Nghị định số 168/2024/NĐ-CP: Bước khởi đầu xây dựng văn minh, văn hóa giao thông

Chỉ một thời gian ngắn được áp dụng, Nghị định số 168/2024/NĐ-CP (Nghị định 168) quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe, đã làm chuyển biến rõ nét ý thức tham gia giao thông của người dân; nhận được sự đồng tình, ủng hộ của cả xã hội. Thế nhưng, đâu đó vẫn có những ý kiến phản đối lạc lõng theo kiểu 'cãi cùn, cãi cố'.

Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an mới đây cho biết, trật tự, an toàn giao thông có nhiều chuyển biến tích cực sau hai tuần thực hiện Nghị định 168. Cụ thể, tình hình tai nạn giao thông có chuyển biến rõ rệt, giảm cả 3 tiêu chí (số vụ tai nạn, số người bị chết, số người bị thương), thậm chí là cả số vụ vi phạm bị xử phạt so với cùng kỳ và thời gian trước liền kề.

Điều mà ai cũng thấy nữa là ý thức chấp hành quy định khi tham gia giao thông của người dân chuyển biến rõ rệt. Hình ảnh người tham gia giao thông ngang nhiên vượt đèn đỏ gần như không còn, thay vào đó là cảnh xếp hàng ngay ngắn khi dừng đèn đỏ. Tình trạng đi xe trên vỉa hè, đi ngược chiều, lạng lách, đánh võng trên đường cũng giảm hẳn.

 Các phương tiện giao thông dừng chờ đèn đỏ tại nút giao Yên Phụ - Hàng Đậu (Hà Nội). Ảnh: LINH AN

Các phương tiện giao thông dừng chờ đèn đỏ tại nút giao Yên Phụ - Hàng Đậu (Hà Nội). Ảnh: LINH AN

Thế nhưng, những ngày vừa qua, một số kẻ vẫn cố tình đưa ra luận điệu xuyên tạc như: “Tăng mức xử phạt để “tận thu”, tăng nguồn thu ngân sách”; “cố ý để đèn hỏng để “bẫy” người vi phạm giao thông”; “phạt vượt đèn đỏ, người đi trên vỉa hè là đánh vào dân nghèo”, thậm chí là “ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn dịp cuối năm cũng do Nghị định 168"... Cần khẳng định, đây là nhận thức không đúng đắn, phiến diện, thậm chí có cả những luận điệu xuyên tạc nhằm phá rối trật tự, an toàn xã hội.

Theo Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, về mặt lý luận thì ý thức chấp hành pháp luật là yếu tố rất quan trọng để bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Khi nhiều người có ý thức chấp hành pháp luật tốt thì xã hội sẽ trật tự hơn, quyền của các chủ thể trong xã hội được bảo đảm tốt hơn.

Biểu hiện rõ nhất trong ý thức chấp hành pháp luật là ý thức khi tham gia giao thông. Ngược lại, những người thiếu ý thức tuân thủ pháp luật thì thường vi phạm các quy định khi tham gia giao thông. Vi phạm thường thấy là: Không chấp hành đèn tín hiệu giao thông; đi ngược chiều; không đội mũ bảo hiểm; không trang bị đầy đủ gương chiếu hậu...

Khi tổng kết thực tiễn áp dụng Nghị định số 100/2019/NĐ-CP và Nghị định số 123/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ cho thấy, một số hành vi có chế tài không đủ sức răn đe, nếu cứ tiếp tục áp dụng mức xử phạt cũ thì vi phạm vẫn diễn ra phổ biến, xuất hiện hiện tượng “nhờn luật”, không đạt hiệu quả trong công tác quản lý và tình trạng vi phạm giao thông, tai nạn giao thông vẫn diễn biến phức tạp. Bởi vậy, việc tăng chế tài như quy định tại Nghị định 168 là cần thiết.

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cho biết thêm: “Theo quy định tại Nghị định số 176/2024/NĐ-CP về quản lý, sử dụng kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và đấu giá biển số xe sau khi nộp vào ngân sách nhà nước là để: Đầu tư, mua sắm trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng, nâng cấp trang thiết bị, phương tiện; xây dựng, vận hành, quản trị, nâng cấp, bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông...

Như vậy, mục đích tăng chế tài là đánh vào ý thức của người tham gia giao thông để giảm thiểu các hành vi vi phạm giao thông chứ không phải mục đích để thu tiền về ngân sách nhà nước. Còn nói “ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn dịp cuối năm là do Nghị định 168” là nói càn. Ai cũng thấy là thời điểm cuối năm, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao thì việc ách tắc giao thông ở các thành phố lớn là chuyện phổ biến, đã xảy ra từ rất nhiều năm nay.

Ùn tắc giao thông xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có hạ tầng giao thông kém. Vì thế, ngoài giải pháp trước mắt là đánh vào ý thức của người tham gia giao thông, Nhà nước cũng đang thực hiện đồng bộ rất nhiều giải pháp như: Phát triển hạ tầng giao thông, phát triển giao thông công cộng, phân bố lại dân cư... Theo tôi, ý kiến phản đối Nghị định 168 rất có thể từ những người có ý thức kém, thường xuyên vi phạm giao thông hoặc các thành phần bất mãn chống đối, lợi dụng chính sách, pháp luật mới để đưa ra những luận điệu xuyên tạc nhằm dụng ý xấu”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Công Hùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đánh giá, Nghị định 168 duy trì và mở rộng các quy định cụ thể từ các nghị định trước đây, bảo đảm tính minh bạch, dễ hiểu cho người dân, doanh nghiệp với mục tiêu chính là giảm thiểu vi phạm và tai nạn giao thông. Nghị định tạo khung pháp lý nhất quán, đồng bộ với các văn bản khác, tạo thuận lợi cho lực lượng chức năng trong việc triển khai và giám sát.

Các khoản phạt từ vi phạm giao thông được đưa vào ngân sách nhà nước, góp phần nâng cấp hạ tầng giao thông... “Rõ ràng Nghị định 168 ra đời kịp thời, có sự đồng thuận của đông đảo tầng lớp nhân dân, đúng quy định của pháp luật... giúp chúng ta có quyền hy vọng về việc xây dựng thành công văn hóa, văn minh giao thông. Những kết quả bước đầu là minh chứng cho niềm tin đó”, ông Nguyễn Công Hùng nhấn mạnh.

Còn anh Nguyễn Thanh Minh, người dân xã Cổ Bi (Gia Lâm, Hà Nội), cho biết: “Người có ý thức và chấp hành nghiêm quy định khi tham gia giao thông thì không việc gì phải lo ngại với Nghị định 168. Chỉ có những người coi thường pháp luật, lạng lách, đánh võng, không nhường đường cho xe ưu tiên, không tuân thủ đèn tín hiệu và hiệu lệnh của người điều khiển phương tiện giao thông, đi xe trên vỉa hè, đi vào đường cấm... thì mới thấy lo sợ. Theo tôi, để quy định này phát huy hiệu quả như mong muốn thì cũng cần kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm những hiện tượng, hành vi tiêu cực khi thực thi nhiệm vụ, tránh “con sâu làm rầu nồi canh” và tạo cớ để các đối tượng xấu nói xấu”.

ĐỨC TUẤN - VĂN THI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/nghi-dinh-so-168-2024-nd-cp-buoc-khoi-dau-xay-dung-van-minh-van-hoa-giao-thong-812833