Nghỉ hè: Cho con về quê hay ở phố!
Đến hẹn, năm học cũ khép lại với 3 tháng hè 'mở ra', đây cũng là thời điểm các bạn nhỏ được 'xả hơi' vui chơi sau những áp lực học hành. Vậy nhưng làm thế nào để các con có kỳ nghỉ hè vui vẻ, ý nghĩa? Và với các gia đình ở phố thị, con trẻ không đến trường, trong khi bố mẹ vẫn phải đi làm thì việc cho con ở phố hay về quê vẫn là câu chuyện luận bàn chưa cũ.
Năm nào cũng vậy, khi các bạn nhỏ bước vào kỳ nghỉ hè cũng là khoảng thời gian nhà ông Bia, bà Lượng xã Hoằng Xuân (Hoằng Hóa) rộn ràng tiếng cười nói vui vẻ. Là bởi, các con của ông bà đều lập nghiệp xa nhà, trong đó anh Nguyễn Văn Thịnh - con trai thứ 2 của ông bà sống ở TP Hải Phòng. Vậy nhưng những năm qua, cứ các con được nghỉ hè ít hôm là anh Thịnh lại bố trí đưa con về chơi với ông bà suốt những tháng hè.
Chia sẻ về việc đều đặn đưa con về chơi với ông bà trong dịp hè, anh Nguyễn Văn Thịnh cho biết: Các con đã học tập vất vả suốt 9 tháng, nghỉ hè là dịp để nghỉ ngơi, “tái tạo” năng lượng, bố mẹ không nên áp lực việc học hành với con. Vì thế, đến hiện tại tôi vẫn chưa có ý định bắt con phải học thêm trong những tháng hè. Ai cũng có quê hương để lớn lên và trưởng thành, vì mưu sinh mà bản thân phải lập nghiệp xa quê hương, vậy nhưng tôi luôn mong con mình hiểu rằng, cũng như bố mẹ, các con có một nơi gọi là quê hương. Nơi đó có những cánh đồng lúa bát ngát, con đường làng rợp bóng cây xanh, chiếc cổng nhỏ nhỏ và ông bà luôn ngóng trông cháu mỗi dịp hè về. Tôi muốn con lớn lên với những ký ức tuổi thơ đẹp nhất. Đó cũng là lý do những năm qua, nghỉ hè tôi lựa chọn đưa con về quê.
Có các cháu về chơi mỗi dịp hè, ông Bia, bà Lượng vui lắm, bà tâm sự: “Ông bà tôi có tuổi rồi, chỉ mong có nhiều thời gian quây quần bên cháu con nếu có thể, cũng may con cái hiểu được nỗi lòng cha mẹ. Khi các con đưa cháu về quê chơi dịp hè thì ông bà cũng cần có trách nhiệm chăm sóc, trông coi. Dĩ nhiên, nhà có con trẻ cũng bận rộn thêm nhiều thứ lắm, từ việc lo ăn uống cho các cháu, rồi phải thường xuyên quán xuyến, trông chừng, nhắc nhở. Trẻ con hiếu động, lại không có bố mẹ bên cạnh, phải giám sát cẩn trọng, chỉ sơ sểnh phút chốc thôi là đã có thể xảy ra điều đáng tiếc, nghe những vụ việc đau lòng xảy ra ngoài xã hội là ông bà tôi càng phải cẩn thận hơn. Mỗi ngày, có thời gian ông nhà tôi lại dạy cháu chơi các trò chơi dân gian, rồi đánh cờ… đó cũng là cách để trẻ học tập, rèn luyện trí óc”.
Tôi tình cờ ghé thăm nhà ông Bia, bà Lượng vào buổi chiều nắng hạ, dưới mái hiên nhà, ông bà già đang cùng hai cháu nhỏ chơi cờ vui vẻ. Mọi người đang cùng nhau trò chuyện vui vẻ thì anh Thịnh - bố các cháu gọi điện về hỏi thăm, anh trai Tuấn Kiệt nhanh nhảu: “Con và An Nhiên ở nhà với ông bà vui lắm bố ạ. Mấy hôm nữa được nghỉ, bố mẹ cũng về chơi nhé”… Thật sự, khung cảnh ấy khiến người ta thấy bình yên biết bao.
