Nghẹn ngào chuyện những người mẹ đánh đổi mạng sống để sinh con

Đang mang trong mình sinh linh bé nhỏ, nhiều bà mẹ ở Tây Nguyên nhận thêm hung tin mắc bệnh hiểm nghèo. Sốc, suy sụp tinh thần, đau đớn về thể xác... nhưng sau tất cả, họ mỉm cười chấp nhận đánh đổi mạng sống của mình cho con được hiện hữu trên đời.

Câu chuyện về một bé sơ sinh vừa chào đời đã bị gia đình chối bỏ, vứt vào thùng rác, trên người còn nguyên dây rốn tại phường Tân Lợi (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) mới xảy ra gần đây khiến nhiều người chạnh lòng, xót xa. Tuy nhiên đó chỉ là số ít, bởi ngay từ khi sinh ra, tự trong tâm hồn của mỗi người phụ nữ đã tồn tại một bản năng mãnh liệt vô cùng, đó chính là bản năng làm mẹ. Dù họ là ai, có rơi vào hoàn cảnh như thế nào, thậm chí sẵn sàng đánh đổi mạng sống, dành cả cuộc đời để che chở, bảo vệ những đứa con bé bỏng của mình...

Kết quả của mối tình không trọn

Về bon Xa Ú, xã Quảng Khê, huyện Đắk G’long, tỉnh Đắk Nông vào một ngày mưa, chúng tôi được nghe câu chuyện thương cảm về chị H’Thủy (SN 1994, dân tộc M’nông) mắc bệnh ung thư trực tràng nhưng từ chối điều trị, dồn hết sức lực cuối cùng để nuôi dưỡng sinh linh bé nhỏ đang nằm trong bụng.

H’ Thủy là con thứ 2 trong một gia đình nghèo có 5 anh em. Dù gia cảnh khó khăn, gia đình vẫn cố gắng cho chị theo đuổi con chữ để mong có cuộc sống tươi đẹp hơn. Năm 2018, khi đang là sinh viên năm cuối ngành Luật (trường Đại học Đà Lạt) chị đã phải lòng và có thai với một người đàn ông hơn mình một tuổi. Thế nhưng mối quan hệ này không được nhà người yêu ưng thuận, chị đành gạt nước mắt chấp nhận làm mẹ đơn thân.

 Chị H’Thủy bên con những ngày cuối đời. Ảnh gia đình cung cấp

Chị H’Thủy bên con những ngày cuối đời. Ảnh gia đình cung cấp

Song đời thật oai trái, lúc mang thai cũng là thời điểm H’ Thủy phát hiện sức khỏe của mình có vấn đề. Đón xe xuống TP Hồ Chí Minh khám, chị nhận được hung tin mình bị ung thư trực tràng. Tin này chẳng khác nào “án tử’ dập tắt mọi hy vọng tương lai của cô gái mới bước vào đời.

Đau đớn, ngã quỵ, tuyệt vọng là thế nhưng rồi bản năng làm mẹ trỗi dậy giúp chị suy nghĩ lạc quan, đối diện sự thật và coi đó như số phận đã an bài. Chị từ chối mọi điều trị, gắng gượng hết sức có thể để nuôi dưỡng sinh linh bé nhỏ đang từng ngày lớn lên…

Mang bầu được 8 tháng, bệnh tình trở nặng, H’Thủy bắt buộc phải nhập viện để sinh mổ. Cửa sinh là cửa tử, chị chỉ còn cách nguyện cầu cho con chào đời mạnh khỏe.

Và có lẽ trời cao thấu được ước nguyện của người thiếu phụ đang héo mòn sức sống vì bệnh nên chưa nỡ cắt tình mẫu tử vào lúc này. Con chị chào đời tuy yếu ớt phải nằm lồng kính nhưng đã dần cứng cáp, khỏe mạnh còn chị sau sinh bị băng huyết, nhiễm trùng nặng, cứ tưởng sẽ không còn gặp con song ý chí đã giúp chị lách qua khe “cửa tử”.

Sau nhiều lần vào TP Hồ Chí Minh xạ trị nhưng bệnh tình không thuyên giảm, H’Thủy xin về nhà để được gần con những ngày cuối đời. Bên con được 6 tháng, chị chỉ biết đưa mắt nhìn con, rồi nghẹt ngào khi nghe tiếng con khóc mà lực bất tòng tâm. Không thể bế bồng, chăm sóc hay cho con được giọt sữa mẹ nhưng với chị vậy là mãn nguyện.

Một ngày cuối tháng 2/2019, H’Thủy đã trút hơi thở cuối cùng, kết thúc một chuỗi ngày đau đớn chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo…

Bà H’Thắm (mẹ chị H’Thủy) nói trong nước mắt: Dù biết ngày buồn sẽ đến nhưng bà không nghĩ H’Thủy đi nhanh như vậy. Bà luôn cảm nhận khát khao được sống được gần con của Thủy mãnh liệt đến chừng nào. Bây giờ, bà dành hết thời gian, tình thương để chăm lo cho đứa cháu bất hạnh này. Đây cũng là tâm nguyện cuối cùng của H’Thủy trước lúc buông tay.

