Hiện đại hóa công nghiệp quốc phòng đáp ứng tình hình mới
Công nghiệp Quốc phòng góp phần nâng cao tiềm lực, sức mạnh quốc phòng của đất nước, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội hiện đại, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.
Thời gian qua, công nghiệp quốc phòng (CNQP) đã đạt được những kết quả quan trọng, sản phẩm CNQP ngày càng đa dạng, lưỡng dụng, bảo đảm chất lượng, góp phần tự chủ bảo đảm vũ khí trang bị, từng bước hiện đại hóa quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, đóng góp tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng quân đội.
Với phương châm tiến thẳng lên hiện đại, Quân chủng Phòng không - Không quân được trang bị nhiều máy bay tiêm kích thế hệ mới như Su-30MK2. Tuy nhiên, để làm chủ nhiều loại vũ khí chiếm ưu thế trên không thì công tác huấn luyện rất quan trọng, đặc biệt là kỹ năng xử lý các sự cố trên không để làm thế nào các phi công trẻ có thể nhanh chóng tiếp thu làm chủ khí tài mới mà vẫn tiết kiệm được số giờ bay huấn luyện và chiến đấu trên các máy bay tiêm kích thật. Câu hỏi này được các kỹ sư quốc phòng Việt Nam nghiên cứu, cho ra đời sản phẩm buồng tập lái máy bay tiêm kích Su-30MK2 với những tính năng hiện đại.
Một buổi bay huấn luyện trên thiết bị mô phỏng máy bay tiêm kích Su-30MK2 của các phi công trẻ Trung đoàn Không quân 927, Quân chủng Phòng không - Không quân có tình huống giả định: Khi máy bay vừa rời khỏi mặt đất thì đèn báo động báo cháy một động cơ. Đèn phát sáng kèm theo lời cảnh báo bằng tiếng Nga vang lên trong buồng lái. Phi công nhanh chóng báo cáo mặt đất, lắng nghe hướng dẫn xử trí dập lửa trên không và xin hạ cánh khẩn cấp.
Với kỹ năng, kinh nghiệm đã được đào tạo cùng sự phối hợp nhịp nhàng với chỉ huy bay dưới mặt đất, chiếc máy bay Su-30MK2 đã hạ cánh an toàn dù chỉ còn một động hoạt động. Với những tình huống xử lý bất trắc trên không như thế, các phi công chỉ được phép rèn luyện trên buồng tập. Điều đặc biệt là thiết bị rất hiện đại như này do chính ngành CNQP Việt Nam sản xuất hoàn toàn.
Phi công Lê Ngọc Hải, Phi đội 1, Trung đoàn Không quân 927, Quân chủng Phòng không - Không quân cho biết: "Buồng lái giả định như này rất hữu ích bởi nó có thể rút ngắn được quá trình phi công thực hành bay trên không như thật và tiết kiệm được giờ bay; đáp ứng được yêu cầu đề ra khi thực hiện nhiệm vụ trong quá trình trực ban sẵn sàng chiến đấu hay tiếp cận những loại tên lửa, vũ khí hiện đại, tối tân mà cần yêu cầu cao về kỹ thuật xử lý".
Nếu như hệ thống buồng lái mô phỏng do Nga sản xuất chỉ có duy nhất một buồng tập dành cho 2 phi công thì với sự sáng tạo, các kỹ sư Việt Nam đã xây dựng được cả một trung tâm huấn luyện mô phỏng với 12 bộ tập lái cùng với hệ thống đài chỉ huy mặt đất giống hệt như biên chế của một Trung đoàn không quân tiêm kích. Trung tâm huấn luyện mô phỏng này không những giúp cho phi công trau dồi kỹ năng khi điều khiển máy bay mà còn huấn luyện các kíp chỉ huy dẫn đường mặt đất cũng như tổ chức các ban bay, biên đội hay luyện tập các tình huống không chiến phức tạp mà buồng tập lái của Nga không thể đáp ứng được.