Nghỉ hè về quê, con trẻ được hòa mình trong những buổi chiều lộng gió mát lành, cùng nhau ra đồng thả diều; hay thay vì ôm lấy chiếc điện thoại, “dán” mắt vào màn hình ti vi thì trẻ được gối đầu lắng nghe ông bà kể chuyện những ngày xa xưa. Từ chuyện ngày ông ở chiến trường đạn bom ác liệt, đến chuyện ông bà đã tần tảo ra sao để nuôi được bố các cháu nên người… Tất cả sẽ như “thước phim” quý in hằn vào tâm trí trẻ nhỏ. Và chúng ta tin rằng, đó sẽ là hành trang tuổi thơ vô cùng giá trị, để con trẻ lớn lên.
Vậy nhưng, cũng lại phải nói, không phải gia đình nào cũng có thể có điều kiện đưa trẻ về quê trong dịp hè. Hoặc, nhiều bố mẹ lại có lựa chọn khác cho kỳ nghỉ dài ngày của con.
Làm công việc tự do, chị Trần Thị Hoa, phường Hàm Rồng (TP Thanh Hóa) trong kỳ nghỉ hè này quyết định “bỏ bớt” việc để bên con. Chị Hoa chia sẻ: Con tôi sắp tới vào lớp 3, đây cũng là thời điểm con cần có bố mẹ sát sao bên cạnh. Vì thế, ngay sau khi được nghỉ hè, tôi đã đăng ký cho cháu học bơi - trang bị cho con kỹ năng sinh tồn cần thiết; cùng với đó, tôi cũng tranh thủ thời gian đưa con đến thư viện để đọc sách, hy vọng có thể khơi gợi sở thích đọc sách cho con. Dù không nghiêm cấm tuyệt đối, nhưng tôi cố gắng hạn chế tối đa thời gian xem ti vi, điện thoại của các con. Là mẹ, nhìn thấy nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra với con trẻ trong những tháng hè khiến tôi thực sự lo lắng, làng quê bây giờ cũng có nhiều đổi thay, không phải cứ ở quê là tuyệt đối an toàn. Vì vậy, tôi chỉ cho con về quê chơi một vài ngày là lại đón con lên ngay, tôi muốn mình có thể “đồng hành” để cùng con có một kỳ nghỉ hè ý nghĩa. Trong suốt năm học, các con đã rất áp lực với chuyện học hành, nên trong những ngày hè này, tôi mong con có thể nghỉ ngơi, vui chơi đúng nghĩa. Tuy nhiên, với quan điểm của mình, tôi cho rằng, kỳ nghỉ hè của con có vui vẻ hay không, lại được quyết định bởi sắp xếp của cha mẹ”.
Cũng có không ít bậc phụ huynh, tranh thủ những tháng hè đưa con đi du lịch; tham gia các khóa học kỹ năng sống; tập chơi các môn thể thao; tham gia trại hè; đăng ký học kỳ quân đội; hay học một vài môn năng khiếu để phát triển năng khiếu bản thân… Khách quan mà nói, bất cứ hoạt động, trải nghiệm nào nếu có sự quan tâm, sâu sát của người lớn, cũng sẽ mang đến cho con trẻ những điều thú vị.
Vậy nên, câu chuyện cho trẻ về quê hay ở phố trong những tháng hè, suy cho cùng đó không phải là việc cái nào “lợi” hơn mà là điều gì thì “tốt” hơn. Không phải, cứ cho trẻ về quê mới là tốt; cũng không phải ở phố là không nên.
Và một điều quan trọng, dù về quê hay ở phố, thì vấn đề an toàn cho trẻ luôn phải được đặt lên hàng đầu. Sự an toàn không phải là việc nhốt trẻ trong bốn bức tường, hay bắt con theo các lớp học thêm. An toàn đến từ việc, thường xuyên nhắc nhở, dõi theo và cả rèn luyện, dạy trẻ những kỹ năng sinh tồn cần thiết. Tất cả với một mong muốn, để con trẻ có một mùa hè thú vị, ý nghĩa, lớn lên và trưởng thành với đong đầy những yêu thương.