bán cho thương lái. Vì vậy, một sản phẩm heo đất không còn sản xuất theo dây chuyền khép kín, mà sẽ được chia nhỏ công đoạn theo từng vùng, từng hộ.

Người dân Lái Thiêu tô điểm cho heo đất. Ảnh: Gia Nghi

Người dân Lái Thiêu tô điểm cho heo đất. Ảnh: Gia Nghi

Ông Nguyễn Văn Chánh, một chủ hộ tại làng heo đất Lái Thiêu, chia sẻ “Nghề làm heo đất ở nhà tôi là cha truyền con nối. Lúc nhỏ tôi theo ba học nghề, giờ tới lượt con tôi theo tôi học”.

Ông cho hay làm nghề này mỗi ngày đều làm việc trong không khí nhiều bụi mịn từ đất sét và từ mùi sơn, có thể ảnh hưởng đến hệ hô hấp và sức khỏe của người làm. Làng nghề từng có đến 200 hộ làm heo đất, hiện nay chỉ ngót nghét dưới 20 hộ còn duy trì.

Nghệ nhân tỉ mỉ tô điểm cho heo đất. Ảnh: Gia Nghi

Nghệ nhân tỉ mỉ tô điểm cho heo đất. Ảnh: Gia Nghi

Theo ông Chánh, hiện nay, các công đoạn làm heo đất tại Lái Thiêu đơn giản hơn trước vì lược bớt phần đúc heo. Trung bình một tháng, nhà ông Chánh xuất ra thị trường khoảng 40.000-60.000 sản phẩm, với lợi nhuận sau khi trừ hết các chi phí tầm 2.000-4.000 đồng/con.

Hiện nay, các công đoạn làm heo đất đơn giản hơn trước vì lược bớt phần đúc heo. Ảnh: Gia Nghi

Hiện nay, các công đoạn làm heo đất đơn giản hơn trước vì lược bớt phần đúc heo. Ảnh: Gia Nghi

Bà Lê Thị Thu Sương, chủ cơ sở heo đất Thu Sương ở Lái Thiêu, cho biết cả gia đình bà cùng làm và kinh doanh heo đất. Giá bán của một sản phẩm heo đất sẽ tùy thuộc vào kích cỡ, kiểu dáng; riêng loại heo vàng được nhiều khách ưa chuộng nhất nên có giá cao hơn những loại khác. Loại heo đất nhỏ có giá từ 5.000-10.000 đồng/con, còn loại lớn khoảng 30.000-50.000 đồng/con.

Ảnh: Gia Nghi

Ảnh: Gia Nghi

Những năm gần đây, để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, các sản phẩm tại làng nghề không chỉ có heo đất truyền thống mà còn có nhiều loại hình, mẫu mã, nhờ đó các sản phẩm làm từ đất sét có thể cạnh tranh với các mặt hàng làm bằng nhựa.

Các sản phẩm tại làng nghề không chỉ có heo đất truyền thống mà còn có nhiều loại hình, mẫu mã, Ảnh: Gia Nghi

Các sản phẩm tại làng nghề không chỉ có heo đất truyền thống mà còn có nhiều loại hình, mẫu mã, Ảnh: Gia Nghi

Các sản phẩm từ làng nghề heo đất của phường Lái Thiêu được tiêu thụ trong địa bàn tỉnh, tại các tỉnh Đông Nam Bộ, miền Tây hoặc xuất khẩu sang các nước láng giềng như Lào, Campuchia. Làng nghề có thể bán được nhiều sản phẩm nhất vào các dịp khai giảng năm học mới (tháng 9 hàng năm) hoặc dịp Tết Nguyên đán.

Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://www.sgtiepthi.vn/nghe-to-diem-cho-heo-dat-tai-lai-thieu/