Nghẹt thở chuyện lấy tạng cứu bệnh nhân chờ chết

Khi nhận được thông tin người chết não hiến tạng, các bác sĩ lên kế hoạch chi tiết đến từng phút. Ngăn cách địa lý không thể cản quyết tâm của họ trong việc giành giật sự sống cho bệnh nhân.

Chạy đua với thời gian

Tại Bệnh viện Trung ương Huế, bệnh nhân P.T.T 43 tuổi (Quảng Nam) vốn suy tim rất nặng, tiên lượng tử vong rất cao. Anh đang chờ một quả tim mới để có thể thoát khỏi lưỡi hái tử thần.

Các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế vận chuyển tạng với sự hỗ trợ của cảnh sát giao thông.

Các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế vận chuyển tạng với sự hỗ trợ của cảnh sát giao thông.

Một ngày giữa tháng 7, GS.TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế nhận được thông tin có người chết não tại Bệnh viện Việt Đức hiến tạng. Ông lập tức cử 3 bác sĩ ra Hà Nội.

Người hiến là bệnh nhân nữ, 65 tuổi. Đây là ca hiến tạng lớn tuổi và nhẹ cân nên ê kíp được cử đi đều là những bác sĩ có kỹ năng rất giỏi, nhiều kinh nghiệm.

"Chúng tôi tính toán thời gian lấy tim và vận chuyển về Huế phải ngắn nhất có thể. Cùng đó, thời gian chuẩn bị cho bệnh nhân nhận tim cũng phải hợp lý nhất, vì phải gỡ dính toàn bộ giải phẫu tim trên bệnh nhân đang suy tim rất nặng. Ngoài chạy đua với thời gian, đội ngũ các bác sĩ đã phải thực hiện những kỹ thuật khó", GS Hiệp nhớ lại.

Sau 4 giờ 52 phút kể từ thời điểm nhận tim và vận chuyển về Bệnh viện Trung ương Huế, "trái tim Hà Nội" đã đập lại khỏe mạnh trong lồng ngực của người bệnh vào lúc 23h01 ngày 18/7.

Nguồn tạng một người cứu ba người

Cách đây chừng 4 tháng, cũng tại Bệnh viện Trung ương Huế, ê kíp các y bác sĩ không thể quên lần đầu tiên cùng 1 thời điểm, thực hiện lấy cả ba bộ phận tim, gan, thận từ một bệnh nhân chết não tại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển, Uông Bí, Quảng Ninh. Các tạng này về sau được ghép cho 3 bệnh nhân khác nhau.

Bệnh nhân P.T.T 43 tuổi (Quảng Nam) phục hồi sau ghép tim.

Bệnh nhân P.T.T 43 tuổi (Quảng Nam) phục hồi sau ghép tim.

BS Nguyễn Thanh Xuân nhớ lại, đó là đêm 31/3. Lúc này, Trung tâm Điều phối Ghép tạng quốc gia thông tin có người chết não tại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển hiến tạng. Ngay trong đêm, bệnh viện đã họp khẩn, rà soát và dự trù các phương án di chuyển hợp lý nhất, tận dụng từng giây, từng phút để tạng hiến được bảo quản đúng thời gian tối ưu. Đặc biệt đây là ca lấy, ghép đa tạng, thời gian cho phép từ người hiến đến người nhận không quá 6 giờ.

Ca phẫu thuật lấy tạng được thực hiện từ đêm ngày 1 đến rạng sáng 2/4 với sự tham gia của khoảng 120 y, bác sĩ.

Đến 9h23 cùng ngày, 3 tạng hiến gồm tim, gan, thận đã về đến TP Huế. Trong vòng 5 giờ, các bác sĩ đã cùng lúc thực hiện ghép 3 tạng cho 3 bệnh nhân khác nhau và đều thành công. "Ngăn cách địa lý không thể ngăn cản quyết tâm giành giật sự sống cho bệnh nhân của chúng tôi", bác sĩ Xuân chia sẻ.

