Chương trình Tết Việt - Tết phố là sự kiện văn hóa thường niên do UBND quận Hoàn Kiếm phối hợp với CLB Đình làng Việt tổ chức vào mỗi dịp Tết đến, xuân về.
Chương trình này được tổ chức thường niên với mục đích bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, thúc đẩy phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh Phố cổ Hà Nội nói riêng và Thủ đô nói chung tới người dân và du khách.
Chương trình bắt đầu từ 7h30 với nghi lễ Rước lễ sau đó là Dâng lễ của đình, Lễ dựng cây nêu. Đây đều là những nghi lễ đặc sắc khi đón Tết cổ truyền xưa. Năm nay nghi thức Rước lễ được tiến hành tại không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm đã thu hút rất đông sự quan tâm của nhân dân và du khách.
Phát biểu khai mạc chương trình, ông Nguyễn Quốc Hoàn - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm - khẳng định những nghi thức được tái hiện trong chương trình là minh chứng cho tinh thần gìn giữ di sản văn hóa quý báu của dân tộc. "Chương trình Tết Việt - Tết phố không chỉ là cơ hội để chúng ta tìm lại những ký ức đẹp của ngày Tết xưa, mà còn là hoạt động văn hóa để giới thiệu tới bạn bè quốc tế về một Việt Nam giàu bản sắc, thân thiện và hiếu khách",
Lễ dựng cây nêu là một trong những nghi lễ quan trọng trong dịp Tết Nguyên đán. Theo đó, cây nêu được coi là biểu tượng để phân định ranh giới lãnh thổ đã được bảo vệ trong những ngày Tết.
TS. Trần Đoàn Lâm cho biết cây nêu được dựng bằng cây tre thẳng và thon. Cây nêu thường treo một số những cái mặt phẩm như chùm lá có răng cưa, bùa, giỏ có trầu, cau, vôi, muối, vàng, lá phướn đỏ "Chúc mừng năm mới", khánh đất như 12 con giáp, chuông...
"Cây nêu theo tín ngưỡng để báo cho tổ tiên biết đường về. Cây nêu được coi là gạch nối ba yếu tố tam tài - trời, đất và con người. Cây nêu đối với người dân Việt Nam không chỉ mang ý nghĩa tâm linh, ý nghĩa văn hóa và còn có ý nghĩa trang trí nhà cửa trong dịp Tết đến", TS. Trần Đoàn Lâm nêu.
Chữ treo trên cây nêu trong dịp Tết này là Kỷ nguyên vươn mình bằng chữ Hán nôm.
Phần chữ trên phướn của cây nêu do ông Hoàng Hữu Hùng sẽ lên viết.
Hoạt động này góp phần lan tỏa giá trị văn hóa đến cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ - những người giữ vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc. Chương trình không chỉ khơi dậy niềm tự hào dân tộc mà còn kêu gọi sự chung tay của mọi người dân trong việc bảo vệ di sản văn hóa, quảng bá vẻ đẹp của ngày Tết Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Ngoài trải nghiệm những nghi thức cổ truyền, người dân tham dự Tết Việt - Tết phố sẽ được trải nghiệm hoạt động gói bánh chưng, tìm hiểu về không gian sinh hoạt, đón Tết của gia đình Hà Nội xưa, không gian Tết truyền thống vùng đồng bằng Bắc Bộ, thưởng thức chương trình âm nhạc truyền thống chuyện nhạc Phố cổ….
Gia Linh - Duy Phạm