Nghị định 100/2019/NĐ-CP: Cần phát huy hiệu quả như những ngày đầu
Vừa qua, nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng đã xảy ra liên quan đến người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng rượu, bia. Nhiều ý kiến cho rằng Nghị định 100/2019/NĐ-CP cần được 'hâm nóng' trở lại và phát huy hiệu quả như những ngày đầu có hiệu lực.
Nhiều ý kiến cho rằng Nghị định 100/2019/NĐ-CP cần được “hâm nóng” trở lại và phát huy hiệu quả như những ngày đầu có hiệu lực. Ảnh: TL
Nghị định 100/2019/NĐ-CP được ví như “cú đấm thép” với sứ mệnh loại trừ “ma men” điều khiển phương tiện giao thông gây ra những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, vấn nạn nhức nhối xã hội trong suốt một thời gian dài mà chưa có thuốc đặc trị.
Có hiệu lực từ thời điểm trước Tết Nguyên đán 2020 với những mức phạt tăng nặng, Nghị định 100 đã cảnh tỉnh mạnh mẽ các lái xe từ thành thị cho đến nông thôn, ý thức của lái xe đối với việc uống rượu, bia đã thay đổi rõ rệt.
Hơn ai hết, không chỉ lo bản thân bị xử phạt nặng mà nhận thức về những hiểm họa chực chờ từ bia, rượu của người lái xe cũng đã được nâng lên. Điều này góp phần kéo giảm tai nạn giao thông liên quan đến lái xe vi phạm nồng độ cồn trong dịp Tết 2020 cũng như những tháng đầu năm.
Tuy nhiên sau thời gian giãn cách xã hội do dịch Covid-19, mọi hoạt động của người dân đã cơ bản trở lại bình thường. Thời gian gần đây, những vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân tới từ việc người điều khiển phương tiện sử dụng nhiều rượu, bia có chiều hướng gia tăng.
Điều đó cho thấy Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019, Nghị định 100/2019/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính giao thông đường bộ và đường sắt (Nghị định 100) chưa được người dân tự giác chấp hành và có dấu hiệu “trùng xuống”.
Điển hình khoảng 21h ngày 10/7 tại khu vực cuối đường Trần Quốc Nghiễn (đoạn qua phường Hồng Hà, TP Hạ Long, Quảng Ninh), một xe ô tô khi vào đoạn cua đã lao xuống biển. Hậu quả là khiến 4 người trên xe tử vong và chỉ còn một mình tài xế sống sót. Qua kiểm tra nồng độ cồn xác định, lái xe có kết quả 0,9 mg/lít khí thở và âm tính với chất ma túy.
Trước đó vào 22h30’ tối 13/6, tại khu vực đường Nguyễn Trãi thuộc địa bàn phường Thượng Đình (quận Thanh Xuân), một nam thanh niên say rượu đi xe máy kẹp ba tông trúng hai vợ chồng đang đi bộ khiến người vợ mang thai mất đi thai nhi 32 tuần tuổi. Đây là hai trong số những vụ tai nạn hết sức thương tâm liên quan đến lái xe vi phạm nồng độ cồn xảy ra trong thời gian gần đây.
Vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra tại Quảng Ninh khiến 4 người trên xe tử vong liên quan đến lái xe vi phạm nồng độ cồn. Ảnh: TL
Quán bia tấp nập khách hàng trong những ngày Hà Nội nắng nóng
Đã có thời điểm, những quán nhậu bỗng dưng vắng vẻ một cách không ngờ. “Cú đấm thép” đã thật sự mang đến sự thay đổi từ trong suy nghĩ, nhận thức của nhiều người. Vấn nạn “ma men” đã giảm hẳn, những vụ tai nạn giao thông liên quan đến lái xe sử dụng rượu bia đã gần như không xảy ra trong suốt một thời gian dài.
Điều đáng ghi nhận nhất trong sự thay đổi ấy là mọi người đã biết dừng lại suy ngẫm, đắn đo xem có nên vào quán nhậu, có nên nâng chén khi vẫn còn cả một quãng đường dài phía trước phải điều khiển phương tiện. Đây chính xác là một thay đổi mang tính đột phá.
Tuy nhiên, sau khi đại dịch Covid-19 tạm thời lắng xuống, cả nước bắt đầu trở lại với nhịp sống thường ngày thì vấn nạn “ma men sau tay lái” bỗng trở lại với những diễn biến phức tạp và khó lường. Các quán nhậu lại đông như mắc cửi. Đặc biệt là các quán bia hơi luôn tấp nập khách ra vào trong những ngày nắng nóng.
Nhiều người lại bắt đầu có thói quen vô tư sử dụng rượu bia một cách quá mức bất kể sau những cuộc vui ấy vẫn còn nhiệm vụ điều khiển phương tiện về nhà. Không còn nỗi sợ hãi, không còn sự đắn đo trước khi nâng chén. Điều gì đến cũng phải đến, số vụ tai nạn giao thông liên quan đến lái xe vi phạm nồng độ cồn đã bắt đầu tăng trở lại,thậm chí không ít vụ tai nạn nghiêm trọng đã xảy ra.
Suốt một thời gian dài, vì thiếu hành lang pháp lý và chế tài đủ mạnh, chúng ta rất khó khăn thậm chí là loay hoay trong cuộc chiến chống vấn nạn “ma men” điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Nghị định 100/NĐ-CP nhưng tại sao vi phạm nồng độ cồn vẫn tái diễn...?
Phải chăng “cú đấm thép” đang mất đi những hiệu quả đã đạt được trước đó. Để đấu tranh với vấn nạn sử dụng rượu bia điều khiển phương tiện, ngoài chế tài đủ mạnh cần phải có sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ. Ngoài sự vào cuộc của lực lượng chức năng, công tác tuyên truyền cần được đẩy mạnh, tài xế cần nâng cao ý thức mỗi khi cần vô lăng và toàn xã hội cần lên án với vấn nạn “ma men”.
Trong 6 tháng đầu năm, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã lập biên bản xử lý hơn 1,8 triệu trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông; tước 150.931 GPLX, bằng chứng chỉ chuyên môn; tạm giữ 304.955 phương tiện.
Trong đó đã xử lý 86.044 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, 563 trường hợp lái xe dương tính với ma túy, 18.617 trường hợp quá tải, 177.569 trường hợp chạy quá tốc độ, 304.213 trường hợp không đội mũ bảo hiểm.