Nghị định 147/2024/NĐ-CP: Quy định mới về hợp tác nội dung giữa báo chí Việt Nam và tổ chức cung cấp thông tin xuyên biên giới

Chính phủ đã ban hành Nghị định 147/2024/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng có hiệu lực từ ngày 25-12-2024. Trong các nội dung mới của Nghị định 147 này, có một quy định đáng chú ý đó là việc các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cung cấp thông tin xuyên biên giới vào Việt Nam phải thực hiện thỏa thuận hợp tác về nội dung với các cơ quan báo chí Việt Nam khi cung cấp thông tin dẫn lại từ báo chí Việt Nam trên cơ sở quy định về sở hữu trí tuệ.

Căn cứ vào điểm d khoản 3 điều 23 của Nghị định 147 thì tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cung cấp thông tin xuyên biên giới vào Việt Nam có sử dụng dịch vụ cho thuê chỗ lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam hoặc có tổng số lượt truy cập từ Việt Nam (total visits) thường xuyên trong một tháng (số liệu thống kê trung bình trong thời gian sáu tháng liên tục) từ 100.000 lượt trở lên có trách nhiệm thực hiện thỏa thuận hợp tác về nội dung với các cơ quan báo chí Việt Nam khi cung cấp thông tin dẫn lại từ báo chí Việt Nam. Tuy nhiên, cũng cần làm rõ rằng quy định này chỉ áp dụng đối với trường hợp có sử dụng nội dung của các cơ quan báo chí Việt Nam, nếu không sử dụng thông tin từ các cơ quan báo chí thì không phải thỏa thuận.

Ngoài ra, trong trường hợp hai bên không đạt được thỏa thuận hợp tác, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cung cấp thông tin xuyên biên giới không được sử dụng hoặc không hiển thị thông tin dẫn lại từ các cơ quan báo chí Việt Nam.

Để xác định được đối tượng cần phải thực hiện thỏa thuận nói trên thì cần nắm được quy định về hoạt động cung cấp thông tin xuyên biên giới. Theo điều 2 Thông tư 38/2016/TT-BTTTT quy định chi tiết về việc cung cấp thông tin qua biên giới thì “Cung cấp thông tin công cộng qua biên giới là việc tổ chức, cá nhân tại nước ngoài (sau đây gọi là tổ chức, cá nhân nước ngoài) sử dụng trang thông tin điện tử, mạng xã hội, ứng dụng trên mạng, dịch vụ tìm kiếm và các loại hình tương tự khác trên mạng để cung cấp thông tin công cộng mà người sử dụng tại Việt Nam có truy cập hoặc sử dụng dịch vụ (bao gồm cả tổ chức và cá nhân)”.

việc quy định về giới hạn sử dụng thông tin còn giúp ngăn chặn trường hợp sử dụng thông tin trái phép khi không có thỏa thuận.

Tuy vậy, không phải bất kỳ tổ chức cung cấp thông tin xuyên biên giới nào cũng phải thực hiện thỏa thuận hợp tác vì Nghị định 147 chỉ yêu cầu các đối tượng có sử dụng dịch vụ cho thuê chỗ lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam hoặc có tổng số lượt truy cập từ Việt Nam thường xuyên trong tháng từ 100.000 lượt trở lên mới có trách nhiệm thực hiện thỏa thuận hợp tác về nội dung với các cơ quan báo chí Việt Nam.

Có thể tóm lại có ba tiêu chí cho các đối tượng chịu áp dụng quy định nói trên bao gồm: những đối tượng có hoạt động cung cấp thông tin xuyên biên giới vào Việt Nam, có sử dụng dịch vụ cho thuê chỗ lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam hoặc có lượt truy cập từ Việt Nam hơn 100.000 lượt và có sử dụng thông tin của các trang báo chí Việt Nam mới phải thực hiện thỏa thuận theo quy định tại điều 23 của Nghị định 147/2024.

Những điểm lưu ý khi thỏa thuận là gì?

Cũng theo điều 23 Nghị định 147/2024 thì thỏa thuận hợp tác về nội dung giữa các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cung cấp thông tin xuyên biên giới với các cơ quan báo chí Việt Nam cần có các thông tin cơ bản như thời hạn thỏa thuận; phạm vi, nội dung được sử dụng và trách nhiệm của mỗi bên; phương thức/hình thức trả quyền lợi. Những vấn đề cần đưa vào thỏa thuận hợp tác nói trên đều nhằm giúp các bên đạt được một thỏa thuận rõ ràng, minh bạch và hiệu quả để đảm bảo quyền lợi cho cả hai bên.

