Nghẹn lòng nhắc nhớ bản tráng ca hào hùng ở Thành cổ Quảng Trị
Cuộc chiến đấu anh dũng trong 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị (từ ngày 28/6 đến 16/9/1972) đã đi vào lịch sử, như bản tráng ca hào hùng của quân và dân Quảng Trị nói riêng và cả nước nói chung.
Thành cổ Quảng Trị - nấm mồ chung của hàng nghìn chiến sỹ giải phóng quân và người dân Quảng Trị
Tượng đài Thành cổ sừng sững với khát vọng độc lập, thống nhấtđất nước
Chiến tranh đã đi qua hơn nửa thế kỷ, được sống trong hòa bình hôm nay, mỗi người đến với Thành cổ Quảng Trị đều muốn dâng một nén hương trên đài tưởng niệm để tưởng nhớ, tri ân và cầu mong cho linh hồn các Anh hùng liệt sỹ đang yên nghỉ ở mảnh đất này sẽ được siêu thoát ở cõi vĩnh hằng.
Cuộc chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị kéo dài 81 ngày đêm, gắn với dòng sông Thạch Hãn đầy bi tráng đã đi vào lịch sử như bản hùng ca bất tử. Những người lính Thành Cổ, đa số tuổi đời còn rất trẻ, đã lấy gan vàng chọi với sắt thép để tạc nên một tượng đài sừng sững với khát vọng độc lập, thống nhất về lương tri và phẩm giá con người trước vận mệnh đất nước.
Ngày 16/9 - ngày kết thúc 81 ngày đêm chiến đấu giữ Thành cổ Quảng Trị được Ban quản lý khu di tích chọn làm ngày giỗ chung cho các liệt sỹ đã chiến đấu anh dũng, hy sinh và mãi nằm lại trên mảnh đất của Thành cổ Quảng Trị.
Thị xã Quảng Trị trong 81 ngày đêm từ 28/6 đến 16/9 được ví như một túi bom. Trung bình mỗi ngày địch huy động 150 - 170 lần máy bay phản lực, 70 - 90 lần chiếc B52 để ném bom hủy diệt thị xã và Thành Cổ Quảng Trị. Với diện tích chưa đầy 3 cây số vuông, trong 81 ngày đêm, thị xã và Thành Cổ Quảng Trị phải gánh chịu 328.000 tấn bom đạn, trung bình mỗi chiến sĩ của ta phải gánh chịu 100 tấn bom, 200 quả đạn pháo.
Cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ và thị xã Quảng Trị đã góp phần tạo nên bước ngoặt lịch sử làm thay đổi cục diện chiến tranh, buộc đế quốc Mỹ phải nối lại đàm phán và đi đến ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, công nhận nền độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; góp phần tạo tiền đề để quân và dân ta mở Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975, thực hiện trọn vẹn di nguyện thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu cho Bắc-Nam sum họp một nhà, Tổ quốc Việt Nam thống nhất.
Các anh hy sinh, nhưng hài cốt của các anh không còn nguyên vẹn, bởi máu và xương thịt của các anh đã hòa vào lòng đất. Với tất cả nghĩa trang liệt sỹ khác, mỗi liệt sỹ đều có một nấm mồ riêng, nhưng đến với Thành cổ Quảng Trị, lại được ví như nghĩa trang không có nấm mồ, chỉ có đài tưởng niệm được vô hình hóa là một nấm mồ chung cho hàng nghìn chiến sỹ và đồng bào cả nước mãi mãi yên nghỉ ở mảnh đất này.
Đến bây giờ, mỗi lần nhắc đến Thành cổ Quảng Trị, những ai đã sống và chiến đấu trên mảnh đất này đều khắc khoải, tưởng nhớ, tự hào về một quá khứ hào hùng nhưng cũng đầy mất mát và hy sinh. Để giữ một màu cỏ non Thành cổ, người cựu chiến binh từng nhắn với tất cả những ai về dâng hương ở Thành cổ Quảng Trị rằng: "Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi; Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ; Trời cũng tự trong xanh và lộng gió; Dẫuồn ào đừng lay mạnh hàng cây; Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi; Thành cổ rộng sao đồng đội tôi nằm chật; Mỗi tấc đất là một cuộc đời có thật; Cho hôm nay tôi đến nghẹn ngào" (Trích bài thơ "Tấc đất thành cổ" của Phạm Đình Lân).
Rơi nước mắt với những câu chuyện mẹ và vợ liệt sỹ thời hậu chiến
Chiến tranh đã đi qua hơn nửa thế kỷ, nhưng cho đến bây giờ vẫn chưa có thống kê chính xác có bao nhiêu liệt sỹ đã mãi yên nghỉ ở mảnh đất Thành cổ này. Nhưng có một điều mà mọi người ai cũng biết, các anh, các chị ra đi khi tóc còn xanh, họ nằm xuống khi đang mang trong mình nhiều hoài bão, ước mơ và khát vọng là muốn được sống trong hòa bình, độc lập và tự do. Trong số đó, có biết bao người đã anh dũng chiến đấu, rồi nằm lại mảnh đất này, không một nắm hương, không một nấm mồ, không một dòng địa chỉ, không còn có ngày trở về với quê hương, gia đình, người thân.
Để cho đến tận bây giờ, vẫn có những bà mẹ già, những người vợ ngày đêm vẫn ngóng tin con, chờ chồng…
Bao nhiêu người về với Thành cổ Quảng Trị đều rơi lệ vì cảm động trước những tình cảm mà người lính dành cho gia đình, khâm phục tinh thần quả cảm, bất khuất và kinh ngạc trước sự linh thiêng của linh hồn liệt sĩ.
Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ Quốc vào chiến trường Quảng Trị, tiêu biểu có Liệt sỹ Lê Văn Huỳnh. Anh Lê Văn Huỳnh lúc ấy đang là sinh viên năm thứ 4, khoa Cầu đường, Trường Đại học xây dựng Hà Nội. Vợ của anh Lê Văn Huỳnh là chị Đặng Thị Xơ.
Khi vào đến Quảng Trị, nhận thấy sự khốc liệt của chiến tranh, linh cảm trước vận mệnh của mình, anh đã viết một bức thư gửi về cho gia đình. Thư viết: "Quảng Trị, ngày 11 tháng 9 năm 1972. Toàn gia đình kính mến! Con ngồi đây biên vài dòng chữ cuối cùng trước khi đã "đi nghiên cứu bí mật trong lòng đất" thì gia đình khỏi thấy đó là điều đột ngột... Mẹ kính mến! Lớn lên trong tay mẹ từ khi còn trứng nước, chưa đền đáp được công ơn to lớn đó của mẹ thì đứa con út của mẹ đã phải đi thăm bố con rồi. Thư này tới tay mẹ chắc mẹ buồn lắm. Lòng mang nặng đẻ đau, giọt máu đào hơn ao nước lã, lá vàng còn ở trên cây lá xanh rụng xuống trời ơi hỡi trời.... "Mẹ kính mến! Con đi mẹ ở lại trăm tuổi bạc đầu, coi như con lúc nào cũng nằm bên mẹ, mẹ đừng buồn cho linh hồn con được thoải mái bay đi... Thôi mẹ nhé đừng buồn, coi như con đã sống trọn đời cho Tổ quốc".
Trong những dòng di thư, bên cạnh những dòng thư viết vội gửi đến người mẹ già yếu, anh cũng dành tình cảm cho người vợ mới cưới, cho người thân với những gửi gắm, dặn dò tha thiết. Tình nghĩa vợ chồng thủy chung, son sắt luôn hằn sâu trong tâm thức. Anh nhập ngũ vào chiến trường Quảng Trị khi vừa làm đám cưới với chị Đặng Thị Xơ chỉ 6 ngày.
Thư viết: "Emthương, anh biết, em sẽ không đọc nổi lá thư này, bởi biết bao nỗi buồn đã đè nặng lên người con gái trẻ tuổi như em. Nhưng em ơi, hãy bình tĩnh lại và làm theo lời anh căn dặn. Ngày anh đi xa là ngày anh đề ngoài phong bì mà anh nhờ các bạn anh gửi về. Em sẽ đọc bức thư này cho mọi người trong gia đình nghe trong buổi lễ truy điệu anh. Cho anh gửi lời chúc sức khỏe đến tất cả những người quen thân thuộc trên quê hương trong buổi lễ truy điệu lịch sử này... Thôi nhé em đừng buồn, khi được sống trong hòa bình hãy nhớ tới anh. Nếu thương anh thực sự thì khi hòa bình có điều kiện vào Nam lấy hài cốt anh về. Đường đi như sau: Đi tàu vào thị xã Quảng Trị, qua sông Thạch Hãn là nơi anh đã hy sinh khi đưa hàng qua sông. Từ thị xã ngược qua cầu hỏi thăm về Nhan Biều 1, sẽ thấy tấm bia ghi dòng chữ tên anh đục trên mảng tôn...".
Ngày ấy, anh Lê Văn Huỳnh đã hy sinh khi đang làm nhiệm vụ đưa hàng qua sông cùng với 2 đồng đội. Mãi đến năm 2002, gia đình anh mới tìm được hài cốt của anh, về an táng tại Nghĩa trang liệt sỹ quê nhà, ở huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình.
Chị Đặng Thị Xơ hiện vẫn sống ở quê nhà, bức thư được chị giao lại cho Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị.
Đến với Thành cổ Quảng Trị, mảnh đất mà hơn 50 năm về trước, đầy khói lửa và đạn bom, thì hôm nay thay vào đó là những công trình mới, màu xanh cây lá đầy sức sống mới đã trở lại, mảnh đất thép kiên cường đang ngày càng nở hoa rực rỡ.
Dòng sông Thạch Hãn, cách Thành cổ khoảng 500 mét, trong cuộc chiến 81 ngày đêm của mùa hè năm 1972, có hàng nghìn chiến sỹ giải phóng quân của chúng ta đã mãi yên nghỉ ở dòng sông Thạch Hãn. Chính vì lẽ đó, cứ vào những dịp 30/4, 27/7, 22/12 và các ngày rằm, với đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc, tại Quảng Trị sẽ tổ chức lễ hội thả đèn hoa đăng trên dòng sông Thạch Hãn, để sưởi ấm linh hồn các liệt sỹ.
Người cựu chiến binh Lê Bá Dương sau ngày hòa bình trở về thăm chiến trường Quảng Trị đã chở đầy một thuyền hoa huệ trắng thả xuống sông Thạch Hãn viếng đồng đội, ông đã viết những câu thơ yêu thương ứa nước mắt, mà nhiều người mỗi lần đến Quảng Trị lại nhắc nhớ nhau: "Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ; Đáy sông còn đó bạn tôi nằm; Có tuổi hai mươi thành sóng nước; Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm...".