Nghỉ học vì COVID-19, gia tăng bạo lực trên mạng đối với học sinh

Trong thời gian ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, trẻ em ở nhà nhiều và học online, đồng nghĩa với nguy cơ bị xâm hại và bạo lực trên mạng gia tăng.

Ngày 5/6, Hội nghị đặc biệt trực tuyến ACWC về các biện pháp bảo vệ phụ nữ và trẻ em khỏi bạo lực gia đình trong bối cảnh COVID-19 được Ủy ban ASEAN về Thúc đẩy và Bảo vệ quyền của Phụ nữ và Trẻ em (ACWC) phối hợp với Ban Thư ký ASEAN và các nước thành viên ASEAN tổ chức.

Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Y Duyên - chuyên gia UNICEF - chia sẻ, khi đại dịch COVID - 19 xảy ra, trên thế giới, cuộc sống hàng ngày bị xáo trộn, trẻ em đã có nguy cơ bị bạo lực cả ở trong gia đình lẫn trên mạng xã hội.

Ở Việt Nam, trong thời gian giãn cách xã hội, vấn đề bạo lực gia đình đang trở nên nhức nhối, phụ nữ và trẻ em gái có nguy cơ bạo lực gia đình cao hơn. Bao gồm bạo lực do chồng/bạn tình và các thành viên trong gia đình gây ra với nhiều hình thức khác nhau do hạn chế đi lại, môi trường khép kín trong nhà trong một thời gian dài và căng thẳng gia đình…

Nghỉ học vì COVID-19, nhiều học sinh ở nhà và học tập online. Ảnh minh họa.

Nghỉ học vì COVID-19, nhiều học sinh ở nhà và học tập online. Ảnh minh họa.

Bà Hà Thị Minh Đức - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ LĐTB&XH) thông tin, trong thời gian giãn cách xã hội do COVID-19, số cuộc gọi của phụ nữ bị bạo lực đến đường dây nóng (1900969680) của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đề nghị can thiệp hỗ trợ vì bạo lực gia đình đã tăng hơn 50%.

Số lượng được hỗ trợ tham vấn của Ngôi nhà Bình Yên - nơi tiếp nhận, hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực gia đình và bị mua bán trở về - tăng gấp 7 lần; số lượng nạn nhân được hỗ trợ giải cứu và tiếp nhận vào Ngôi nhà Bình Yên tăng 80% so với cùng kỳ năm trước…

Do ảnh hưởng COVID-19, trong thời gian qua trẻ em phải học online, đồng nghĩa với nguy cơ bị xâm hại và bạo lực trên mạng gia tăng. Vì chưa ý thức được các nguy cơ trên mạng, các em có thể bị dụ dỗ, chia sẻ những thông tin cá nhân và hình ảnh riêng tư, nhạy cảm dẫn đến bị lợi dụng trên mạng. Hậu quả là các em có thể cảm thấy xấu hổ, mất tự tin, thậm chí tìm đến việc tự tử.

Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã tiến hành khảo sát nhanh ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến trẻ em trong 15 ngày (từ ngày 15 đến 30/4/2020), với một bộ câu hỏi dành cho trẻ em dưới 18 tuổi ở miền Bắc, Trung, Nam và người chăm sóc trẻ.

Với trên 2.700 bản trả lời đã cho kết quả: Thời kỳ này 60% trẻ gặp phải những khó khăn, áp lực trong việc học tập; 42% trẻ chưa có kiến thức hoặc chưa thành thạo các kỹ năng sử dụng internet an toàn. Có 48% trẻ tham gia khảo sát cho biết gặp áp lực do bị mắng và khoảng 8% bị đánh. Trong khi đó, 32,5% trẻ em cảm thấy bố mẹ không gần gũi, quan tâm trong thời gian này.

Theo bà Nguyễn Thị Y Duyên: "Bạo lực làm tổn hại về thể chất, tinh thần và tâm lý xã hội của nạn nhân, không chỉ tức thời mà rất lâu dài. Trẻ em bị bạo lực từ bé sẽ bị ảnh hưởng tới sự phát triển về thể chất và trí tuệ, kém tự tin, giao tiếp xã hội kém hơn, và ít thành công trong cuộc sống sau này so với những người cùng trang lứa".

Q.Anh

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giao-duc/nghi-hoc-vi-covid-19-gia-tang-bao-luc-tren-mang-doi-voi-hoc-sinh-20200605141451206.htm