Nghị định 45/2012/NĐ-CP về khuyến công, đòn bẩy thúc đẩy công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh
BHG - Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là một trong những nhiệm vụ mang tính chiến lược của Đảng và Nhà nước ta, nhằm phục vụ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, trên cơ sở nghiên cứu thực tiễn, Bộ Công thương đã tham mưu, đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định số 45/2012/NĐ-CP, ngày 21.5.2012 về khuyến công. Nghị định ra đời, đã trở thành đòn bẩy thúc đẩy công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp trong cả nước, trong đó đặc biệt là Hà Giang, nơi rất cần những chính sách khuyến công.
Với địa bàn Hà Giang, sau khi Nghị định 45/NĐ-CP về khuyến công ra đời, đã được cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở quan tâm, chú trọng triển khai sâu rộng. Ở cấp tỉnh có đơn vị sự nghiệp triển khai hoạt động khuyến công, ở cấp huyện có phân công cán bộ theo dõi, phụ trách lĩnh vực khuyến công. Qua đó, sau 10 năm thực hiện Nghị định 45/NĐ-CP, công tác khuyến công đã được thúc đẩy, có những đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của các địa phương.
Có thể khẳng định, Nghị định 45/2012/NĐ-CP là một trong những chính sách lớn, rất đúng đắn và thiết thực của Chính phủ nhằm mục tiêu huy động các nguồn lực tham gia hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh đầu tư sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Đặc biệt, đối với một tỉnh miền núi biên giới còn rất rất nhiều khó khăn như Hà Giang, Nghị định 45 góp phần quan trọng trong nỗ lực và mục tiêu “biến khó khăn thành cơ hội phát triển”, sớm đưa Hà Giang vươn lên hòa chung với sự phát triển của cả nước.
Trên tinh thần đó, với sự quan tâm của Bộ Công thương, của tỉnh Hà Giang, giai đoạn từ 2012 đến nay, Trung tâm Khuyến công và xúc tiến công thương tỉnh đã triển khai hỗ trợ có hiệu quả 175 đề án khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương. Các nội dung hỗ trợ đa dạng và phong phú, gồm: Hỗ trợ đào tạo nghề; xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật; hỗ trợ chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; hỗ trợ thiết kế mẫu mã bao bì sản phẩm và đăng ký nhãn hiệu; hỗ trợ xây dựng phòng trưng bày sản phẩm; hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết cụm công nghiệp; hỗ trợ đưa sản phẩm đi tham gia giới thiệu, quảng bá tại các hội chợ trọng điểm trong nước và ngoài nước...
Có thể thấy rằng, mặc dù kinh phí khuyến công hỗ trợ cho các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh không lớn, nhưng đã trở thành “cú huých” mang lại những tác dụng, sức lan tỏa rõ rệt với các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong quá trình phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn, sản phẩm tiêu biểu của tỉnh. Vì thế, những năm qua ở nhiều địa phương còn nhiều khó khăn từ Hoàng Su Phì đến Bắc Mê, Xín Mần, Đồng Văn, Mèo Vạc…, ở địa phương nào cũng có những sản phẩm, những nội dung, chương trình được hỗ trợ và được người tiêu dùng biết đến rộng rãi.
Sự hỗ trợ của nguồn kinh phí khuyến công đã góp phần không nhỏ vào việc hình thành và phát triển các sản phẩm OCOP của tỉnh theo Chương trình mỗi xã phường một sản phẩm. Nhiều sản phẩm có thương hiệu như chè, mật ong, dược liệu và nhiều đặc sản đã phát triển vươn lên từ sự hỗ trợ của nguồn khuyến công, sự khuyến khích, tạo điều kiện của các địa phương. Từ đó, đóng góp tích cực để nhiều địa phương trong tỉnh ta hoàn thành các tiêu chí Chương trình xây dựng Nông thôn mới, góp phần từng bước xóa bỏ “vùng trắng” công nghiệp trên địa bàn.
Qua 10 năm thực hiện Nghị định 45/2012 của Chính phủ từ 2012 đến nay, hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã đồng hành và trở thành đòn bẩy thúc đẩy cho các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Có thể nói, chính sách khuyến công chính là “thảm đỏ” trong chính sách thu hút các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hợp tác xã, các hộ kinh doanh và tổ hợp tác mạnh dạn đầu tư vào công nghiệp chế biến nông lâm sản. Qua đó, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa đa dạng, đặc biệt là các sản phẩm đặc trưng của tỉnh tiêu biểu cho các vùng núi đất phía Tây, phía Bắc, phía Nam... Chủ lực như các sản phẩm: Chè Shan tuyết được chứng nhận OCOP 5 sao, mật ong Bạc hà, dược liệu...
Những ngày cuối năm 2023, có một sự kiện ngoại giao lớn của đất nước ta, đó là chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Một trong những sản phẩm công nghiệp nông thôn được hỗ trợ và phát triển từ chính sách khuyến công là sản phẩm “Bạch trà Shan tuyết cổ thụ Tây Côn Lĩnh Hà Giang” rất vinh dự và tự hào được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lựa chọn sử dụng trong tiệc trà đặc biệt để mời Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thưởng thức. Hai từ Hà Giang được nhắc đến tại tiệc trà là một sự ghi nhận, khích lệ to lớn cho những nỗ lực của Hà Giang.
Để Nghị định 45/2012 và những chính sách khuyến công tiếp tục đóng góp vai trò lớn hơn nữa vào sự phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh, đáp ứng quá trình cả nước đẩy mạnh chuyển đổi số, những người làm công tác khuyến công Hà Giang mong muốn Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu, bổ sung thêm một số nội dung cho Nghị định 45/2012, như về hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn thực hiện chuyển đổi số trong sản xuất; tiếp tục tăng cường sự đầu tư cho nội dung hỗ trợ lĩnh vực sản xuất sạch hơn. Cần nâng mức hỗ trợ khuyến công cho các hoạt động thông tin tuyên truyền, quảng bá bằng công nghệ số để tạo sức lan tỏa các sản phẩm công nghiệp nông thôn đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước…
Thực tế cho thấy, các tỉnh miền núi biên giới phía Bắc nói chung và tỉnh Hà Giang nói riêng là địa bàn có điều kiện KT - XH đặc biệt khó khăn, các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn có quy mô nhỏ, số lượng không lớn và năng lực tài chính hạn chế. Do vậy, rất cần có sự ưu tiên và nâng mức hỗ trợ kinh phí khuyến công quốc gia cho các cơ sở nằm trên địa bàn các tỉnh miền núi như Hà Giang. Đồng thời, cần cải cách, giảm bớt các thủ tục hành chính trong hoạt động hỗ trợ khuyến công cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhất là các doanh nghiệp trên địa phương miền núi còn hạn chế về kỹ năng, năng lực triển khai các đề án khuyến công.
Lê Thị Thu Hằng (Giám đốc Trung tâm Khuyến công - XTCT)