Nghề xe dây đay 'hồi sinh'

Trong bối cảnh người tiêu dùng được khuyên hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, nghề xe dây đay được ví như trở lại 'hồi xuân' bởi chất liệu này phù hợp cho môi trường, được sử dụng rộng rãi cho nhiều sản phẩm khác nhau.

Công nhân làm việc tại Công ty TNHH MTV Đay Long An

Công nhân làm việc tại Công ty TNHH MTV Đay Long An

“Hồi sinh”

Khu vực Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An trước đây có rất nhiều gia đình gắn bó với nghề trồng đay, xe dây đay. Nhưng nhiều năm qua, nghề trồng đay cũng như xe đay trở nên “bấp bênh” do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc giá bán thấp khiến không còn nhiều nông dân gắn bó với nghề trồng đay. Thế nhưng, ở Tân Thạnh, vẫn có một doanh nghiệp tư nhân không bỏ nghề và đeo đuổi đến cùng. Đó là Công ty (Cty) TNHH MTV Đay Long An (ấp Hải Hưng, xã Nhơn Hòa), người “cầm dây cương” là bà Nguyễn Thị Son.

Bà Nguyễn Thị Son cho biết, bà bén duyên với nghề xe đay rất lâu và không nỡ rời xa nghề nên quyết giữ nghề. Sau bao nhiêu năm vất vả, tìm kiếm thị trường để ổn định sản xuất, đến nay, nghề xe dây đay “hồi sinh”. Theo bà Son, hiện nay, người tiêu dùng được khuyên hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần để bảo vệ môi trường sống nên dây đay được sử dụng khá nhiều, bởi đây là chất liệu tự nhiên, dễ phân hủy, thân thiện môi trường. Hiện dây đay do Cty bà sản xuất cung cấp phần lớn cho máy cuốn rơm bó rơm. Ngoài ra, dây đay còn được dùng làm dây thừng dành cho các trò chơi dân gian như kéo co, phục vụ ngành thủ công mỹ nghệ, trang trí hàng tiêu dùng, bó rau sạch,...

Hỗ trợ thúc đẩy sản xuất

Bà Son chia sẻ thêm, do trước đây dây đay ít được sử dụng nên nông dân bỏ nghề. Hiện nay, nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất của Cty chủ yếu nhập khẩu. Do vậy, Cty đang phục tráng lại việc trồng đay để phục vụ sản xuất và diện tích phục tráng chỉ mới được 12ha. Tuy nghề xe đay đang “hồi sinh” nhưng Cty gặp không ít khó khăn, trong đó có cả nguồn vốn để cải tiến trang thiết bị phục vụ sản xuất. Mới đây, Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp phối hợp Cty xây dựng đề án hỗ trợ ứng dụng máy đánh dây tao từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương. Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương - Dương Văn Hoàng Hoanh, việc hỗ trợ này giúp Cty đầu tư trang thiết bị sản xuất mới, nâng cao năng suất. Qua đó, thúc đẩy các loại sợi nguồn gốc tự nhiên phát triển trở lại trên thị trường và chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn.

Theo đó, đề án được xây dựng với kinh phí 365 triệu đồng, trong đó nguồn kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ 148 triệu đồng, phần còn lại là vốn đối ứng từ doanh nghiệp. Từ nguồn kinh phí này, Cty trang bị mới máy đánh dây tao, công suất khoảng 10 mét dây/giờ/công lao động. Với máy mới, năng suất tăng lên 12% so với máy cũ, chất lượng dây đồng đều, xếp lớp tự động, cuộn đay thành phẩm lớn, sắc nét hơn. Về thị trường tiêu thụ dây đay, bà Son cho biết, từ khi đưa vào sử dụng máy đánh dây tao mới, năng suất cao, sản phẩm cung cấp cho thị trường ngày một nhiều hơn. Nếu như trước đây, bình quân mỗi tháng, Cty xuất bán ra thị trường 10 tấn thì hiện nay đã tăng lên 20 tấn. Từ đó, Cty có thể đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong và ngoài nước, chất lượng đồng đều, tăng tính cạnh tranh.

Ngoài tăng năng suất sản xuất, Cty còn giải quyết việc làm cho 15 lao động tại địa phương với mức thu nhập ổn định. Chị Nguyễn Thị Thu Hà, phụ trách đứng máy bội 6 ly của Cty, cho biết, công nhân làm việc 8 giờ/ngày, được hỗ trợ cơm trưa. Bình quân mỗi tháng, công nhân có thu nhập hơn 5 triệu đồng, riêng những lúc tăng ca thì có thu nhập thêm./.

Mai Hương

Nguồn Long An: http://baolongan.vn/nghe-xe-day-day-hoi-sinh--a100019.html