Nghỉ lễ 2/9, một số người bất đắc dĩ ra đường, Công an Hà Nội căng mình soát chặt
Sáng nay, 2/9, các tổ công tác đặc biệt của Công an TP Hà Nội tăng 100% quân số việc kiểm soát các phương tiện tham gia giao thông, đảm bảo việc thực hiện nghiêm các quy định về giãn cách. Nhiều trường hợp ra đường với lý do không chính đáng bị xử phạt.
Ghi nhận trên nhiều tuyến phố nội thành Hà Nội sáng nay, lượng người tham gia giao thông thưa vắng hơn mọi ngày. Người ra đường chủ yếu là đi chợ, các shipper. Một số trường hợp đặc biệt, có hoàn cảnh khó khăn, được lực lượng chức năng kiểm tra, tuyên truyền, yêu cầu thực hiện nghiêm quy định về giãn cách xã hội.
Tại đường Bà Triệu, Thiếu tá Nguyễn Quang Huy – Tổ trưởng Tổ Công tác Đặc biệt Y1- Công an TP Hà Nội cho biết, tổ triển khai lực lượng từ 8h, tuy nhiên, công việc sáng nay không căng thẳng như những ngày trước. Nghỉ lễ Quốc khánh, nghỉ làm nên người dân không ra đường nhiều.
Mặc dù vậy, các thành viên Tổ công tác vẫn thường trực theo nhiệm vụ được phân công. “Mọi năm dịp Quốc Khánh 2/9 thì sẽ thay phiên nghỉ nhưng năm chốt trực 100% để đảm bảo an toàn cho người dân và an ninh trật tự trên địa bàn Thủ đô. Mệt song anh em chúng tôi luôn ý thức cao, làm việc hết mình để giữ vững thành quả chống dịch của thành phố”, Thiếu tá Nguyễn Quang Huy chia sẻ.
Lực lượng chức năng ghi nhận có những người ra đường không có giấy tờ đi đường, không đội mũ bảo hiểm…, đã tiến hành nhắc nhở và xử phạt mốt số trường hợp.
Cụ thể, tại chốt trực trên đường Bà Triệu, lực lượng chức năng đã lập biên bản xử phạt một trường hợp ra đường không có lý do chính đáng, không có giấy tờ đi đường.
Anh Đ.V.H – người bị lập biên bản xử phạt giãi bày: “Tôi di chuyển từ Phùng Hưng sang Kim Ngưu để giao đồ cho một đám tang. Tôi đã có giấy đi đường nhưng không đúng mẫu nên tôi không sử dụng nữa. Tôi nhận sai khi đi ra đường mà không có giấy tờ theo quy định”.
Một trường hợp khác ra đường mua thuốc nhưng không có giấy tờ đi đường được Tổ Công tác tuyên truyền, nhắc nhở và không lập biên bản xử phạt.
“Theo Nghị định của Thủ tướng Chính phủ, người ra đường phải có giấy đi đường, những trường hợp ở viện về có sổ khám bệnh hoặc đi mua thuốc về trong thời gian này thì chúng tôi có thể nhắc nhở, tuyên truyền. Nhưng đối với những trường hợp ra đường không có giấy, không có mục đích, lý do thì chúng tôi kiên quyết xử lý. Sáng nay chúng tôi đã xử lý 3 trường hợp, còn lại đa số là chỉ nhắc nhở và tuyên truyền”, Đại úy Nguyễn Việt Dũng, Công an phường Hàng Bài thông tin.
Trên đường Tây Sơn, nơi Tổ Công tác Đặc biệt Y3- CA Thành phố Hà Nội đang thực hiện nhiệm vụ, lượng phương tiện tham gia giao thông cũng giảm rõ rệt. Một số trường hợp phải ra đường do có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt, được thành viên tổ công tác nhắc nhở để chấp hành quy định phòng, chống dịch tốt hơn.
Đại úy Trần Ngọc Lực, Tổ trưởng Tổ Công tác Đặc biệt Y3 cho biết: "Sáng nay có các trường hợp là người lao động tự do, tiểu thương ra đường và một trường hợp nhầm lịch trực. Sau khi xem xét, họ ra đường cũng do bất đắc dĩ nên chúng tôi nhắc nhở họ thực hiện tốt các quy định của Chính phủ, của thành phố, giữ an toàn cho bản thân họ và người xung quanh. Chúng tôi linh động không xử phạt".
Chị H, người nhầm lịch trực được nhắc đến như trên, chia sẻ: “Vì công việc của tôi là dịch vụ vệ sinh tòa nhà, nên dù nghỉ lễ thì vẫn phải làm việc. Tuy nhiên, hôm nay do tôi không nắm rõ lịch trực nên đã đi làm nhầm thời gian. Khi được lực lượng kiểm tra, nhắc nhở tôi xin rút kinh nghiệm và về nhà ngay lập tức”.
Người và phương tiện ít qua lại nhưng cảnh sát trực chốt không cho phép mình lơ là. “Tổ công tác xác định phòng chống dịch là cho đến khi nào hết dịch mới thôi, cho nên chúng tôi xác định làm bình thường trong các ng ày nghỉ, ngày lễ. Là lực lượng phòng chống dịch tuyến đầu thì hoàn cảnh nào chúng tôi vẫn luôn phải đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ”, Đại úy Trần Ngọc Lực bày tỏ.
Đại úy Trần Ngọc Lực tuyên truyền, nhắc nhở một trường hợp ra đường đi làm nhưng nhầm lịch trực. Clip: Ngọc Nga