Nghêu được giá, người nuôi phấn khởi

Nghêu thương phẩm tại vùng chuyên canh nuôi nghêu ở biển Tân Thành, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang đang có giá từ 30.000 - 40.000 đồng/kg, tùy theo kích cỡ thu hoạch, tăng hơn cùng kỳ năm trước khoảng 10.000 đồng/kg. Với năng suất bình quân 16 tấn/ha, nông dân thu hoạch nghêu vào thời điểm hiện nay đạt giá trị sản xuất từ 400 - 450 triệu đồng.

Thu hoạch nghêu tại bãi biển Tân Thành, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang.

Thu hoạch nghêu tại bãi biển Tân Thành, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang.

Nghề nuôi nghêu tại ven biển Gò Công phát triển nhiều năm nay đã góp phần giải quyết việc làm, thu nhập cho người dân khu vực biển Gò Công, đồng thời còn tạo nguồn cung hàng hóa phục vụ tiêu dùng và chế biến xuất khẩu.

Diện tích nuôi nghêu của tỉnh hiện nay đạt 2.300 ha, diện tích nuôi tôm đạt gần 4.000 ha, hàng năm thu hoạch khoảng 17.000 - 20.000 tấn nghêu chủ yếu cung cấp cho thị trường xuất khẩu.

Tại huyện Gò Công Đông, địa phương duy trì và phát triển vùng nuôi nghêu trên địa bàn huyện có diện tích 2.200ha, tập trung tại xã Tân Thành, sản lượng khai thác bình quân hàng năm đạt khoảng 20.000 tấn.

Vùng nuôi nghêu ở biển Tân Thành, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang mỗi ngày thu hút từ 3.000 - 4.000 lao động từ các xã ven về cào nghêu.

Vùng nuôi nghêu ở biển Tân Thành, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang mỗi ngày thu hút từ 3.000 - 4.000 lao động từ các xã ven về cào nghêu.

Nghêu Gò Công có chất lượng tốt, được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Huyện đang phối hợp Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tỉnh xây dựng tiêu chuẩn MSC cho vùng nuôi nghêu Gò Công, hướng đến việc xuất khẩu nghêu sang thị trường các nước phát triển như: châu Âu, Mỹ, Nhật Bản…

Một trong những nông dân dựng nên cơ nghiệp từ nghề nuôi nghêu thương phẩm là ông Trần Văn Chỉ, cư ngụ tại ấp Tân Phú, xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Gia đình ông bắt đầu nuôi nghêu vào năm 1989, đến nay đã gần 30 năm. Ban đầu ông nuôi với diện tích nhỏ, nhờ những thành công về giá trị kinh tế mang lại, ông bắt đầu nhân ra diện rộng. Hiện, ông Chỉ sở hữu 6 ha nghêu nuôi, trung bình mỗi năm, ông thu lãi trên nửa tỷ đồng từ con nghêu nuôi ven biển Tân Thành, trở thành một trong những tỷ phú của vùng nuôi Tân Thành.

Huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang phấn đấu trong năm 2022 đạt sản lượng nghêu nuôi khoảng 20.000 tấn phục vụ tiêu dùng và chế biến xuất khẩu.

Huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang phấn đấu trong năm 2022 đạt sản lượng nghêu nuôi khoảng 20.000 tấn phục vụ tiêu dùng và chế biến xuất khẩu.

Theo ông Nguyễn Văn Quý, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, ngoài tập trung vào vùng nuôi nghêu ven biển, các sở, ngành và địa phương đã thực hiện hoàn thiện các thủ tục để chứng nhận đạt tiêu chuẩn MSC cho nghề nghêu huyện Gò Công Đông; đồng thời, tiếp nhận Dự án “Phát triển chuỗi giá trị Ngao - Tre toàn diện, bền vững tại Việt Nam” do Liên minh châu Âu tài trợ trên địa bàn tỉnh Tiền Giang; phối hợp với Viện Nuôi trồng thủy sản II thực hiện đề tài nghiên cứu mô hình nuôi nghêu tại xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang.

Bên cạnh đó, huyện Gò Công Đông đang triển khai dự án “Khu bảo tồn nghêu giống và nghêu bố, mẹ tại vùng nuôi nghêu xã Tân Thành” với mục tiêu nâng cao giá trị, hiệu quả của hoạt động nuôi nghêu; bảo tồn được nguồn nghêu bố mẹ cũng như gia tăng khả năng sinh giống tự nhiên hàng năm cho vùng nuôi nghêu Gò Công.

Bài, ảnh: Hữu Chí (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/ngheu-duoc-gia-nguoi-nuoi-phan-khoi-20220926102716913.htm