Nghề 'vác mùa đông' trên vai
Hình ảnh những lao động mặc áo mưa vác từng cây đá lạnh nặng vài chục cân... từ bờ đê xuống thuyền, người ướt nhẹm, run lên từng hồi vì nước đá ngấm vào người, khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Thế nhưng, đối với họ, đây không chỉ là công việc mưu sinh mà còn là nghề để gắn bó.
Nhiều phụ nữ chọn cho mình áo mưa bằng bao mặc cho bền, “độc” hơn nữa thì lấy bọc ni-lông may thành áo mưa để tiết kiệm.
Mồ hôi hóa... nước biển trên môi
Nằm ở phía Đông Bắc của huyện Hậu Lộc, xã Ngư Lộc giống như một “thành phố” thu nhỏ với những ngôi nhà nằm sát bên nhau, từ cao tầng đến nhà bằng, nhà mới có, nhà cũ cũng có.... nhưng có đến mới thấu hiểu được biết bao nhiêu cảnh đời đang oằn mình mưu sinh dưới cái nắng, gió gay gắt của vùng biển mặn. Về Ngư Lộc vào khoảng 9-10h sáng đến gần tối, bãi biển nhộn nhịp với công tác chuẩn bị cho những chuyến tàu vươn khơi. Khi mặt trời lên cao, cũng là lúc công việc gấp gáp hơn cả. Góp thêm cho không khí cấp tập ấy là hình ảnh những người đàn ông, đàn bà gồng mình vác trên vai từng khối đá nặng gần bằng trọng lượng cơ thể cứ bước đi. Họ bảo đó là nghề - cái nghề đã nuôi sống gia đình họ bao đời nay, dẫu biết rằng nó nặng nhọc, vất vả vô kể.
Nghề vác đá xuất hiện từ bao giờ chẳng ai còn nhớ, chỉ biết rằng, khi tàu về, họ khiêng cá về kho đông lạnh, tàu đi, họ khiêng thực phẩm, đồ dùng, đá xuống tàu. Cũng khó thống kê được có bao nhiêu người làm nghề vác đá khắp 6 xã ven biển Hậu Lộc, nhưng ở họ đều có chung một điểm là chịu khó, cần mẫn, lặng lẽ ngày ngày vác cái lạnh trên vai. Mỗi viên đá nặng khoảng 30 - 45 kg, nếu để trần thì chẳng ai có thể mang vác được nên phải bọc trong bao tải để tăng ma sát lên. Cả mùa hè lẫn mùa đông, những người làm nghề vác đá đều phải trang bị cho mình mũ và áo mưa chống thấm để nước lạnh không thấm vào người. Thậm chí, nhiều người còn chọn cho mình áo mưa bằng bao tải mặc cho bền, “độc” hơn nữa thì lấy bọc ni-lông may thành áo mưa để tiết kiệm. “Khổ nhất là vào mùa đông, có hôm gió biển thốc vào người cộng với cái lạnh của nước đá khiến ai nấy đều run cầm cập. Còn mùa hè mặc dù nước đá ngấm vào nhưng ai nấy đều toát hết mồ hôi. Mồ hôi hòa vào nước đá cũng mát lạnh như nước biển trên môi” – anh Mai Văn Quang, 41 tuổi, xã Hải Lộc, thành thật chia sẻ.
Vừa bốc xong gần 200 cây đá cho một thuyền chuẩn bị vươn khơi, nhóm phu đá ngồi túm tụm trên một lán nhỏ nghỉ ngơi. Họ tranh thủ kiểm tra lại thành quả sau những giờ lao động vất vả của mình. Nhìn hình ảnh những đôi tay chai sần đang mân mê những đồng tiền từ mồ hôi, nước mắt mới cảm nhận được phần nào nỗi khó khăn, vất vả của những con người nơi miền quê biển này... Theo anh Quang, các tàu cá ra khơi - vào lộng không theo giờ nhất định nào, mà phụ thuộc vào con nước lên xuống. Bất kể khi nào tàu đến, tàu đi là họ lại vội vã ra biển. Thông thường, vào mùa này, mỗi tàu cần 1 – 1,5 tấn đá để ướp hải sản cho chuyến đánh bắt từ 6 – 7 ngày. Mỗi cây đá vận chuyển từ đê xuống thuyền được trả 5 ngàn đồng, một ngày thu nhập của mỗi người khoảng 200 – 300 ngàn đồng, có nghĩa một ngày họ phải vác trên vai 40 – 60 cây đá. Để tránh trơn trượt, tất cả những người làm nghề vác đá đều phải đi giầy hoặc dép nhựa, do suốt ngày ngâm nước biển mặn nên bàn chân nhiều người bị bọng nước, lở loét...
Nghề vác đá vốn đòi hỏi sức khỏe, nhưng phần lớn trong số những người làm nghề này đã ở cái tuổi ngoài tứ tuần. Họ không có nhiều nghề để lựa chọn khi mà ở vùng quê đất chật người đông này, hầu hết người dân không một mét đất ruộng, chủ yếu sống dựa vào nghề biển. Nghề vác đá tưởng đơn giản chỉ cần sức khỏe, nhưng theo những phu đá ở đây, nếu không có kinh nghiệm sẽ dễ bị thương vì đá rơi trúng chân hay dễ vấp phải những vỏ sò, vỏ hến... Môi trường và tính chất công việc vẫn được họ gọi chung là “bán sức khỏe, mua bệnh tật”.
