Nghĩ cho nhau để sống hết kiếp vợ chồng
Vợ chồng là nơi người ta có thể thoải mái là mình, lúc xấu xí hay yếu đuối, lúc thất bại hay bệnh tật ốm đau... Chừng nào người ta còn nghĩ cho nhau, còn biết soi rọi bản thân, thì chẳng có gì làm lìa xa được.
Thay đồ xong, lẽ ra như mọi khi, anh sẽ uống cái gì đó, rồi nằm phịch xuống salon ôm điện thoại đọc báo hay xem phim. Mặc kệ tiếng ầm ĩ của mấy mẹ con về những chiếc giày không xếp ngay ngắn lên tủ, sách vở không dọn gọn gàng, chồng lại là rà sau lưng vợ, bất giác nói nhỏ: “Để anh rửa chén cho!”.
Suốt hai mươi năm chung sống, thi thoảng anh cũng rửa chén, hay lau nhà - tuy rất ít. Đó là những dịp tết vì chị quá lu bu hoặc bệnh. Chủ động đề nghị thế này, hình như không được mấy lần.
Công việc của chị nhẹ nhàng hơn chồng, kinh tế cả nhà phần lớn do anh gánh vác. Chị tình nguyện làm việc nhà. Có dạo sức khỏe không tốt, chị nhờ cô giúp việc theo giờ. Chưa bao giờ chị bị chồng xem là “một Ô-sin cao cấp” như một số bạn trẻ hay kêu gào.
Chị nhìn nhận vấn đề đơn giản.
Vợ chồng ai có nhiều thời gian và làm tốt hơn việc gì đó thì làm. Gia đình như hai bàn tay, một cái vỗ làm sao kêu? Cuộc sống cứ mãi thèm muốn khi nhìn sang nhà người khác hay chỉ nghĩ phần nhẹ nhàng cho riêng mình thì liệu bao giờ mới thỏa ý? Mỗi người có một thế mạnh và sở thích. Một số người đàn ông rất khéo trong việc dọn dẹp nhà cửa và nấu ăn ngon ngay từ tấm bé. Chồng chị không nằm trong số ấy.
Không gian im ắng, chỉ nghe tiếng máy lạnh rè rè, tiếng bàn tay sột soạt lật từng trang sách của chị. Chị chờ. Khi có một mối bất an trong lòng, ai chẳng muốn sẻ chia. Nhiều năm bên chồng, chị biết mình cần làm gì. “
Trong lớp anh, có gần hai mươi bạn nữ giờ ở một mình. Ly hôn. Mấy cô ấy nói, chưa bao giờ chồng biết đỡ đần công việc nhà với vợ...”. Chị nhìn chồng thật lâu. Bao trùm lấy chị là cảm giác anh chẳng phải hỏi mình. Có lẽ anh chẳng đợi chờ lời đồng tình hay phản đối từ chị. Anh như đang lục tung chính anh trong hai mươi năm chồng vợ, xem có thấy bóng dáng mình qua hình ảnh những người chồng của các cô bạn học hay không.
Bất giác chị nghe trào dâng một nỗi niềm biết ơn. Vợ chồng đi bên nhau đủ lâu sẽ cảm nhận được một điều rõ ràng. Đó không hẳn là thói quen hay sự tồn tại của hai người có cùng nhiệm vụ nắm hai đầu sợi dây để giữ cho cái tổ đừng chòng chành giữa sóng gió, cho các con có một nơi trú ẩn đợi đến ngày lớn khôn. Mà đó là một sự gắn kết kỳ lạ. Không máu mủ ruột rà nhưng người kia cho mình một cảm giác yêu thương tin cậy vô hạn, gần như không còn khoảng cách của những cá thể riêng lẻ xa lạ.
Nơi ấy người ta có thể thoải mái là mình, lúc xấu xí hay yếu đuối, lúc thất bại hay bệnh tật ốm đau… Nơi ấy không biết bằng cách nào, do đâu, luôn cuộn lên một nỗi khao khát nghĩ cho nhau, bằng một niềm thương không mãnh liệt cồn cào, mà đằm thắm dịu êm. Chừng nào người ta còn nghĩ cho nhau, còn biết soi rọi bản thân thì chẳng có gì làm lìa xa được.
Chị nhớ có lần theo cô bạn thân đi chăm sóc da thư giãn giữa giờ nghỉ trưa. Phòng tập thể ba bốn giường, dù cố nhắm mắt theo tiếng nhạc du dương, chị và bạn vẫn gần như nghe trọn câu chuyện của người khách bên cạnh.
- Da chị bị dị ứng hả chị?
- Ừm em! Da chị hồi đó khỏe và đẹp lắm. Dạo gần đây xấu quá, chắc do chị trang
điểm nhiều.
- Dạ, chị nhớ tẩy trang kỹ thì cũng ổn.
...
- Chị trang điểm khi đi ngủ em à. Chồng chị thích vậy. Chị không thích và biết là
hại... Nhưng...
Câu nói bỏ lửng nghe thật buồn của người đàn bà bên cạnh có lẽ cũng trạc tuổi mình khiến chị bần thần nhiều ngày sau đó, không hiểu sao bây giờ lại hiện lên rõ trong suy nghĩcủa chị.
Chị ngắm thật lâu khuôn mặt nhiều nếp nhăn của chồng, lâu và kỹ đến mức thấy rõ những sợi râu bạc lún phún nơi cằm. Nghĩ cho nhau - đó là thứ hành lý cần thiết và quý giá nhất - để sống hết một kiếp nhân sinh. Nhiêu đó thôi là đủ mà, phải không?