Nghị định số 138/2024/NĐ-CP - một bước tiến quan trọng trong cải cách thể chế
Chia sẻ với Tạp chí Tài chính, Luật sư Đào Xuân Sơn – Giám đốc Công ty Luật Justiva Law cho rằng, Nghị định số 138/2024/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành đã tạo ra một khung pháp lý rõ ràng và là một bước tiến quan trọng trong cải cách thể chế, giúp nâng cao hiệu quả quản lý ngân sách nhà nước và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Đất nước.
Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về Nghị định số 138/2024/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành?
Luật sư Đào Xuân Sơn: Việc ban hành Nghị định số 138/2024/NĐ-CP là một quyết định đúng đắn và kịp thời của Chính phủ, giúp tháo gỡ nhiều khó khăn trong việc sử dụng ngân sách nhà nước cho các hoạt động đầu tư, mua sắm tài sản, trang thiết bị và xây dựng.
Đặc biệt, tôi đánh giá cao ở góc độ là việc ban hành Nghị định này đã tạo ra một khung pháp lý rõ ràng và minh bạch, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý ngân sách. Đây cũng là một bước tiến quan trọng trong cải cách thể chế, giúp nâng cao hiệu quả quản lý ngân sách nhà nước và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Đất nước như các chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về đổi mới, hoàn thiện thể chế trong thời gian gần đây.
Trong bối cảnh nhu cầu đầu tư, mua sắm tài sản, trang thiết bị ngày càng tăng, Nghị định số 138/2024/NĐ-CP được ban hành đã đáp ứng yêu cầu cần thiết về một quy định pháp luật rõ ràng và minh bạch trong quản lý và sử dụng ngân sách. Nghị định không chỉ rút gọn thủ tục hành chính mà còn tạo ra quy trình sử dụng nguồn ngân sách nhà nước hiệu quả và thống nhất.
Tôi đánh giá đây là một bước đi tích cực và cần thiết trong việc hoàn thiện khung pháp lý, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các cơ quan, đơn vị trong việc bố trí kinh phí cho các hoạt động như mua sắm tài sản, trang thiết bị, cũng như cải tạo, nâng cấp, mở rộng và xây dựng mới các hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư.
Phóng viên: Nghị định số 138/2024/NĐ-CP tạo điều kiện thuận lợi gì cho các cơ quan, địa phương trong việc sử dụng ngân sách nhà nước để mua sắm tài sản, trang thiết bị hoặc thực hiện các dự án, thưa ông?
Luật sư Đào Xuân Sơn: Trước khi Nghị định số 138/2024/NĐ-CP được ban hành, việc sử dụng ngân sách nhà nước để mua sắm tài sản, trang thiết bị hoặc thực hiện các dự án xây dựng tại địa phương gặp phải nhiều khó khăn do sự chồng chéo và không rõ ràng của các quy định pháp luật liên quan. Tình trạng này gây khó khăn cho các cơ quan, tổ chức có nhu cầu, nhất là đối với nhu cầu mua sắm tài sản, trang thiết bị; cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình cần thực hiện ngay, phát sinh bất ngờ mà chưa kịp đưa vào kế hoạch đầu tư công.
Nghị định số 138/2024/NĐ-CP được ban hành quy định chi tiết các bước lập dự toán, phân bổ, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí chi thường xuyên để mua sắm tài sản, trang thiết bị và thực hiện các dự án xây dựng. So với quy trình phê duyệt dự án đầu tư công thì thủ tục quy định tại Nghị định số 138/2024/NĐ-CP đã được đơn giản hóa đáng kể, giúp các địa phương tiết kiệm thời gian và rút ngắn thời gian thực hiện các đề án.
Nghị định này cũng cho phép các cơ quan, địa phương có nhiều quyền tự chủ hơn trong việc quyết định sử dụng ngân sách, giúp các cơ quan này chủ động ứng phó với các tình huống phát sinh trong quá trình hoạt động.Nghị định số 138/2024/NĐ-CP là một bước tiến quan trọng trong việc cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong việc thực hiện các dự án đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Đất nước.
Phóng viên: Thưa Luật sư, theo ông, điểm nổi bật của Nghị định số 138/2024/NĐ-CP là gì?
Luật sư Đào Xuân Sơn: Như tôi đã nói, Nghị định số 138/2024/NĐ-CP đã mang đến một làn gió mới trong quản lý ngân sách nhà nước, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư xây dựng và mua sắm tài sản. Điểm nổi bật của Nghị định là việc quy định rõ thẩm quyền và phân cấp hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho các cấp chính quyền chủ động hơn trong quá trình lập kế hoạch và triển khai dự án.
Việc giao quyền quyết định trực tiếp cho các cơ quan, đơn vị đã tạo ra một cơ chế quản lý linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương và từng đơn vị. Nhờ đó, các quyết định đầu tư được đưa ra một cách nhanh chóng và kịp thời, đáp ứng nhu cầu thực tế của cơ quan, đơn vị. Nghị định số 138/2024/NĐ-CP là một bước tiến quan trọng trong cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế - xã hội.
Phóng viên: Để Nghị định số 138/2024/NĐ-CP phát huy tối đa hiệu quả, cần chú ý đến vấn đề gì, thưa ông?
Luật sư Đào Xuân Sơn: Nghị định số 138/2024/NĐ-CP là một văn bản pháp luật quan trọng, có ý nghĩa thiết thực trong việc cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, để Nghị định này phát huy tối đa hiệu quả, cần có sự giám sát chặt chẽ từ các cơ quan chức năng nhằm ngăn chặn các hành vi tiêu cực, tránh tình trạng ồ ạt thực hiện việc mua sắm, đầu tư vào các dự án gây thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước.