Nghị định 168: Mục đích cao nhất là xây dựng môi trường giao thông văn minh, hiện đại, an toàn
Ngày 01/01/2025, Nghị định 168 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) trong lĩnh vực giao thông đường bộ có hiệu lực, đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc triển khai Luật TTATGT đường bộ tại Việt Nam. Đây là nghị định rất quan trọng trong việc góp phần xây dựng văn hóa giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông (TNGT), lập lại kỷ cương trong giao thông, xây dựng văn hóa giao thông hiện đại.
Tuy nhiên một bộ phận nhỏ dư luận xã hội bày tỏ ý kiến cực đoan cho rằng nghị định này ban hành gấp gáp; mức phạt cao, là nguyên nhân gây nên tình trạng kẹt xe, ùn ứ giao thông ở các đô thị, đặc biệt là ở TPHCM và Hà Nội. Thực tế có như vậy không?
Nghị định 168 ban hành đúng trình tự pháp luật
Cần nhìn nhận các vấn đề một cách khách quan và khoa học, để thấy nghị định này có tác dụng như thế nào trong việc góp phần xây dựng văn hóa giao thông, vốn là một vấn nạn trong nhiều năm qua ở nước ta, gây hậu quả rất nghiêm trọng về người và tài sản của chính người dân.
Trước hết về mặt ban hành văn bản pháp luật. Lãnh đạo Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cho biết, theo quy định của pháp luật, nghị định này thuộc trường hợp đã được Thủ tướng đồng ý theo trình tự thủ tục rút gọn. Như vậy, nghị định sẽ có hiệu lực ngay khi ban hành. Lãnh đạo Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật nhấn mạnh, nghị định này đã được cơ quan chức năng thẩm định kỹ lưỡng trước khi ban hành.
Về những thông tin trên mạng xã hội cho rằng Nghị định 168 xây dựng sai thủ tục bởi từ ngày được ký ban hành tới khi có hiệu lực chưa đủ 45 ngày, đại diện Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) - Bộ Công an khẳng định, thông tin trên là không chính xác.
Theo đại diện Cục CSGT, Nghị định 168 là để thay thế Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung Nghị định 123/2021/NĐ-CP). Sau khoảng 5 năm thi hành Nghị định 100/2019, thực tế phát sinh những yếu tố đòi hỏi phải có quy định pháp luật phù hợp hơn, nhằm bảo đảm TTATGT. Do tính chất cấp thiết liên quan đến tình hình TTATGT, cơ quan có thẩm quyền đã có những cuộc họp xem xét, quyết định ban hành nghị định theo trình tự rút gọn.
Số vụ tai nạn giao thông giảm
Nghị định 168 được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết trong việc nâng cao chất lượng quản lý giao thông và giảm thiểu TNGT - một vấn đề đang gây bức xúc trong xã hội hiện nay.
Theo Cục CSGT, sau nửa tháng thực hiện nhiều quy định mới theo Nghị định 168 (từ ngày 01 - 14/01), tình hình TNGT đã có những chuyển biến rõ rệt. Cụ thể, TNGT giảm cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm 2024 và thời gian trước liền kề.
Trong 2 tuần, toàn quốc xảy ra 681 vụ TNGT (gồm 677 vụ trên đường bộ, 3 vụ đường sắt, 1 vụ đường thủy) làm chết 365 người và 453 nạn nhân bị thương. So với cùng kỳ của năm 2024 giảm 355 vụ (-34,27%), giảm 47 người chết (-11,41), giảm 426 người bị thương (-34,24%). So với thời gian trước liền kề, TNGT giảm 347 vụ (-34,53%), giảm 94 người chết (-20,47%) lẫn giảm 301 người bị thương (-39,92%). Trong đó, các tuyến đường bộ xảy ra 677 vụ TNGT khiến 363 người chết, 452 người bị thương. So với cùng kỳ giảm 352 vụ (-34,20%), giảm 45 người chết (-11,03%), giảm 426 người bị thương (-48,51%). So với liền kề giảm 346 vụ (-33,82%), giảm 93 người chết (-20,39%), giảm 302 người bị thương (-40,05%).
Cục CSGT đánh giá, Nghị định 168 ban hành với nhiều hành vi tăng nặng mức xử phạt đã tác động sâu sắc đến nhận thức, nâng cao đáng kể ý thức của người tham gia giao thông. Đáng chú ý, với những lỗi bị tăng mức phạt theo Nghị định 168, tình trạng người điều khiển phương tiện vi phạm đang có xu hướng giảm hẳn.
Tiền đề cho giao thông văn minh, an toàn
Nghị định 168 được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết trong việc nâng cao chất lượng quản lý giao thông và giảm thiểu TNGT - một vấn đề đang gây bức xúc ở nước ta hiện nay. Để giải quyết tình trạng giao thông phức tạp, cần triển khai 2 nhóm biện pháp chính, đó là tuyên truyền, giáo dục pháp luật và thực thi mạnh mẽ các chế tài xử lý. Nghị định 168 có một số điểm mới quan trọng, bao gồm việc tăng mức phạt đối với những hành vi vi phạm giao thông nguy hiểm và áp dụng hệ thống trừ điểm đối với giấy phép lái xe.
Trả lời phỏng vấn Báo Điện tử Chính phủ (baochinhphu.vn), TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết, mặc dù mức phạt có thể gây khó khăn cho người dân nhưng nhấn mạnh rằng đây là bước đi hợp lý nhằm tăng cường tính răn đe và làm giảm các hành vi vi phạm.
Ông Tạo cũng cho rằng Nghị định 168 có những điểm nhân văn. Ví dụ, với những vi phạm ít nghiêm trọng, người vi phạm không bị giữ lại giấy phép lái xe ngay lập tức mà chỉ bị phạt tiền và trừ điểm. Điều này giúp cho người tham gia giao thông có thể sửa đổi hành vi mà không gặp phải những tác động quá nặng nề ngay lập tức.
TS Tạo cũng cho rằng, khi Nghị định 168 được triển khai, có những tác động đáng kể đến đời sống hằng ngày của người dân. Mặc dù nhiều người dân ủng hộ vì có thể giảm được TNGT và nâng cao ý thức tham gia giao thông, nhưng cũng không ít người cảm thấy bất an, đặc biệt là những người thường xuyên vi phạm luật. Thực tế, việc siết chặt quản lý giao thông có thể dẫn đến sự thay đổi trong thói quen di chuyển của người dân, thay đổi thói quen vi phạm luật giao thông khi họ tìm cách tránh các khu vực có mức giám sát giao thông cao, gây kẹt xe cục bộ ở khu vực khác. Tại các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng..., ý thức của người tham gia giao thông thay đổi rõ rệt, những hành vi như vượt đèn đỏ, chạy ngược chiều, leo lề, chạy sai tuyến, lấn làn đường, đỗ xe chờ đèn đỏ cán vạch... giảm hẳn.
Nhìn nhận thực tế, dù có một số phản ứng phụ nhưng việc thực thi nghiêm ngặt Nghị định 168 là tiền đề giúp dần xây dựng nếp sống văn minh, hiện đại trong giao thông, giúp xây dựng một hệ thống giao thông an toàn, mục đích cuối cùng là bảo vệ tính mạng, tài sản của chính người dân.
Có gây kẹt xe, ùn tắc giao thông?
Có dư luận tiêu cực cho rằng Nghị định 168 làm cho các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM bị kẹt xe, ùn tắc giao thông. Điều này sai về nguyên tắc.
Chiều 16/01, TPHCM tổ chức họp báo về kinh tế - xã hội của TP, trong đó có nội dung liên quan đến tình trạng kẹt xe, ùn tắc giao thông, ông Nguyễn Thành Lợi - Phó Trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TPHCM - cho biết những ngày qua, sau khi áp dụng Nghị định 168, tình hình TTATGT có chuyển biến tích cực, ý thức đi đường của người dân được nâng cao. Tuy nhiên tình trạng kẹt xe, ùn ứ giao thông phát sinh. Nhưng tình trạng vi phạm giao thông như chạy xe lên vỉa hè, vượt đèn đỏ, không chấp hành tín hiệu đèn giao thông giảm nhiều. Số vụ TNGT giảm sâu.
"Khi nâng mức chế tài vi phạm giao thông từ Nghị định 168, người dân không đi lên vỉa hè nên lòng đường đông đúc hơn, trong khi chiều rộng mặt đường vẫn vậy gây áp lực giao thông. Xe tập trung dưới lòng đường chờ đèn đỏ, khi đường không phình ngang thì phải kéo dài dòng ùn tắc", ông Lợi phát biểu.
Ông Lợi cho biết thêm để phân tích, đánh giá tình hình giao thông và xác định đúng nguyên nhân, UBND TPHCM đã chỉ đạo các sở, ban, ngành địa phương khảo sát, đánh giá, xác định nguyên nhân.