5 năm bén duyên với cái nghề lạnh lẽo này, cũng là ngần ấy thời gian đôi tay của anh Quang luôn thô ráp vì lạnh, mỗi khi trái gió trở trời xương khớp nhức mỏi, đầu đau như búa bổ. Khó là vậy, nhưng anh chẳng bao giờ than vãn, bởi nghề này đã nuôi sống cả gia đình mà so với làm muối thì thu nhập khá hơn, cũng đỡ hơn cái nghề “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. “Bị thương mãi rồi cũng quen, rách thịt xong lại lành. Mệt thì nghỉ một buổi, chứ không dám nghỉ dài. Một ngày nghỉ là mất hàng trăm ngàn, tiền ăn uống, sinh hoạt, ngày sau làm bù mệt hơn” - anh Quang cười xòa.
Dù là nghề cực nhọc và bèo bọt nhưng không phải lúc nào cũng có việc để làm. Có những hôm tàu vào làm không hết việc, nhưng cũng có ngày, các phu đá ngậm ngùi đi về tay không. Đó là chưa kể khi trời trở mùa, mưa bão triền miên ở nhà cả tháng là chuyện bình thường. “Ngày thuyền đi đông, một mình tôi vác hơn 100 cây đá. Hơi lạnh phả ra khiến đầu óc lú lẫn, lúc nhớ lúc quên. Tuy nhiên thời gian gần đây, biển cạn luồng, tàu bè ít vươn khơi. Vì thế, những người làm nghề như chúng tôi cũng “đói” việc làm. Ấy vậy mới nói, làm cái nghề này được vất vả là còn... may”, ông Liêu, 54 tuổi, xã Hải Lộc, tâm sự.
Cũng theo ông Liêu, vì cái nghề bấp bênh nên nhiều người buộc phải tìm thêm nghề phụ để kiếm cái ăn hằng ngày, như: Phụ hồ, đi “bãi” (cách gọi của người dân địa phương về việc khai thác thủy sản ở rừng ngập mặn)...
Bốc đá xuống tàu, gánh lo toan trĩu nặng
Trong đội vác đá tại cửa biển, ngoài lực lượng là đàn ông, thanh niên, có nhiều phụ nữ ở tuổi trung niên. Họ đều khoảng tầm trên dưới 40 tuổi. Có người chồng, con đều đang ra khơi, bám biển, họ ở nhà lo toan mọi việc lớn nhỏ trong nhà, nhưng cũng không ít người là góa phụ, một mình tần tảo vác đá mưu sinh. “Chồng theo thuyền ra khơi đánh bắt, tôi vác đá, đội cá, kiếm tiền nuôi ba đứa con ăn học. Biết là cực lắm nhưng không làm thì lấy gì mà ăn? Thời gian đầu đi làm về, chân tay nhức mỏi, đầu cứ ong ong, mệt không nuốt nổi cơm nhưng vì cuộc sống, vì miếng cơm manh áo nên phải gắn bó” – chị Đoàn Thị Nhung, 34 tuổi, xã Hưng Lộc, bộc bạch.
Mới ngoài 30, nhưng nhìn chị Nhung khắc khổ như đã ngoài 50 tuổi. Cái nắng, cái gió của vùng biển cộng với những lo toan vất vả khiến chị già hơn tuổi rất nhiều. Chị kể, chồng chị đi biển vài tuần, có khi hằng tháng mới trở về. Nhà chỉ còn chị cùng ba con và mẹ già đã ngoài 70 tuổi. Chị bảo, anh đi đánh cá bữa được bữa không. May mắn thuận lợi thì có nhiều cá mang về, chủ tàu cho được nhiều tiền hơn. Nhưng có những khi bão gió, tay trắng trở về, bảo toàn được tính mạng là may mắn lắm rồi nói gì đến có tiền, có cá. Cuộc sống gia đình khó khăn, nếu không đi làm thuê, chị cũng chẳng biết lấy gì mà sinh sống. Hỏi chị sao không ở nhà kiếm việc gì nhẹ nhàng để làm thì chị bảo, đàn bà vùng biển chỉ biết bóc tôm, bóc ghẹ, chạy chợ... chỉ từng ấy việc thôi đâu đủ tiền để nuôi con. Vác đá nặng nhọc nhưng còn có tiền cho con ăn học. Chị muốn nuôi ba đứa nhỏ học hành tới nơi tới chốn, để sau này chúng có công ăn việc làm không phải khổ sở như bố mẹ nó.
Nhưng chị Nhung vẫn còn may mắn hơn nhiều người đàn bà ở làng biển này, bởi vất vả, nhọc nhằn nhưng chị vẫn còn niềm hạnh phúc ngày đêm mong ngóng chồng đi biển trở về. Nhiều góa phụ, chồng chết ngoài biển khơi, một mình phải tần tảo làm thuê nuôi con ăn học. Vọng xa xa, một chị nói lớn: “Dù vất vả nhưng quả thực ở nhà chạy chợ hay làm các công việc khác cũng chẳng mấy ăn thua, gánh nặng cơm áo buộc chúng tôi phải làm nghề bất đắc dĩ này thôi. Mà làm nhiều thành quen, vác đá đến nổi cả “chuột”, thế nhưng khi nhận tiền thù lao thì đầu óc lại sáng lên. Tối về nằm ngủ đứa nào cũng kêu người mẹ hôi quá, toàn mùi cá. Tôi đáp, ờ không có mùi cá thì chúng mày có tiền mà ăn, học không. Thế là chúng lại dúi đầu vào người mẹ nịnh nọt” - nghe chị nói xong thì các chị em đều cười ồ lên như xóa đi sự mệt nhọc.
Nghề vác đá khó khăn, vất vả, không lời nào kể xiết nhưng chẳng ai bỏ cuộc bởi với họ, đó là nguồn sống, là hy vọng vào tương lai với những đứa con được ăn học đàng hoàng. Trên hết, nó là một nghề chân chính, được xã hội công nhận.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/nghe-vac-mua-dong-tren-vai/109779.htm