Theo cán bộ Trung đoàn Không quân 927, Quân chủng Phòng không - Không quân, có buồng tập mô phỏng này, các phi công cũng như chỉ huy bay thường xuyên luyện tập cất, hạ cánh rất hữu ích trong xử lý tình huống cũng như luyện tập, điều hành nhịp nhàng trong một ban bay như thật. Điểm khác biệt lớn nhất của buồng tập mô phỏng Su-30MK2 do Việt Nam sản xuất so với buồng tập của Nga, đó là toàn bộ giao diện điều hành của phần mềm điều khiển đã được Việt hóa. Các thao tác giả lập tình huống, trang bị vũ khí cho máy bay hay điều khiển thông số chuyến bay, trạng thái thời tiết đều được các kỹ thuật viên thiết lập rất nhanh chóng và dễ dàng.
Thiếu tá Trần Xuân Quyền, Trưởng buồng tập lái, Ban Kỹ thuật, Trung đoàn Không quân 927, Quân chủng Phòng không - Không quân cho rằng: Ưu điểm lớn nhất của hệ thống buồng tập lái mô phỏng, đó chính là hoàn toàn sử dụng bằng tiếng Việt nên trong quá trình thiết lập các máy bay đã đơn giản hóa rất nhiều so với hệ thống tập lái cũ của Nga. Phi công nhìn thấy tất cả các đồ họa, thông số rất rõ nét.
Sau 5 năm nghiên cứu, các kỹ sư của ngành CNQP Việt Nam đã cho ra đời sản phẩm buồng tập láy máy bay Su-30MK2 với những tính năng vượt trội so với sản phẩm của nhà sản xuất. Thành tựu này đánh dấu Việt Nam trở thành nước thứ hai trên thế giới sau hãng sản xuất máy bay Sukhoi nghiên cứu và phát triển thành công buồng tập cho lái máy bay thế hệ thứ tư Su-30MK2. Đặc biệt, tổ hợp mô phỏng này là sản phẩm duy nhất trên thế giới cho phép huấn luyện đồng thời phi công và lực lượng mặt đất cùng trong một kịch bản huấn luyện.
Theo Đại tá, TS Nguyễn Phúc Linh, Viện trưởng Viện Vũ khí, việc nghiên cứu, phát triển vũ khí ngành CNQP thế hệ mới yêu cầu hàm lượng khoa học rất cao. Nhiều chi tiết khó, đặc thù của vũ khí là những công trình nghiên cứu khoa học rất phức tạp. Trang thiết bị phục vụ nghiên cứu, thiết bị đo lường, thử nghiệm và hệ thống dây chuyền công nghệ sản xuất đã được đầu tư cơ bản, đáp ứng yêu cầu sản xuất các loại vũ khí thiết bị kỹ thuật thế hệ mới.
Theo Tiến sĩ, Trung tướng Hồ Quang Tuấn, Chủ nhiệm Tổng cục CNQP, Bộ Quốc phòng, xây dựng và phát triển CNQP là chủ trương chiến lược, luôn được Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Trong thời kỳ đổi mới, nhất là từ Đại hội IX của Đảng đến nay, xây dựng, phát triển CNQP Việt Nam tự cường, hiện đại, lưỡng dụng được xác định là vấn đề có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đưa ra những định hướng quan trọng cho phát triển CNQP. Cụ thể, tại Báo cáo chính trị trình Đại hội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII nêu rõ yêu cầu: "Phát triển CNQP, an ninh kết hợp phục vụ dân sinh"; "Xây dựng, phát triển nền CNQP, công nghiệp an ninh hiện đại, lưỡng dụng, vừa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc vừa góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội...".
Tiếp đó, ngày 26/1/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về “Đẩy mạnh phát triển CNQP đến năm 2030 và những năm tiếp theo”, xác định xây dựng nền CNQP chủ động, tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại, trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia; CNQP phải làm chủ được công nghệ tiên tiến, hiện đại, đáp ứng nhiệm vụ xây dựng Quân đội hiện đại, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.
