Nghỉ hè, giáo viên làm gì?

Giáo viên bậc trung học phổ thông phải làm quá nhiều công việc trong hè nên họ không còn thời gian nghỉ ngơi theo quy định của pháp luật.

Điểm a khoản 1 Điều 3 Nghị định 84/2020/NĐ-CP quy định thời gian nghỉ hè của nhà giáo như sau:

Thời gian nghỉ hè hằng năm của giáo viên cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trường chuyên biệt là 08 tuần, bao gồm cả nghỉ phép hằng năm.

Thế nhưng, người viết là giáo viên bậc trung học phổ thông nhận thấy, giáo viên bậc học này đang làm nhiều công việc trong hè nên thầy cô giáo có thời gian nghỉ ngơi theo quy định của pháp luật.

Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn.

Thứ nhất, theo khung kế hoạch thời gian năm học thì khoảng 25/5 hàng năm là giáo viên các bậc học được nghỉ hè.

Tuy vậy, với giáo viên bậc trung học phổ thông, sau ngày 25/5 là thầy cô phải dạy ôn tập cho học sinh thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Ví dụ, năm học 2023-2024, thời gian dạy ôn thi là 4 tuần, từ cuối tháng Năm đến hết tuần thứ 3 của tháng Sáu.

Trường nào thỏa thuận được mức học phí với phụ huynh thì giáo viên có thêm một chút thù lao. Ngược lại, nếu phụ huynh không đóng tiền học phí thì thầy cô giáo cũng vì tình thương, trách nhiệm mà dạy cho các em, có thể dạy trực tiếp hay trực tuyến.

Thứ hai, trong thời gian hè, nếu giáo viên nào không dạy ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông thì cũng có nghĩa vụ dạy ôn tập cho những học sinh kiểm tra lại. Cùng với đó, giáo viên phải ra đề, chấm bài, vô điểm học bạ đối với những em kiểm tra lại.

Bên cạnh đó, nếu học sinh lớp 10 có nhu cầu chuyển đổi môn/tổ hợp môn thì giáo viên bộ môn gần như phải dạy xuyên hè theo sự điều động của hiệu trưởng.

Giáo viên sau khi dạy hết chương trình thì phải ra đề kiểm tra, chấm bài kiểm tra, vô điểm, gửi thông báo điểm cho học sinh, phụ huynh - không khác gì các công việc trong năm học.

Ngoài ra, có trường vì "bệnh thành tích" nên hiệu trưởng động viên giáo viên dạy luyện thi đội tuyển học sinh giỏi từ 2-3 buổi/tuần. Giáo viên dạy học sinh giỏi cũng chỉ vì công việc chung, còn thù lao nhận được cũng chẳng bao nhiêu vì ngân sách nhà trường có hạn.

Giáo viên ở Thành phố Hồ Chí Minh nếu làm một số nhiệm vụ trong hè, ví dụ dạy học sinh kiểm tra lại, dạy học sinh giỏi thì... được tính thêm ngày công để nhận thu nhập tăng thêm theo quy định của Hội đồng Nhân dân Thành phố.

Còn giáo viên ở các tỉnh, thành khác không có thêm khoản thu nhập tăng thêm. Vì làm các nhiệm vụ này nên thầy cô không còn nhiều thời gian để nghỉ ngơi, đi du lịch hay về thăm quê.

Thứ ba, vào thời điểm đầu tháng 6, giáo viên bậc trung học phổ thông làm nhiệm tuyển sinh 10. Cụ thể là các công việc coi thi, chấm thi, làm phách, vô điểm...

Đối với môn thi tự luận như Toán, Ngữ văn, giáo viên thường chấm thi trong vòng 1 tuần, còn môn Ngoại ngữ cũng mất vài ba ngày - như vậy là hết nửa tháng 6.

Tiếp đến, cuối tháng 6, giáo viên lại làm nhiệm vụ coi thi, chấm thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Công việc của kì thi này cũng tương tự kì thi tuyển sinh 10, phải đến khoảng sau 10/7 mới hoàn thành các khâu.

Liên quan đến việc coi thi, chấm thi, mỗi tỉnh chi trả thù lao một kiểu - tùy theo ngân sách địa phương - khiến rất nhiều giáo viên so sánh, kể cả tâm tư.

Ví dụ, giáo viên ở Thành phố Hồ Chí Minh coi thi 1 ngày được khoảng 900.000 đồng, trong khi đó giáo viên ở tỉnh khác chỉ được vài trăm nghìn đồng/ngày.

Giáo viên ở Thành phố Hồ Chí Minh chấm thi 1 ngày được 1.200.000 đồng, còn các tỉnh khác được nhận khoảng hơn 1/3 mức này.

Công việc coi thi, chấm thi rất vất vả, chịu nhiều áp lực, sai sót có thể bị kỉ luật nhưng giáo viên nhiều tỉnh, thành nhận thù lao chưa tương xứng với công sức mà thầy cô bỏ ra.

Thứ tư, nửa sau tháng Bảy là giáo viên tiếp tục làm hàng loạt các công việc như: tập huấn các module Chương trình giáo dục phổ thông 2018; học thay sách giáo khoa; tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ; tập huấn phòng cháy chữa cháy; học chính trị...

Những công việc này kéo dài đến khoảng nửa đầu tháng 8. Đến nửa sau tháng Tám trở đi là giáo viên phải tất bật soạn giáo án, đề cương và các công việc về chuyên môn, nghiệp vụ.

Kể từ khi ngành giáo dục thay sách giáo khoa, triển khai chương trình mới, công việc của giáo viên tăng lên gấp đôi, gấp ba, thời gian nghỉ hè cũng không còn là bao khiến không ít thầy cô chạnh lòng.

Trước mắt, người viết chỉ mong rằng, ngành giáo dục tổ chức 2 kì thi tuyển sinh 10 và thi tốt nghiệp trung học phổ thông cách nhau khoảng 10 ngày để giáo viên được nghỉ dài hơn.

Thời gian tới, người viết kì vọng khi dự thảo Luật Nhà giáo được thông qua thì chế độ nghỉ ngơi hàng năm của giáo viên được quy định cụ thể hơn.

Cụ thể, "chế độ làm việc của nhà giáo được xây dựng bảo đảm đúng quy định của Bộ Luật Lao động và phù hợp với hoạt động nghề nghiệp và quy đổi thành thời gian làm việc theo tuần, năm học và thời gian nghỉ trong năm của nhà giáo."

"Thời gian nghỉ trong năm của nhà giáo (kể cả cán bộ quản lý cơ sở giáo dục) bao gồm: 08 tuần nghỉ ngơi hàng năm và các ngày nghỉ lễ, nghỉ tết theo quy định của Bộ Luật Lao động nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương theo quy định của Bộ Luật Lao động và các ngày nghỉ khác theo Luật Bảo hiểm xã hội." (Điều 27 dự thảo Luật Nhà giáo).

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Ánh Dương

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/nghi-he-giao-vien-lam-gi-post242926.gd