Nghị định 168: Đòn bẩy nâng cao ý thức khi tham gia giao thông

Nghị định 168/2024/NĐ-CP với quy định tăng nặng mức xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã góp phần nâng cao ý thức người dân khi tham gia giao thông.

Theo đó, Nghị định số 168/2024/NĐ-CP ngày 26-12-2024 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2025 đã tạo ra sự chuyển biến lớn trong nhận thức, góp phần nâng cao ý thức khi tham gia giao thông.

Tăng nặng mức xử phạt

Ông Phan Hữu Hiếu-Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh-cho hay: Việc tham gia giao thông đảm bảo an toàn, tuân thủ quy định pháp luật là trách nhiệm của mỗi người. Song, để người dân nhận thức đúng, đầy đủ, rõ ràng về Nghị định số 168, Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh đã tập trung tham mưu để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhất là những quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

 Hiện nay, tại các trụ đèn tín hiệu giao thông đã không còn tình trạng người dân lấn làn hay dừng xe quá vạch quy định. Ảnh: H.D

Hiện nay, tại các trụ đèn tín hiệu giao thông đã không còn tình trạng người dân lấn làn hay dừng xe quá vạch quy định. Ảnh: H.D

Ngoài việc nâng cao mức phạt tiền, tùy từng hành vi vi phạm còn có biện pháp xử phạt mới về trừ điểm giấy phép lái xe nhằm góp phần thay đổi hành vi tham gia giao thông của người dân theo hướng tích cực, xây dựng văn hóa giao thông và đảm bảo trật tự, an toàn giao thông.

Theo Nghị định số 168, người điều khiển ô tô mà sử dụng điện thoại bị phạt 4-6 triệu đồng; chuyển làn đường không đúng nơi cho phép hoặc không có tín hiệu báo trước bị phạt tiền 600-800 ngàn đồng; không thắt dây đai an toàn khi điều khiển xe chạy trên đường, chở người trên xe ô tô không thắt dây đai an toàn (tại vị trí có trang bị dây đai an toàn) khi xe đang chạy sẽ bị phạt tiền từ 800 ngàn đồng đến 1 triệu đồng.

Nghị định cũng quy định phạt tiền 600-800 ngàn đồng đối với người điều khiển xe ô tô có hành vi dừng xe, đỗ xe trên phần đường xe chạy ở đoạn đường ngoài đô thị nơi có lề đường rộng; dừng xe không sát lề đường, vỉa hè phía bên phải theo chiều đi hoặc bánh xe gần nhất cách lề đường, vỉa hè quá 0,25 m...

Hành vi chở theo 2 người trên xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy (gọi chung là xe gắn máy), trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ em dưới 12 tuổi, người già yếu hoặc người khuyết tật, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật cũng bị phạt 400-600 ngàn đồng. Mức phạt này cũng áp dụng đối với hành vi không đội mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy hoặc đội mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy không cài quai đúng quy cách.

Người điều khiển xe gắn máy đi ngược chiều của đường một chiều, đi trên vỉa hè (trừ trường hợp điều khiển xe đi qua vỉa hè để vào nhà, cơ quan), không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông bị phạt tiền 4-6 triệu đồng.

Ông Đào Xuân Đính (tổ 2, phường Diên Hồng, TP. Pleiku) chia sẻ: “Trên địa bàn thành phố, nhiều tuyến đường rộng, đẹp, tập trung đông thanh niên thường chạy xe lạng lách, đánh võng, nẹt pô gây mất an toàn giao thông. Vì vậy, tôi thấy mức phạt 8-10 triệu đồng đối với người điều khiển xe lạng lách, đánh võng, điều khiển xe thành nhóm từ 2 xe trở lên chạy quá tốc độ quy định; sử dụng còi, rú ga (nẹt pô) liên tục trong khu đông dân cư, khu vực cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là mức hợp lý”.

Theo tổng hợp từ Phòng Cảnh sát Giao thông (Công an tỉnh), qua hơn nửa tháng triển khai Nghị định số 168, lực lượng Cảnh sát Giao thông toàn tỉnh đã phát hiện hơn 3.300 trường hợp vi phạm (giảm 542 trường hợp vi phạm so với cùng kỳ năm 2024); ra quyết định xử phạt hơn 2.580 trường hợp với tổng số tiền hơn 3 tỷ đồng; tạm giữ 6 xe ô tô, 363 xe mô tô và 1.850 giấy tờ xe các loại.

Ý thức người dân được nâng lên rõ rệt

Theo tổng hợp từ Phòng Cảnh sát Giao thông, từ ngày 1-1 đến 14-1, toàn tỉnh xảy ra 20 vụ tai nạn giao thông, làm 19 người chết, 8 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2024, tai nạn giao thông giảm 6 vụ, tăng 1 người chết và giảm 11 người bị thương.

 Tại các điểm đèn xanh đèn đỏ, không còn tình trạng người dân dừng quá vạch. Ảnh: Hà Duy

Tại các điểm đèn xanh đèn đỏ, không còn tình trạng người dân dừng quá vạch. Ảnh: Hà Duy

Ông Ngô Phú Yên (tổ 1, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) nhận định: “Từ khi Nghị định số 168 có hiệu lực, tình trạng ùn tắc giao thông tại các tuyến đường trọng yếu ở TP. Pleiku đã giảm hẳn.

Tại các điểm đèn xanh đèn đỏ không còn tình trạng lấn làn hay dừng quá vạch. Các bạn trẻ cũng đã tự giác chấp hành quy định, không còn hiện tượng “quên” đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ… Sự thay đổi này đã góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông cũng như nâng cao ý thức của mỗi cá nhân khi tham gia giao thông”.

Là lái xe đường dài, anh Hồ Tuấn Tài (tổ 2, thị trấn Chư Prông) cho rằng: “Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định tài xế ô tô kinh doanh vận tải không được phép lái xe liên tục quá 4 giờ, thời gian làm việc trong ngày tối đa là 10 giờ...

Theo Nghị định số 168, nếu vi phạm quy định này sẽ bị phạt tiền 3-5 triệu đồng kèm mức phạt bổ sung là trừ 2 điểm giấy phép lái xe. Chủ xe để cho tài xế của mình vi phạm cũng sẽ bị xử phạt 4-6 triệu đồng (đối với cá nhân) và 8-12 triệu đồng (đối với tổ chức). Thoạt nhìn, đây là mức phạt quá cao, quá khắc nghiệt. Nhưng tôi cho rằng quy định này là cần thiết, giúp đảm bảo sức khỏe và sự tỉnh táo cho người lái xe”.

HÀ DUY

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/nghi-dinh-168-don-bay-nang-cao-y-thuc-khi-tham-gia-giao-thong-post308619.html