Quán triệt, thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW, Tổng cục CNQP đã triển khai đồng bộ nhiều chủ trương, giải pháp, thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước, chủ động xây dựng, tham mưu cho Bộ Quốc phòng trình Chính phủ phê duyệt các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển trong từng giai đoạn; đồng thời, phát huy vai trò nòng cốt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện, tạo nhiều chuyển biến tích cực.
Đến nay, cùng với tập trung kiện toàn hệ thống tổ chức, đầu tư cơ sở hạ tầng, ngành CNQP cơ bản xây dựng được đội ngũ cán bộ có đủ năng lực, trình độ để từng bước làm chủ các công nghệ mới. Năng lực nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và sản xuất, sửa chữa, cải tiến vũ khí, trang bị kỹ thuật có bước phát triển đột phá. Đặc biệt, ngành đã sản xuất được các loại súng bộ binh thế hệ mới, vũ khí hỏa lực mạnh có điều khiển, vũ khí công nghệ cao và đóng mới các loại tàu quân sự hiện đại.
Ngoài ra, ngành đã nghiên cứu, sản xuất được nhiều chủng loại vật tư kỹ thuật, nguyên liệu, vật liệu phục vụ sản xuất quốc phòng, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hạn chế phụ thuộc nhập khẩu. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực CNQP được mở rộng, trở thành nội dung quan trọng trong hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng, góp phần nâng cao uy tín, vị thế của đất nước, Quân đội trên trường quốc tế.
Trung tướng Hồ Quang Tuấn cho rằng, những định hướng cơ bản về các vấn đề liên quan đến xây dựng và phát triển CNQP đã được cụ thể hóa bằng các chương trình hành động, đề án thực hiện Nghị quyết. Tuy nhiên, để tổ chức triển khai thực hiện thành công các mục tiêu đề ra, cần có hệ thống giải pháp nhằm đạt được cả 2 tiêu chí “hiện đại” và “lưỡng dụng” trong phát triển CNQP Việt Nam thời gian tới.
Trong giai đoạn mới, ngành CNQP đã có những giải pháp theo hướng phát triển CNQP chủ động, tự lực, tự cường; hiện đại dựa trên 3 yếu tố then chốt là: Tiềm lực khoa học công nghệ, nhân lực và xây dựng thể chế; phát triển công nghiệp quốc phòng lưỡng dụng (phục vụ cả quân sự và dân sự), nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết số 08 đã đề ra.
Trung tướng Hồ Quang Tuấn cho rằng, muốn xây dựng CNQP hiện đại, phải vươn lên làm chủ thiết kế, công nghệ, chế tạo được các chủng loại vũ khí hiện đại cho các quân, binh chủng, có tính năng chiến thuật - kỹ thuật cao, như các loại vũ khí thông minh, vũ khí tích hợp hệ thống, vũ khí công nghệ cao..., đặc biệt là một số loại vũ khí chiến lược theo yêu cầu trang bị cho các lực lượng để đáp ứng nhiệm vụ xây dựng Quân đội hiện đại. Để làm được điều này, phải có quyết tâm chính trị cao và có nhiều giải pháp thực thi hiệu quả, đặc biệt chú trọng phấn đấu đạt được tiêu chí “hiện đại” trong cả 3 yếu tố quan trọng nhất, đó là tiềm lực khoa học - công nghệ, thể chế và nhân lực.
Theo Đại tá Phan Thị Hoài Vân, Phó tham mưu trưởng Tổng cục CNQP, CNQP là một bộ phận của công nghiệp quốc gia, vừa sản xuất phục vụ nhu cầu tiêu dùng quân sự, vừa tham gia sản xuất phục vụ nhu cầu tiêu dùng dân dụng. Hầu hết quốc gia đều chú trọng tính lưỡng dụng để đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ mới vào nghiên cứu, thiết kế, chế tạo sản phẩm quốc phòng, đồng thời sản xuất các sản phẩm dân sinh cũng như đẩy mạnh phát triển, chuyển giao một số công nghệ cho công nghiệp dân sinh.
