Nghẹn ngào cuộc gặp mặt của những đứa trẻ được sinh ra, lớn lên trong tù đày
Lần đầu tiên, Ban liên lạc cựu tù chính trị và tù binh TP.HCM tổ chức một cuộc gặp mặt những 'người tù không số' - những đứa trẻ được sinh ra và lớn lên trong tù.
Sáng 18-10, Ban liên lạc cựu tù chính trị và tù binh TP.HCM đã tổ chức chương trình họp mặt, giao lưu “Những người tù không số”.
"Người tù không số" là những người sinh ra trong tù hoặc bị bắt cùng mẹ và lớn lên trong tù. Họ không có án tù, không có số tù nhưng họ vẫn ở tù, chịu số phận như của một người tù.
Không biết sao mình sống được tới giờ này
Tại chương trình, các đại biểu không khỏi xúc động khi nghe câu chuyện của những đứa trẻ sinh ra, lớn lên trong cảnh tù đày vào những năm kháng chiến. Có những đứa trẻ vào tù lúc chỉ 1-2 tháng tuổi, có những đứa trẻ phải còn nằm trong bụng lúc mẹ bị bắt...
Những đứa trẻ ngày ấy giờ đã ngoài 50 tuổi, 60 tuổi, trở thành ba, thành mẹ nhưng vẫn xưng “con” và run run giới thiệu: “ba con tên là..., mẹ con tên là…”
Bà Bùi Thị Xuân Hạnh (57 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận) cùng mẹ vào nhà tù Thủ Đức lúc bà chỉ mới là một bào thai, đến khi ra khỏi tù, bà đã là cô bé ba tuổi.
“Vào tù mẹ mới biết mình mang thai con, cai ngục biết nên tra tấn rất dã man, dùng cực hình thâm độc để mẹ khai báo nhưng mẹ con không bị khuất phục. Dù bị tra tấn tàn bạo, nhịn đói nhịn khát nhưng hai mẹ con rất kiên cường. Con được sinh ra vào một ngày tháng 3-1967”- bà Hạnh chia sẻ.
Mẹ của bà Hạnh mất cách đây một năm. “Hôm nay nếu mẹ còn sống, mẹ sẽ có mặt ở đây cùng con và chia sẻ câu chuyện này đến mọi người… Con xin ngàn lần cảm ơn mẹ đã bảo vệ con, sinh ra con, nuôi con lớn lên tới ngày hôm nay”- bà Hạnh nói và cho biết bà lớn lên từng ngày ở ngục tù nhờ sự yêu thương, chăm sóc, sự chia sớt từng giọt nước, miếng ăn của các mẹ.
Trong bối cảnh đó, bà Hạnh sau này cũng trở thành một cô giao liên nhí, líu lo chân sáo chạy từ trại giam này đến trại giam khác để truyền tải thông tin bí mật.
“Cai ngục cũng nghi ngờ nhưng con nói mình đi xin bánh, xin kẹo, bỏ vào túi chạy về đưa mẹ” – bà Hạnh kể rồi nghẹn ngào "giờ nghĩ lại không biết sao mình sống được tới giờ này…"
Ông Nguyễn Trí Dũng (55 tuổi, ngụ TP Thủ Đức), cũng cùng mẹ ra nhà tù Côn Đảo khi mẹ mới mang thai ông một tháng.
"Lúc bị bắt, mẹ mới hay tin mang thai con. Mẹ được đưa về nhà tù Chí Hòa để sinh con, sau đó hai mẹ con lại bị đưa trở lại nhà tù Côn Đảo" - ông Dũng kể và cho biết những ngày ở Côn Đảo, các mẹ bị tra tấn thường xuyên bằng vôi bột, lựu đạn cay, ông Dũng cũng bị dính vôi, lựu đạn khi đang nằm trên đất. Từ đấy, một mắt của ông chỉ còn 10% thị lực.
Bà Ngô Thị Bé (53 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) từng đi ba nhà tù ở Huế, Côn Đảo và nhà tù Chí Hòa nhớ lại: “Hồi hai tháng tuổi, mẹ ôm con đi bảy ngày, bảy đêm ra Côn Đảo mà con im thinh, không khóc tiếng nào, mẹ con cứ tưởng con làm sao… Giờ con còn ngồi ở đây, đúng là phước lớn mạng lớn”.
Còn bà Nguyễn Đình Bạch Yến (53 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) vào tù cùng ba mẹ lúc 15 tháng tuổi, hai năm sau, bà mắc bệnh đậu mùa khỉ nặng.
“Mọi người nghĩ con sắp chết rồi vì nổi ban đầy mặt mũi tay chân, hai mắt bị ban nổi mở không lên, may cai ngục cho ông bà nội đem con về, con mới sống được” – bà Yến kể và chỉ vào vết sẹo trên mặt do bệnh để lại.
Ấp ủ 1 cuộc gặp mặt
Bà Hoàng Thị Khánh, Trưởng Ban liên lạc cựu tù chính trị và tù binh TP.HCM (gọi tắt là Ban liên lạc), cho biết đây là lần đầu tiên Ban liên lạc tổ chức một cuộc gặp mặt những “người tù không số”, cái tên này cũng từ đây mà ra đời.
Qua thống kê, toàn TP.HCM có hơn 70 "người tù không số".
Bà Khánh cho biết cuộc gặp này là ấp ủ của bà rất nhiều năm nhưng giai đoạn trước không thể thực hiện được vì Ban liên lạc cần chăm lo chính sách cho các cựu tù chính trị, tức thế hệ cha mẹ của những “người tù không số”.
Trong buổi gặp mặt, bà Khánh kể về những người mẹ vừa quyết tâm chiến đấu, không khuất phục trước địch, vừa cố gắng bảo vệ chu toàn cho đứa con của mình, giành giật sinh mạng cho con dù lắm lúc đau khổ tột độ...
“Chúng ta tự hào trong đội ngũ những người tù không số có Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân - một Phó Chủ tịch nước dung dị, khiêm nhường nhưng trong dáng vẻ dung dị, khiêm nhường đó là một sự kiên cường, sức chịu đựng dẻo dai, sự chiến đấu không ngừng nghỉ…”- bà Khánh chia sẻ và mong muốn TP.HCM tiếp tục quan tâm đến những người bị tù đày, trong đó có những người tù không số này.