Nghề trồng cây cảnh - nền tảng phát triển kinh tế - xã hội ở xã Hợp Lý

Trong cái se lạnh cuối năm, trên các cánh đồng của xã Hợp Lý (Triệu Sơn) nhộn nhịp không khí lao động. Tiếng nói cười của bà con cùng âm thanh của máy móc, dụng cụ cắt tỉa cành cây như xua đi sự khắc nghiệt của thời tiết. Được phát triển từ hàng chục năm qua, trồng hoa, cây cảnh nơi đây đã, đang trở thành nghề chính của Nhân dân địa phương.

Người dân xã Hợp Lý (Triệu Sơn) chăm sóc quất cảnh chờ xuất bán dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu.

Trước đây, cây cảnh chủ yếu được Nhân dân địa phương trồng trong vườn nhà, trên các triền đồi cao. Tuy nhiên, khoảng chục năm nay, do nhu cầu thị trường ngày càng lớn, nghề trồng hoa, cây cảnh ở xã Hợp Lý đã phát triển ra các cánh đồng. Ông Hà Xuân Tâm, Chủ tịch UBND xã Hợp Lý, cho biết: Những năm qua, xã đã có chủ trương chuyển đổi 100 ha đất nông nghiệp trồng lúa và các cây màu kém năng suất thành vùng chuyên canh hoa và các loại cây cảnh như đào, quất. Ngoài ra, còn một diện tích lớn được Nhân dân phát triển tại vườn. Giá trị kinh tế của trồng hoa và cây cảnh cao hơn nhiều so với trồng lúa ở địa phương, bởi theo nhiều nông dân địa phương, chỉ cần bán 2 cây quất dịp giáp Tết Nguyên đán đã có lợi nhuận bằng trồng cả sào lúa trong một năm. Nhiều hộ gia đình còn phát triển hàng trăm cây cảnh, bonsai, các loại cây bóng mát để cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh.

Thống kê từ UBND xã Hợp Lý, hiện trong xã có khoảng 800 hộ gia đình phát triển nghề trồng hoa và cây cảnh, hầu như gia đình nào cũng có người tham gia nghề truyền thống này. Tổng thu nhập từ nghề chủ lực này của xã đạt khoảng 150 tỷ đồng mỗi năm, có gia đình doanh thu từ hàng chục đến cả trăm triệu đồng mỗi năm. Những ngày cận kề Tết Nguyên đán hàng năm chính là khoảng thời gian tất bật nhất của người trồng cây cảnh địa phương. Những cành đào, cây quất của địa phương theo những tuyến xe, được đưa đi khắp các vùng quê, ngõ phố trong và ngoài tỉnh.

Tại thôn Tiến Thành của xã, 28 ha đất nông nghiệp gần như đều được dành cho trồng các loại hoa và cây cảnh. Trên vườn nhà, nhiều gia đình còn đăng ký triển khai vườn mẫu theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới để đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để trồng cây. Nhiều vườn mẫu còn có thu nhập từ 100 đến 400 triệu đồng mỗi năm. 227 hộ gia đình với 930 nhân khẩu của thôn đều ít nhiều phụ thuộc vào nghề truyền thống này.

Tuy ở xa trung tâm huyện với vị trí không mấy thuận lợi để phát triển các hoạt động thương mại - dịch vụ khác, nhưng xã Hợp Lý đã biết tận dụng lợi thế đất đai để khơi dậy tiềm năng, trở thành vùng trồng cây cảnh được coi là lớn nhất tỉnh Thanh Hóa hiện nay. Từ đó, đời sống kinh tế người dân địa phương ngày càng được nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 của xã đã đạt gần 48 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của xã đã giảm xuống dưới 1% tổng số hộ. Đời sống kinh tế được nâng cao, chính là điều kiện để Nhân dân địa phương đóng góp, chung tay góp sức phát triển hệ thống hạ tầng địa phương. Qua thống kê của xã, từ năm 2021 đến nay, các tầng lớp Nhân dân địa phương đã đóng góp gần 237 tỷ đồng cho phát triển kinh tế - xã hội chung của xã, trong đó hơn 21,3 tỷ đồng cho xây dựng các công trình hạ tầng công cộng, tự bỏ hơn 215,5 tỷ đồng để xây dựng nhà cửa, công trình phụ khang trang và giá trị hiến đất mở rộng đường giao thông.

Hiện nay, cả 6 thôn trong xã đều được bê tông hóa các tuyến đường thôn, ngõ xóm. Hơn 11 km đường liên thôn và 1,7 km đường liên xã qua địa bàn cũng được nhựa hóa và bê tông hóa khang trang. Gần như 100% chiều dài kênh mương thủy lợi của xã cũng được kiên cố, đáp ứng tưới cho toàn bộ diện tích đất sản xuất nông nghiệp địa phương. Các trường học, cơ sở vật chất văn hóa, thể thao cấp xã và cấp thôn đều được xây dựng khang trang...

Linh Trường

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/nghe-trong-cay-canh-nen-tang-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-o-xa-hop-ly/129379.htm