Phát triển CNQP theo hướng lưỡng dụng sẽ khai thác tốt tiềm năng, phát huy tốt nội lực trong xây dựng, phát triển CNQP để đáp ứng đồng thời các yêu cầu của quốc phòng - an ninh và yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Qua đó, giảm bớt sự phụ thuộc, đa dạng hóa việc tiếp cận công nghệ, nguồn lực trong quá trình thực hiện các mục tiêu chiến lược đã đề ra.
Trung tướng Hồ Quang Tuấn cho rằng, trong thời gian tới, cần đẩy mạnh lưỡng dụng hóa trong nghiên cứu phát triển, đầu tư công nghệ,... thông qua các phương thức hợp tác quốc tế đa dạng, linh hoạt, đồng bộ cả về chiều rộng và chiều sâu. Tăng cường chuyển giao công nghệ, liên doanh, liên kết, hợp tác cùng nghiên cứu phát triển mẫu vũ khí mới, hợp tác về đào tạo nhân lực, phát triển thị trường quốc tế và xây dựng thương hiệu, xuất khẩu sản phẩm quân sự, lưỡng dụng và sản phẩm kinh tế. Tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu trong phân công chuyên môn hóa sản xuất, trước hết là các sản phẩm kinh tế và lưỡng dụng...
CNQP nước ta cần phát huy lợi thế và vai trò mũi nhọn về công nghệ lưỡng dụng để có thể dẫn hướng công nghiệp quốc gia trong một số lĩnh vực đặc thù, sở trường. Công nghệ lưỡng dụng phải được hiện thực hóa thành hiệu quả của các sản phẩm kinh tế do công nghiệp quốc phòng chế tạo, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Đẩy mạnh sản xuất phục vụ xuất khẩu, bao gồm cả sản phẩm kinh tế dân sinh và sản phẩm vũ khí đúng quy định của pháp luật. Chuẩn bị điều kiện, phương án, xúc tiến triển khai một số đề án sản xuất theo phương thức hợp tác, liên doanh với đối tác nước ngoài.
Việt Nam chủ động thực hiện phương thức hợp tác quốc tế đa dạng, linh hoạt, đồng bộ cả về chiều rộng và chiều sâu: Chuyển giao công nghệ, liên doanh, liên kết, hợp tác cùng nghiên cứu phát triển mẫu vũ khí mới, hợp tác về đào tạo nhân lực, phát triển thị trường quốc tế và xây dựng thương hiệu, xuất khẩu sản phẩm quân sự, lưỡng dụng và sản phẩm kinh tế; tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu trong phân công chuyên môn hóa sản xuất, trước hết là các sản phẩm kinh tế và lưỡng dụng...
Giải pháp quan trọng để phát triển CNQP lưỡng dụng là phải đẩy mạnh kết hợp quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, vận dụng hiệu quả thành tựu của nền kinh tế quốc dân phục vụ sản xuất vũ khí, trang bị kỹ thuật. Để khoa học - công nghệ và công nghiệp quốc gia tham gia xây dựng phát triển CNQP, cần lồng ghép nhiệm vụ đặc thù này vào trong các đề án chiến lược về xây dựng và phát triển của các bộ, ngành, địa phương; trong đó, triển khai thực hiện một số dự án liên doanh, liên kết với các cơ sở dân sinh hoặc đầu tư hỗ trợ các cơ sở dân sinh nhằm mục đích phục vụ công nghiệp quốc phòng. Nhu cầu đầu tư cho phát triển CNQP rất lớn, vì vậy, bên cạnh phát huy hiệu quả nguồn ngân sách nhà nước, cần tiếp tục đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho nhiệm vụ này, kể cả vốn đầu tư của nước ngoài và của các thành phần kinh tế trong nước.
Bài: Chí Thái
Ảnh: TTXVN
Trình bày: V.T
18/12/2024 06:10