Những chuyến bay nối dài sự sống

Theo bác sĩ Xuân, khó khăn lớn nhất trong mỗi cuộc ghép tạng xuyên Việt là công tác vận chuyển phải vừa khít thời gian lấy và ghép tạng: "Huế nằm cách xa các trung tâm y khoa lớn, ít có chuyến bay trong ngày. Do vậy, việc kết nối để đảm bảo thời gian đưa tạng về được tính toán rất kỹ càng từng phút".

Tạng hiến được bảo quản, vận chuyển cẩn thận để kịp thời ghép cho bệnh nhân.

Tạng hiến được bảo quản, vận chuyển cẩn thận để kịp thời ghép cho bệnh nhân.

Là người tham gia hành trình đưa nguồn tạng hiến từ Quảng Ninh về Huế, BS Xuân kể: Lúc 8h, bệnh viện nhận thông tin, ban lãnh đạo bệnh viện lập tức triển khai "kế hoạch tác chiến".

Ê kíp các bác sĩ được phân công đi nhận tạng vội vàng đón chuyến bay ra Hà Nội, đi ô tô từ sân bay Nội Bài về Quảng Ninh. Vừa di chuyển trên xe, ê kíp vừa tham gia cuộc họp online phân công nhiệm vụ, dự phòng các tình huống vận chuyển, bảo quản sau khi tiếp nhận nguồn tạng.

Đến nay, Bệnh viện Trung ương Huế đã thực hiện thành công 11 ca ghép tim và hàng chục ca ghép các tạng khác. Mỗi ca lấy - ghép tạng thực sự là một chiến dịch, đòi hỏi sự điều phối, hiệp đồng, tính toán sít sao đến từng phút.

GS.TS Phạm Như Hiệp

"Cái khó của lần này là nguồn tạng hiến được điều phối cùng về 3 bệnh viện để ghép cho 3 bệnh nhân khác nhau. Chính vì vậy, việc tính toán sao cho trùng khớp với hành trình bay, lộ trình đưa về các bệnh viện mà vẫn đảm bảo chất lượng nguồn tạng", bác sĩ Xuân cho biết.

Cùng với ê kíp nhân viên y tế của nhiều đơn vị khác, ca lấy tạng thực hiện xuyên đêm. Đồng hồ điểm 4h30, chiếc xe chuyên dụng lăn bánh rời Quảng Ninh, kịp đón chuyến bay đầu tiên về Huế.

Lúc này ở Huế, các bệnh nhân được đưa vào phòng mổ. Máy bay đáp xuống Huế, xe cấp cứu đã chờ sẵn ở cầu thang máy bay, trực chỉ các bệnh viện, không thừa một giây.

Nhưng cũng có những sự cố thót tim. Đó là lần các bác sĩ đi tiếp nhận tạng từ Vũng Tàu. Chuyến đi bị tắc đường đoạn Vũng Tàu - TP.HCM. Tuy nhiên, rất may nguồn tạng vẫn kịp đến đích với thời gian sít sao ít ỏi còn lại.

"Ngoài sự tận tụy của các y, bác sĩ, còn có sự trợ sức rất lớn từ nhiều đơn vị, trong đó có ngành hàng không. Chính việc tạo điều kiện tối đa đó đã góp phần nối dài thêm sự sống cho các bệnh nhân.

Các hãng như Bamboo, Vietnam Airlines luôn hỗ trợ hết mức khi phải xin lỗi hành khách vì sự chậm trễ, chờ bay. May mắn mọi người đều thông cảm và hiểu cho sứ mệnh của chúng tôi", bác sĩ Xuân nói và chia sẻ, khi vào sân bay, ê kíp y tế luôn có đường ưu tiên, không phải soi chiếu trực tiếp, tránh ảnh hưởng đến chất lượng nguồn tạng.

An Vũ

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/nghet-tho-chuyen-lay-tang-cuu-benh-nhan-cho-chet-19224083011071164.htm