Trong đó, các cơ quan báo chí Việt Nam cần phải chú ý làm rõ phạm vi và nội dung cho phép các tổ chức cung cấp thông tin xuyên biên giới được sử dụng, cũng như cách thức sử dụng thông tin như việc trích dẫn thông tin nhưng phải đảm bảo được tính chính xác, toàn vẹn của thông tin… để tránh việc sử dụng thông tin sai mục đích, làm sai lệch hay không đảm bảo tính toàn vẹn của thông tin, gây nhầm lẫn cho người đọc. Thêm nữa, việc quy định về giới hạn sử dụng thông tin còn giúp ngăn chặn trường hợp sử dụng thông tin trái phép khi không có thỏa thuận.

Ngoài những nội dung cơ bản nêu trên, việc thỏa thuận hợp tác của các bên có thể đưa vào những điều khoản khác để phù hợp với yêu cầu của các bên về việc hợp tác sử dụng thông tin để đảm bảo quyền lợi của các bên, giúp tăng cường hiệu quả của sự hợp tác.

Quy định thiết thực trong bối cảnh thời đại mới

Với sự phát triển mạnh mẽ của các trang mạng xã hội, những trang thông tin tự phát cũng xuất hiện nhiều hơn. Đáng nói rằng có rất nhiều trang thông tin hoạt động trên mạng xã hội tự ý đăng lại thông tin từ các bài báo của các cơ quan báo chí Việt Nam nhưng không trích dẫn toàn vẹn thông tin dẫn đến việc cung cấp thông tin sai lệch. Không những vậy, khi hoạt động một cách tự phát và không chịu sự giám sát hay có quy định ràng buộc rõ ràng, có những trang mạng còn thay đổi nội dung, thêm thắt từ thông tin gốc dẫn đến những hiểu lầm tai hại. Điều này vô hình trung gây khó khăn cho các cơ quan báo chí trong việc duy trì chất lượng trong cung cấp thông tin và niềm tin ở công chúng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, danh tiếng của các cơ quan báo chí.

Theo khoản 1 điều 8 Nghị định 17/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan thì “các thông tin báo chí ngắn hàng ngày, tin vặt, số liệu sự thật, chỉ mang tính chất đưa tin, không có tính sáng tạo” là đối tượng không thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả nên việc trích dẫn, đăng lại các thông tin hàng ngày hay số liệu sự thật chỉ mang tính chất đưa tin và không có tính sáng tạo từ các cơ quan báo chí không được xem là vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ. Nhưng cần lưu ý rằng, ngoài chức năng cung cấp thông tin thì các cơ quan báo chí còn có những bài viết, bài báo và sản phẩm mang tính sáng tạo, thỏa mãn được điều kiện bảo hộ quyền tác giả nhưng cũng bị “đánh cắp” trắng trợn, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của tác giả cũng như cơ quan báo chí.

Trong khuôn khổ của các nguyên tắc quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên mạng của Nghị định 147/2024 có quy định về việc quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên mạng dưới hình thức báo điện tử, xuất bản điện tử và quảng cáo trên mạng phải tuân theo các quy định của pháp luật về báo chí, xuất bản, quảng cáo và sở hữu trí tuệ. Vì vậy, quy định về việc thỏa thuận hợp tác đối với các cơ quan báo chí Việt Nam là điều khoản có giá trị thiết thực để hỗ trợ cho sự phát triển bền vững của nền báo chí nước nhà, tăng sức cạnh tranh trước làn sóng công nghệ, toàn cầu hóa và mạng xã hội. Đồng thời hướng đến việc cung cấp thông tin cho người dân một cách khách quan, chính xác và kịp thời.

(*) IP Paralegal, Hogan Lovells International LLP

Nguyễn Kỳ Duyên(*)

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/nghi-dinh-147-2024-nd-cp-quy-dinh-moi-ve-hop-tac-noi-dung-giua-bao-chi-viet-nam-va-to-chuc-cung-cap-thong-tin-xuyen-bien-gioi/