Nghĩ hay 'mơ' về tiền

Từ khi ra đời, tiền trở thành “nhân vật” đặc biệt trong đời sống xã hội. Tiền là 1 trong 3 đối tượng được con người đam mê săn đuổi (quyền - tiền - tình). Suốt chiều dài tồn tại của mình, tiền được con người bàn luận với nhiều góc độ khác nhau. Từ kinh tế đến văn chương và đạo đức. Biết bao bút mực ghi chép về tiền. Tiền như “phù thủy” vừa bị lên án, vừa có sức hút vô biên. Con người liên tục nghĩ hoặc “mơ” về tiền. Khi bình tâm, chúng ta hãy khảo sát để hiểu thêm về tiền.

K. Marx cho rằng: “Tiền tệ là hàng hóa đặc biệt được tách ra từ trong thế giới hàng hóa làm vật ngang giá chung thống nhất cho các hàng hóa khác, nó thể hiện lao động xã hội và biểu hiện quan hệ giữa những người sản xuất hàng hóa”. Tiền là công cụ để trao đổi hàng hóa và dịch vụ. Tiền được mọi người chấp nhận sử dụng, thường là do Nhà nước phát hành và bảo đảm giá trị bởi các tài sản khác như: vàng, kim loại quý, trái phiếu, ngoại tệ... Trước đây, tiền là phương tiện trao đổi có giá trị thật (đồng tiền bằng bạc, vàng). Sau đó và đến nay, tiền được làm từ vật liệu mà chính nó không có giá trị (tiền giấy). Như vậy, tiền chỉ là vật “ngang giá” để trao đổi. Nhưng chính vì là vật để trao đổi, tiền có sức mạnh nội tại của nó. Và, cuộc luận chiến hay cuộc đấu tranh vì tiền liên tục xuất hiện trong cuộc sống với những than trách quặn lòng hoặc đề cao thái quá. Ở đây, chúng ta ghi nhận các nhóm vấn đề sau:

Sức mạnh đồng tiền

Trong cuộc hành trình với con người, tiền đã và đang được đánh giá có sức mạnh “vạn năng”. Dân gian ta có khái quát sức “công phá” của nó với câu: “Mạnh vì gạo, bạo vì tiền”. Xét cho cùng và “trần trụi”, tất cả các hoạt động của con người đều hướng đến đồng tiền. Đối với hoạt động kinh tế - kinh doanh, lợi nhuận là đích. Ở những xã hội mà tư liệu sản xuất chủ yếu thuộc về tư nhân với những cơ chế chạy theo lợi nhuận, người ta có thể sản xuất - kinh doanh bất cứ sản phẩm nào ngay cả nó có khả năng tàn phá sức khỏe, môi trường, thậm chí hủy hoại sự sống của con người. Ở lĩnh vực chính trị - xã hội, một số kẻ chiếm đoạt quyền lực chính trị của Nhân dân để rồi thực hiện hành vi “buôn vua”, “mua quan, bán chức”; nhóm người “đội lốt thầy tu” hợp đồng “mua thần, bán thánh”; không ít người ở các tầng lớp “bình dân” đánh đổi sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, mạng sống... chỉ vì tiền. Lời ca vè: “Tiền là tiên là phật, là sức bật lò xo, là thước đo lòng người, là nụ cười tuổi trẻ, là sức khỏe tuổi già, là cái đà danh vọng, là cái lọng che thân, là cán cân công lý, tiền vô thì hết ý”, vừa chế giễu vừa nói lên sức mạnh “vô địch” của nó. Một sự so sánh đến nao lòng nhưng rất thật ở đời: “Văn hay chữ tốt không bằng thằng dốt lắm tiền”.

