Nghề trồng đào ở Vũ LễTin khácDoanh nghiệp Lạng Sơn: Xây dựng, phát triển văn hóa doanh nghiệpĐổi mới giáo dục từ ứng dụng công nghệ thông tin

Lạng Sơn được mệnh danh là 'Xứ hoa đào'. Nhiều năm qua, cây hoa đào còn được người dân trên địa bàn tỉnh trồng để phát triển kinh tế. Với nét đẹp đặc trưng riêng của hoa đào và đặc biệt là đào cảnh trồng tại địa bàn xã Vũ Lễ, huyện Bắc Sơn đã và đang là một trong những địa điểm uy tín mà du khách gần xa tới lựa chọn đào trang trí mỗi dịp tết đến, xuân về.

Xã Vũ Lễ hiện có 145 hộ trồng đào với diện tích trên 19 ha. Trong đó, các hộ dân trồng cả đào tự nhiên và đào cảnh, tập trung ở hai thôn: Quang Thái, Minh Tiến. Là người tiên phong nhân rộng đào tự nhiên và “đưa” đào cảnh về trồng để phát triển kinh tế tại xã, ông Hoàng Văn Bình, thôn Quang Thái cho biết: Năm 2001, tôi đã bắt đầu tìm hiểu và đưa giống đào Nhật Tân, Hà Nội về ghép phôi với đào truyền thống của Bắc Sơn để tạo nên những gốc đào cảnh đầu tiên, đồng thời tiến hành nhân rộng giống đào tự nhiên Bắc Sơn. Hiện nay, tôi trồng và chăm sóc khoảng 2.000 cây đào tự nhiên và 500 cây đào cảnh. Những năm qua, đào cảnh ở vườn của tôi được bán với giá từ 500 nghìn đồng đến 18 triệu đồng/cây, đào tự nhiên từ 200 đến 600 nghìn đồng/cây, mang lại cho gia đình tôi thu nhập trên 300 triệu đồng mỗi năm.

Người dân xã Vũ Lễ cắt tỉa tạo thế cho cây đào cảnh

Người dân xã Vũ Lễ cắt tỉa tạo thế cho cây đào cảnh

Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ việc trồng đào, nhiều gia đình trên địa bàn xã đã chủ động tìm hiểu, kết nối và phát triển diện tích trồng đào. Để định hướng cho người dân, bên cạnh việc khuyến khích nhân rộng đào tự nhiên, cấp ủy, chính quyền xã đặc biệt quan tâm đến việc nhân rộng, phát triển đào cảnh theo xu thế hiện nay. Tuy nhiên, việc trồng và chăm sóc đào cảnh đòi hỏi kỹ thuật cao trong tỉa cành, tạo tán, phòng trừ sâu bệnh… Do đó, 15 chủ vườn chuyên trồng đào thế trên địa bàn xã đã chủ động học hỏi kinh nghiệm các chủ vườn đào ở các huyện: Bình Gia, Cao Lộc và tại các vườn đào cảnh ở thành phố Hà Nội, qua các kênh thông tin. Các hộ trồng đào chủ động trao đổi nâng cao kiến thức, kỹ năng trồng và chăm sóc đào cảnh. Hiện, các giống đào được trồng trên địa bàn xã bao gồm: đào bích, đào phai, đào đơn, đào đá, đào bạch, đào thất thốn và đào phai kép.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Vũ Lễ cho biết: Để phát triển mô hình trồng đào tại địa phương, cấp ủy, chính quyền xã đã tuyên truyền cho người dân về giá trị kinh tế của cây đào, ban hành văn bản vận động các hộ trồng đào trên diện tích đất còn trống. Đặc biệt, đầu xuân năm 2019 và 2020, xã đã triển khai đến tất cả các thôn ra quân trồng cây đào đầu năm để mở rộng diện tích trồng đào. Đồng thời, hướng dẫn người dân thành lập hợp tác xã (HTX). Năm 2019, HTX Toàn Phát được thành lập và hiện có 12 thành viên, trong đó tất cả các thành viên đều đã và đang trồng đào.

Để quảng bá vẻ đẹp của hoa đào tại địa phương, cấp ủy, chính quyền xã quan tâm hướng dẫn chủ các vườn đào tham gia các lễ hội hoa đào trên địa bàn. Năm 2019, hoa đào xã Vũ Lễ đạt giải nhất trong Hội thi Hoa đào huyện Bắc Sơn. Trong cuộc thi Vườn cây hoa đào đẹp Xứ Lạng tại Lễ hội hoa đào Xứ Lạng lần thứ III, Xuân Canh Tý năm 2020 do UBND tỉnh tổ chức, vườn đào của ông Hoàng Văn Bình (thôn Quang Thái) đã đạt giải “Vườn cây hoa đào có nhiều dáng thế đẹp”.

Sự nỗ lực của người dân cùng sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, hoa đào Vũ Lễ ngày càng được nhiều người biết đến. Với nét đẹp riêng, cùng vị trí địa lý thuận lợi tiếp giáp với tỉnh Thái Nguyên, Vũ Lễ có nhiều thuận tiện trong tiêu thụ đào mỗi dịp tết đến, xuân về. Hằng năm, cứ đến khoảng tháng Chạp, các tiểu thương, cá nhân ở các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên… lại tìm đến địa chỉ vườn đào tại xã Vũ Lễ để lựa chọn được cây đào như ý.

Ông Nguyễn Ngọc Thiều, Chủ tịch UBND huyện Bắc Sơn cho biết: Xã Vũ Lễ là một trong những đơn vị tiêu biểu của huyện trong phát triển mô hình trồng đào, đặc biệt là đào cảnh. Các hộ trồng đào ở đây có sự đầu tư, chăm sóc theo kỹ thuật, do đó hoa đào có bông to, cánh dày, dáng thế đẹp, chất lượng tốt. Nhận thấy nghề trồng đào là hướng đi đúng đắn phù hợp với địa phương, đem lại hiệu quả kinh tế cao, những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện đã quan tâm chỉ đạo phát triển hình thành vùng sản xuất tập trung, vận động Nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng có giá trị thấp sang các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao như cây đào. Tại một số xã khác như: Long Đống, Vũ Sơn, Chiến Thắng…, nhiều hộ dân đã mạnh dạn trồng cây đào với tổng diện tích trồng đào trên địa bàn huyện đến nay đạt khoảng 100 ha, qua đó mang lại thu nhập đáng kể cho người dân.

Những năm qua, xã Vũ Lễ đã trở thành một trong những “địa chỉ” tin cậy, uy tín của du khách, thương lái và người dân trong và ngoài tỉnh khi lựa chọn hoa đào ngày tết. Qua đó, cây hoa không chỉ đem lại thu nhập ổn định cho người dân (ước tính 1 ha đào cho thu hoạch trung bình 266,7 triệu đồng/năm) mà còn góp phần quảng bá vẻ đẹp của hoa đào Xứ Lạng, nhất là hoa đào xã Vũ Lễ tới các địa phương trên cả nước.

HOÀNG NHƯ

TRANG NINH - THANH PHONG

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/kinh-te/454529-nghe-trong-dao-o-vu-le.html