Nghi lễ cúng tại nhà ngày Tết đơn giản nhưng chuẩn thành kính
Nghi thức cúng lễ là điều không thể thiếu trong Tết cổ truyền dân tộc. Theo phong tục tập quán cổ truyền ngày Tết, trong 3 ngày đầu năm mới, nhà nhà đều sắm lễ 'Rước ông bà' về cùng với con cháu.
Trong 3 ngày Tết này, thông thường con cháu đều cúng Tổ Tiên mỗi ngày 1 lần. Trong lễ cúng, con cháu sẽ đọc văn khấn để tỏ lòng hiếu thảo, tưởng nhớ tới Tổ tiên… Tuy nhiên, việc cúng như thế nào để vừa giản tiện lại chuẩn thành kính nhất thì không hẳn ai cũng biết. Dân ta thường nói “ba ngày Tết”, tức các ngày mồng 1, mồng 2 và mồng 3 tháng Giêng. Thật ra không khí Tết trước và sau các ngày nêu trên, mỗi gia đình còn phải lo chuẩn bị các món ăn, thú vui chơi, với nhiều phần việc, đòi hỏi sự chung tay, nỗ lực của các thành viên. Để có được ba ngày Tết, cần có một “hành trình chuẩn bị Tết”.
Hành trình chuẩn bị Tết là những ngày vui nhất, không khí Tết sôi nổi nhất từ 23 tháng Chạp đến ngày cuối cùng của năm, dọn dẹp, trang hoàng lại nhà cửa, đi sắm các đồ dùng, nguyên vật liệu để chế biến các món ăn ngày Tết, nhất là bánh chưng để dâng lên tổ tiên. Tất cả đều khẩn trương, mọi việc phải hoàn tất trước phút Giao thừa để đón chào năm mới.
Chuẩn bị cỗ cúng là khâu quan trọng. Thông thường, sáng mùng 1 các gia đình đều dậy sớm để làm cỗ cúng. Mâm cỗ cúng sáng mùng 1 Tết thường được chuẩn bị đầy đủ. Theo phong tục truyền thống, mâm cỗ cúng này thường gồm “bốn bát, sáu đĩa”, với nhiều nhà có điều kiện kinh tế và cầu kỳ hơn thì có thể là “tám bát, tám đĩa”.
Sự đủ đầy của những món ăn trong mâm cỗ sáng mùng 1 Tết mang ý nghĩa dâng lên tổ tiên, thần linh những vật phẩm trọn vẹn nhất để cầu mong một năm mới no đủ, an vui, mạnh khỏe và nhiều may mắn. Tuy nhiên, đối với những gia đình vợ chồng trẻ hoặc ít người, việc chuẩn bị mâm cỗ cầu kỳ là rất vất vả. Mặt khác, nấu nướng nhiều mà nhà ít người ăn, thức ăn cứ dồn bữa nọ sang bữa kia có khi để hư hỏng rất lãng phí. Vì vậy, mâm cỗ cúng Tết cũng được giản lược dần.
Thực tế từ chiều 30, nhà nào cũng đã lau dọn, bày biện ban thờ để cúng Tất niên, nên trên ban thờ hầu như đã khá đầy đủ các loại lễ vật để cúng trong suốt 3 ngày Tết như: Bánh kẹo, hoa quả, rượu, trầu cau, bánh chưng vàng mã, đèn hương…; trong đó bánh chưng thường đã được coi như một thức lễ mặn rồi. Do đó, mâm cỗ cúng sáng mùng 1 Tết chỉ cần các món nóng ới đầy đủ có bát, có đĩa là được. Ví dụ như cơm cúng,một hoặc hai bát nấu, một đĩa xào, một đĩa giò lụa hay giò xào, có thể thêm đĩa nem và đừng quên chén nước trắng…, cũng được coi là đầy đủ bát đĩa và chủng loại món ăn.
Sau khi chuẩn bị xong, mâm cỗ cúng được dâng lên ban thờ. Chủ nhà ăn mặc chỉnh tề, lên hương, vái lạy Thần linh, tổ tiên và khấn cầu mong một năm mới gia đình an khang thịnh vượng, gặp điều may mắn, phúc lộc dồi dào… . Lễ cốt ở tâm thành. Vì vậy chủ nhà cũng có thể khấn nôm: Đọc “Nam mô A di đà Phật” và vái lạy 3 vái; kính lạy các vị Thần linh thổ địa, gia tiên tiền tổ, ông bà cha mẹ, bà cô ông mãnh… Tiếp đến xưng tên, địa chỉ rồi kính mời Thần linh, gia tiên về hưởng lễ vật, khấn những điều cầu xin được phù hộ (thường là bình an, may mắn, an khang thịnh vượng…). Sau đọc “Nam mô A di đà Phật” và vái lạy 3 lần là kết thúc. Chờ cho tàn 3 tuần hương thì hạ lễ, cả gia đình quây quần bên mâm cơm năm mới vui vẻ ấm cúng.
Ngày trước, các gia đình thường dâng cỗ cúng đầy đủ các bữa trong suốt ba ngày Tết. Càng ngày, không cứ ở thành thị mà ngay cả nông thôn người ta cũng dành nhiều thời gian cho việc đi lễ chùa, thăm hỏi, chúc tụng và du xuân, nên việc cúng bái cũng được giản lược dần. Ngày nay các gia đình chỉ làm cỗ cúng buổi sáng mùng 1 và sáng ngày mùng 3 Tết tiễn đưa ông vải là quan trọng nhất. Còn các buổi khác có thể chỉ cần cơm nóng, bát nấu, đĩa xào, khoanh giò là được.