Lên án đồng tiền

Suốt chiều dài lịch sử của mình, song hành với sự “tôn vinh tột đỉnh”, đồng tiền cũng bị lên án, miệt thị không ngừng và hết mức. Nếu nhiều trăm năm trước, chúng ta được biết cái đã “Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền” (Nguyễn Du), thì hiện nay cũng bắt gặp: “Bạc ác chi mi lắm rứa tiền. Mi làm nhân loại hóa ra điên! Mi tô mặt nạ đen ra trắng. Mi khiến nhân tình thẳng hóa xiên! Mi đạp luân thường vô một xó. Mi xô nhân nghĩa xếp ai bên! Mi xui thế giới đâm nhau mãi. Bạc ác chi mi lắm rứa tiền!” (Quốc Nghệ). K. Marx rất tâm đắc với nhận xét của nhà kinh tế học người Anh T.J.Dunning (1799 - 1873): “Tư bản sợ tình trạng không có lợi nhuận, hoặc lợi nhuận quá ít, cũng như giới tự nhiên ghê sợ chân không. Với lợi nhuận thích đáng tư bản trở nên can đảm, được bảo đảm 10% lợi nhuận thì người ta có thể dùng tư bản vào đâu cũng được, được 20% thì nó hoạt bát hẳn lên, được 50% thì nó trở nên thật sự táo bạo, được 100% thì nó chà đạp lên mọi luật lệ của loài người, được 300% thì không có tội ác nào nó không dám phạm dù có nguy cơ treo cổ”. Cả trong quá khứ và hiện tại đã minh chứng về những tội ác “tày trời” mà ai đó làm nên bởi vì muốn có được nhiều tiền. Nhìn chung, người ta xem đồng tiền là cái “bẫy”, là “ma lực” đáng khinh bỉ.

Trăn trở đồng tiền

Nếu bản thân đồng tiền có “hai mặt” và thường có 2 khuynh hướng chính trong nhận định, hơn hẳn các loại quý giá khác, đồng tiền đưa lại “triết lý” đối với nhiều người. “Tiền để làm gì” là câu hỏi từ người bình dân đến những bậc quý phái và học thức. Tiền có đáng để con người “lao vào như con thiêu thân”; con người có nên đánh đổi tình yêu thương, sự chân thành, phẩm giá, tính mạng... vì tiền. Ở đây, vấn đề lại thuộc về quan niệm giá trị, thế nào là hạnh phúc, thế nào đủ và cách sử dụng tiền. Tất cả quan niệm ca ngợi, lên án hay suy tư về đồng tiền là dấu ấn riêng của cá nhân, nhưng nó cũng bị chi phối bởi mỗi cộng đồng nhất định. Quan niệm về đồng tiền được đánh giá đúng hay sai còn thuộc về mỗi người và ở thời điểm nhất định. Khi bên bờ vực của “thập tử nhất sinh”, người ta mới trân quý về sức khỏe với những giây phút của nó - “sức khỏe quý hơn vàng”. Nhà văn Mỹ với bút danh O.Henry có nói: “We can’t buy one minute of time with cash; if we could, rich people would live longer” (tạm dịch: Chúng ta không thể mua một phút thời gian với tiền; nếu chúng ta có thể, người giàu sẽ có thể sống dài hơn”. Dân gian cũng nhắc nhở: “Tiền dùng đúng, tiền hiền như Phật. Bạc xài lầm, bạc ác như ma”.

Tiền được loài người sản sinh ra để tiện lợi cho việc trao đổi. Nhưng khi là thực thể độc lập, tiền trở thành “nhân vật” quyền lực vô biên. Ngoại trừ một số ít người có quan niệm “vô vi”, nhân loại trên hành tinh này đều “ngưỡng mộ” đồng tiền. Lịch sử cho thấy, dù lên án hay quay lưng với nó, con người luôn tìm kiếm, săn đuổi, lao vào nó như “con thiêu thân”. Friedrich Engel có nhận xét lý thú: “Sự ra đời của tiền - một hàng hóa phổ biến có thể trao đổi với tất cả hàng hóa khác,... nhưng khi phát minh ra tiền, người ta không ngờ rằng mình đã tạo ra một lực lượng xã hội mới - một lực lượng vạn năng duy nhất mà đứng trước nó, toàn xã hội phải chịu cúi đầu”. Ở đây, nếu con người tạo ra đồng tiền mà lại bị nó chi phối thì lúc ấy con người tha hóa. Con người cần tiền là công cụ và phải sử dụng công cụ ấy một cách thông minh.

DÂN BIỆN

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang/nghi-hay-mo-ve-tien-123655.aspx