Nghề truyền thống trước cánh cửa hội nhập

Duy trì qua nhiều thế hệ, các nghề, làng nghề truyền thống trong tỉnh đã gắn với lịch sử hàng trăm năm phát triển của mỗi địa phương, mỗi vùng miền. Bởi vậy, trong bối cảnh hội nhập, việc gìn giữ, phát triển các nghề truyền thống không chỉ góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc gìn giữ những giá trị văn hóa.

Sản phẩm gốm nghệ thuật của gia đình anh Nguyễn Hồng Quang, thị trấn Hương Canh(Bình Xuyên) được tiêu thụ mạnh vào dịp cuối năm. Ảnh Thế Hùng

Sản phẩm gốm nghệ thuật của gia đình anh Nguyễn Hồng Quang, thị trấn Hương Canh(Bình Xuyên) được tiêu thụ mạnh vào dịp cuối năm. Ảnh Thế Hùng

Với 16 doanh nghiệp, gần 250 xưởng mộc, nghề mộc truyền thống ở thị trấn Thanh Lãng (Bình Xuyên) đang giải quyết việc làm cho hơn 2.600 lao động địa phương và nhiều lao động ngoài thị trấn.

Trải qua hàng trăm năm phát triển, nghề mộc đã góp phần đem đến cho người dân Thanh Lãng một cuộc sống ấm no đủ đầy. Năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid -19, song thu nhập từ ngành nghề của thị trấn (chủ yếu là nghề mộc) vẫn đạt 359 tỷ đồng, tăng 2,3 tỷ đồng so với năm 2020.

Không chỉ nghề mộc ở thị trấn Thanh Lãng, trên địa bàn tỉnh hiện có 20 làng nghề truyền thống. Đặc biệt, trong năm 2021 này, tỉnh ta có thêm 8 nghề được công nhận danh hiệu “nghề truyền thống”.

Cùng với việc kế thừa kinh nghiệm từ bao thế hệ ông, cha để lại, trong những năm gần đây, nhiều tiến bộ KHKT đã được các làng nghề truyền thống áp dụng rộng rãi nhằm nâng cao năng suất lao động, chất lượng hàng hóa như việc lắp đặt hệ thống máy đục vi tính, máy cắt, tiện vi tính ở các làng nghề mộc; sử dụng lò đốt gas thay cho lò đốt củi ở làng gốm Hương Canh, ….

Đặc biệt, việc cải tiến sản phẩm, thay đổi mẫu mã cũng được những người làm nghề quan tâm chú trọng để bắt kịp với thị hiếu khách hàng.

Với sự nhanh nhạy trong nắm bắt công nghệ, chủ động thay đổi thích ứng, các nghề, làng nghề truyền thống trong tỉnh đã có bước phát triển tích cực, đã và đang góp phần quan trọng trong giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống người dân khu vực nông thôn.

Đặc biệt tại nhiều địa phương, nghề truyền thống còn được xem là mũi nhọn trong phát triển kinh tế, đóng góp tỉ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của địa phương như nghề mộc ở Lý Nhân, An Tường (Vĩnh Tường), Thanh Lãng, (Bình Xuyên), thị trấn Yên Lạc (Yên Lạc); nghề nuôi và chế biến các sản phẩm từ rắn ở Vĩnh Sơn (Vĩnh Tường), Bạch Lưu (Sông Lô); nghề làm bún, bánh cuốn ở thôn Hòa Loan xã Lũng Hòa (Vĩnh Tường)…

Đã và đang có những đóng góp tích cực cho phát triển KT- XH ở nhiều địa phương, song các nghề, làng nghề truyền thống trong tỉnh hiện nay phát triển chưa tương xứng với tiềm năng vốn có.

Theo đánh giá của Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh: Quy mô sản xuất của các hộ làm nghề còn nhỏ, hoạt động sản xuất chưa có định hướng rõ ràng, chưa có doanh nghiệp (DN) lớn làm hạt nhân bao tiêu sản phẩm, thúc đẩy liên kết, là đầu tàu cho làng nghề phát triển.

Việc sử dụng máy móc, thiết bị với công nghệ đã cũ, lạc hậu khiến chất lượng sản phẩm còn chưa cao, chưa đặc sắc, tiêu hao nhiều nguyên, nhiên vật liệu và ảnh hưởng đến môi trường sống.

Sản phẩm nghề, làng nghề truyền thống phần lớn chưa có nhãn hiệu hàng hóa, chưa đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, sức cạnh tranh yếu, còn ít sản phẩm là sản phẩm OCOP.

Cùng với đó là những khó khăn liên quan đến vấn đề đầu ra cho sản phẩm, mặt bằng SXKD; việc tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, ô nhiễm môi trường làng nghề…

Nỗi lo thiếu hụt lao động trẻ cũng là vấn đề mà các làng có nghề và làng nghề truyền thống đang phải đối mặt. Đơn cử, tại xã Văn Quán (Lập Thạch) nơi có 2 làng nghề mây tre đan đã được công nhận, trong những năm qua, lượng lao động làm nghề đã sụt giảm mạnh từ 300 lao động (năm 2015 -2016) xuống còn 100 lao động hiện nay. Nguy cơ mai một làng nghề dần hiện hữu.

Để bảo tồn và phát huy giá trị nghề, làng nghề truyền thống đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập với áp lực cạnh tranh ngày càng tăng, ngành NN&PTNT đang tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề truyền thống giai đoạn 2022- 2025.

Trong đó tập trung vào công tác hỗ trợ triển khai ứng dụng KHCN tiên tiến, công nghệ mới trong sản xuất ở các làng nghề; hỗ trợ xây dựng trên trang thông tin điện tử giới thiệu sản phẩm, bán hàng trực tuyến; xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý xuất xứ hàng hóa...

Cùng với đó là việc tiếp tục triển khai có hiệu quả đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại các sản phẩm nghề, làng; gắn bảo tồn và phát triển làng nghề với chương trình phát triển du lịch; xây dựng và hình thành các tuyến, điểm du lịch làng nghề; xây dựng các điểm trình diễn sản phẩm, giới thiệu và bán sản phẩm làng nghề.

Đồng thời nghiên cứu bảo tồn các di tích lịch sử gắn hoặc có liên quan như đền thờ tổ nghề, các lễ hội truyền thống,... để tạo điểm đến cho khách du lịch thăm quan, thực hành và trải nghiệm hoạt động làm nghề truyền thống của địa phương.

Nguyễn Hường

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/71655/nghe-truyen-thong-truoc-canh-cua-hoi-nhap.html