Những nguyên nhân được đưa ra là vào thời điểm cuối năm, nhu cầu đi lại và chở hàng hóa tăng cao. Bên cạnh đó, việc chấp hành luật giao thông của người dân nghiêm túc hơn, người dân không đi trên vỉa hè nên dòng phương tiện dưới lòng đường sẽ kéo dài hơn.
Ông Lợi phân tích, hạ tầng giao thông tại TPHCM đang quá tải so với 10 triệu xe cá nhân hiện nay, trong đó có 1 triệu ôtô, còn lại là xe máy. Đồng thời có số lượng lớn xe từ các địa phương khác đến và ngang qua TPHCM. Bên cạnh đó, một số kỹ thuật điều tiết giao thông một số điểm, một số thời điểm bị lỗi kỹ thuật. Đây là những nguyên nhân khiến việc đi lại gặp nhiều khó khăn. TPHCM đã chỉ đạo đơn vị khi cần thiết phải áp dụng ngay các biện pháp tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi để người dân chấp hành tốt quy định khi đi đường nhưng vẫn thuận lợi.
Ông Đỗ Ngọc Hải - Trưởng Phòng quản lý bảo trì và khai thác công trình (thuộc Sở Giao thông vận tải (GTVT) TPHCM) - cho biết ở khu vực trung tâm TP, lượng xe đi lại tính từ đầu năm 2025 đến nay đã tăng hơn 11%, vì nhu cầu đi lại của người dân dịp cận Tết rất cao. Đồng thời thời gian qua TP có tổ chức nhiều lễ hội, nên xe cộ được điều tiết dồn vào một số tuyến đường. Ông Hải khẳng định nghị định này đã giúp TP đạt tích cực về nhiều mặt, tình hình trật tự tốt hơn, người dân ít vi phạm hơn...
Để giảm ùn ứ giao thông, Sở GTVT đã và đang phối hợp với lực lượng CSGT rà soát từng nút giao để gắn đèn tín hiệu rẽ phải cho xe hai bánh. Tại các vị trí này, các pha đèn phải được rà soát kỹ lưỡng, bảo đảm hiệu quả cho nhiều nút giao liền kề.
Tình hình tại Hà Nội cũng tương tự, do người dân chấp hành Nghị định 168, đường sá nhỏ hẹp, thời điểm cận Tết mật độ giao thông tăng cao, nên việc ùn ứ là không tránh khỏi.
Để giải bài toán này cả TPHCM và Hà Nội đang cố gắng đưa nhiều tuyến đường mới và cải tạo vào sử dụng ngay trước Tết. Về chiến lược, cả Hà Nội và TPHCM đang xây dựng mới nhiều tuyến đường vành đai để giảm áp lực cho nội thành...
Ngoài ra, một yếu tố quan trọng trong việc triển khai Nghị định 168 là vấn đề hạ tầng giao thông, như đèn tín hiệu và cơ sở vật chất trên các tuyến đường. Một số điểm giao thông vẫn chưa được tối ưu hóa, chất lượng đèn tín hiệu chưa đồng đều và việc phân bổ thời gian tín hiệu chưa hợp lý. Những yếu tố này có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của các biện pháp quản lý giao thông.
Việt Nam là quốc gia có tỉ lệ TNGT ở mức cao. Theo Ủy ban Quốc gia về An toàn giao thông Việt Nam công bố vào ngày 01/7/2024, đã có hơn 12.000 vụ TNGT xảy ra khiến hơn 5.300 người thiệt mạng trong vòng 6 tháng đầu năm 2024, theo số liệu mới được Tổng cục Thống kê Việt Nam công bố. Bình quân một ngày tại Việt Nam xảy ra 68 vụ TNGT, làm 30 người chết, 30 người bị thương và 22 người bị thương nhẹ.
Tình trạng TNGT ở nước ta vẫn tiếp tục ở mức cao, dù trong nhiều thập kỷ qua, công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành luật lệ giao thông luôn được quan tâm. Các luật, nghị định... liên quan liên tục được cập nhật, hạ tầng giao thông được hoàn thiện ngày càng tốt hơn nhưng thực tế trong nhân dân vẫn chưa hình thành văn hóa giao thông hiện đại, khi một bộ phận người dân vẫn chưa chấp hành nghiêm pháp luật khi tham gia giao thông.
Nghị định 168 ra đời với những mức phạt vi phạm cao, thậm chí rất cao, có tác động lớn đến thái độ của người dân khi tham gia giao thông. Qua đó giúp xây dựng một môi trường giao thông lành mạnh, an toàn và về lâu về dài sẽ xây dựng được một nền tảng văn hóa giao thông hiện đại, mà người hưởng lợi cuối cùng là chính người dân.