Chị H’Thủy (phải) chấp nhận đánh đổi mạng sống để sinh con. Ảnh gia đình cung cấp

Chị H’Thủy (phải) chấp nhận đánh đổi mạng sống để sinh con. Ảnh gia đình cung cấp

Đánh cược mạng sống vì con

Ngược về huyện Cư M’gar (tỉnh Đắk Lắk) chúng tôi cũng được nghe, chứng kiến câu chuyện đầy nghị lực của cô giáo Trần Lê Thị Huyền Trang (SN 1990, tổ dân phố 6, thị trấn Quảng Phú) kiên cường chống lại căn bệnh hiểm nghèo để cho con được ra đời an toàn, khỏe mạnh.

Nhà Trang ở ngay đầu thị trấn nhưng im vắng hẳn, duy chỉ có tiếng khóc, cười của cậu bé hơn một tuổi (con trai chị) xua tan không gian tĩnh lặng. Chị nằm đó, bất động trên chiếc giường di động nhưng qua đôi mắt tôi cảm nhận được khát khao sống mãnh liệt.

Bà Lê Thị Lan (mẹ ruột của Trang) cho hay, Trang vốn là đứa cứng cỏi, thông minh và sống rất lạc quan. Năm 2012, Trang tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng rồi về địa phương tìm việc. Những ngày đầu chưa có việc làm, Trang làm đủ nghề để kiếm sống, sau này mới được nhận vào làm giáo viên tiếng Anh tại trường THCS Ea Tul (xã Ea Tul).

 Cậu con trai bụ bẫm trêu ghẹo mẹ Trang.

Cậu con trai bụ bẫm trêu ghẹo mẹ Trang.

“Năm 2018, Trang lập gia đình, cứ ngỡ cuộc đời con từ đây sẽ ấm êm hạnh phúc nhưng không ngờ...” - Bà Lan nghẹn ngào khi nhắc tới biến cố trong cuộc đời Trang rồi lại tiếp tục câu chuyện.

Cưới chồng được 2 tháng, chị Trang bỗng nhiên có những biểu hiện khác lạ như thay đổi giọng nói, chữ viết xấu đi, chân tay nhức mỏi, đi đứng chậm chập. Tháng 9/2018, gia đình đưa chị vào bệnh viện Chợ Rẫy ở TP Hồ Chí Minh khám thì bác sĩ kết luận mắc bệnh rối loạn chuyển hóa não (bệnh teo não). Ba ngày sau, chị nhập viện mổ dẫn lưu nước xuống bụng rồi bác sĩ cho về địa phương, dặn đi khám định kỳ. Lúc này, Trang mang thai được 6 tuần tuổi.

Dù sức khỏe không được tốt nhưng niềm vui có con khiến chị quên hết buồn đau, hằng ngày vẫn gắng đứng chân trên bục giảng. Em bé trong bụng như cảm nhận được tình thương của mẹ nên chẳng quậy phá, bắt thai nghén như bao bà bầu khác.

Tuy nhiên, bầu được 5 tháng, sức khỏe của chị giảm suốt trầm trọng. Tay chân không cử động linh hoạt, trí nhớ không còn minh mẫn như trước đặc biệt miệng không thể nói rõ. Do mang thai nên chị không thể điều trị bệnh mà chị dùng thuốc giảm đau cầm cự qua ngày. Lúc này, mọi sinh hoạt, đi lại chị đều nhờ chồng và người thân giúp. Mang thai được 38 tuần tuổi, chị Trang phải mổ lấy con, rất may ca mổ xuông sẻ mẹ tròn con vuông.

 Bà Lê Thị Lan bế cháu

Bà Lê Thị Lan bế cháu

Cậu con trai đầu lòng của chị như được trời thương nên bụ bẫm đáng yêu còn chị thì đang từng ngày vật lộn với những cơn đau thấu trời. Ngày qua ngày, chị Trang càng mất dần ý thức, không còn nhận biết mọi thứ xung quanh. Thế nhưng khi kề cận con, đôi mắt chị lại tập trung, hướng về con như có một sợ dây gắn kết vô hình của tình mẫu tử. Chứng kiến cảnh này, ai cũng phải rưng rưng.

Anh Nguyễn Trung Hải - trưởng nhóm thiện nguyện Cư M’gar chia sẻ: Anh biết chị Trang qua lần gặp tại Hội trại năm 2016 do Tỉnh đoàn Đắk Lắk tổ chức. Ấn tượng ban đầu, Trang là một cô năng động, nhiệt huyết với công tác đoàn. Đặc biệt, Trang là một thành viên tích cực trong đội Công tác xã hội huyện Cư M’gar. Trang tham gia rất nhiều hoạt động nhân ái, đem lại niềm vui, hạnh phúc cho nhiều hoàn cảnh kém may mắn. Bẵng đi một thời gian, anh không thấy Trang tham gia, ai ngờ khi gặp lại, Trang lại rơi vào cảnh trớ trêu này…

Những câu chuyện về em bé sơ sinh vừa chào đời đã bị gia đình chối bỏ, vứt vào thùng rác khiến nhiều người chạnh lòng, xót xa. Tuy nhiên đó chỉ là số ít, bởi tự trong tâm hồn của mỗi người phụ nữ đã tồn tại một bản năng mãnh liệt vô cùng, đó chính là bản năng làm mẹ. Dù họ là ai, có rơi vào hoàn cảnh như thế nào, thậm chí sẵn sàng đánh đổi mạng sống, dành cả cuộc đời để che chở, bảo vệ những đứa con bé bỏng của mình.

(Còn nữa)

Thủy Phan

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/van-hoa-xa-hoi/doi-song-xa-hoi/nghen-ngao-chuyen-nhung-nguoi-me-danh-doi-mang-song-de-sinh-con-78337.html